Hiện nay, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc xây dựng tài liệu hỗ trợ dạy học tiếng dân tộc, nhất là việc phát huy môi trường sử dụng ngôn ngữ, chữ viết tiếng dân tộc.
Đặc biệt những hạn chế lớn như: sách giáo khoa, vở tập viết tiếng Chăm không cấp bổ sung trong nhiều năm, học sinh sử dụng sách cũ; số sách cung cấp cho học sinh còn thiếu nhiều, thiết bị dạy học tiếng Chăm chưa được cung cấp....
Đó là báo cáo của ông Nguyễn Minh Hảo- Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Hải trong buổi làm việc, kiểm tra, khảo sát trong công tác dạy học và tuyên truyền tiếng Chăm tại huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), ngày 23/10
Theo ông Hảo, trước những hạn chế và khó khăn, đơn vị đưa ra phương hướng và giải pháp thực hiện để tổ chức có hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phụ đạo học sinh chưa hoàn thành chương trình.
Cụ thể, thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng dạy học, nhất là việc dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc, đảm bảo đúng chương trình, nội dung sách giáo khoa. Đồng thời, tích cực đổi mới công tác quản lí, tăng cường công tác kiểm tra giáo dục dân tộc.
Bên cạnh các giải pháp chính trên, địa phương cũng đã tăng cường chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học bộ môn tiếng Chăm cho học sinh dân tộc; Tăng cường hướng dẫn giáo viên tự làm và sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả nhằm đảm bảo chất lượng học tập môn tiếng dân tộc.
“Đặc biệt, đảm bảo, kịp thời chế độ chính sách của giáo viên dạy tiếng dân tộc và người học; Phối hợp tốt với chính quyền, ban ngành đoàn thể và cộng đồng địa phương trong việc chăm lo sự nghiệp giáo dục nói chung và chất lượng dạy học tiếng dân tộc nói riêng”, ông Hảo nhấn mạnh.
Đánh giá cao về quá trình bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua giáo dục, ông Nguyễn Văn Thanh– Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc, cho rằng, vấn đề khó khăn và tồn tại lớn của địa phương hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh và của hai trường dạy tiếng Chăm đang có.
Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, Phòng GD&ĐT Huyện Ninh Hải cần có kế hoạch cụ thể, ưu tiên bổ sung biên chế cho Trường TH – THCS Mai Thúc Loan và Tiểu học An Nhơn để hỗ trợ trường trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua giáo dục.
“ Địa phương cần đưa ra kế hoạch cụ thể, chi tiết, bám sát với nhu cầu đào tạo nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên phụ trách môn tiếng Chăm; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng đủ giáo viên dạy tiếng Chăm tại cơ sở.
Hiện Bộ GD&ĐT đang kiến nghị Chính Phủ về công tác in ấn, cấp phát sau khi biên soạn giáo trình địa phương để đáp ứng đúng nhu cầu mà huyện Ninh Hải nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung đang cần”, ông Thanh nhấn mạnh.