Không chịu rời vòng tay mẹ
Tại lớp Búp (Trường Mầm non Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nhiều trẻ không chịu rời bố mẹ khi đến lớp. Biểu hiện rõ nhất là trẻ khóc, ôm chặt chân mẹ. Thậm chí, một vài em sẵn sàng ôm chân người nào đó ở ngoài cửa lớp chứ không chịu bước vào trong… Điều này khiến việc đón trò vào lớp của các cô gặp nhiều khó khăn.
Mẹ của bé Lê Đức Hải (21 tháng tuổi, tổ dân phố 2, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) nói: “Ngày đầu đến trường, cháu khóc, ôm chặt lấy mẹ. Cứ chuẩn bị chuyển sang tay cô là lại khóc thét, khiến tôi cảm thấy lo lắng, có lúc nghĩ, hay là đưa con về nhà. Phải mất gần 30 phút dỗ dành của các cô giáo, con mới bớt khóc, sau đó chịu vào lớp. Đến ngày thứ 3, cháu vẫn khóc nhưng đỡ hơn, các cô chỉ cần ít phút là dỗ được vào lớp”, mẹ Đức Hải chia sẻ.
Không may mắn như mẹ của Đức Hải, mẹ của Nguyễn Thị Thanh Vy (tổ dân phố 7, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) không đủ kiên nhẫn cho con ở hết ngày đầu làm quen trường lớp. “Ngày đầu đi học con khóc gần 3 tiếng không ngớt. Cô điện báo, mẹ phải đón về. Những ngày tiếp theo, mẹ rước trước 11 giờ để cho các bạn còn ngủ trưa”, mẹ bé Thanh Vy chia sẻ trên trang cá nhân.
Tương tự, ở Trường Mầm non 10/3 (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nhiều phụ huynh phải “đánh vật” cả giờ mới gửi con được cho cô giáo để đi làm.
Con trai chị Nguyễn Thị Thu Huyền (tổ dân phố 1, phường Thắng Lợi) đã 28 tháng tuổi, vợ chồng dự định gửi con cho các cô từ đầu tháng 8 để đi làm. Nhưng khi đến trường thì không cách nào để gửi cho các cô được. Thấy con khóc nhiều, vợ chồng chị lại đưa về gửi bà nội. Tuy nhiên, sau gần 1 tuần làm quen, các cô âu yếm, vỗ về và có phương pháp tốt nên cháu đã chịu vào lớp. “Tuy vẫn còn khóc, nhưng khi bố mẹ rời đi là chịu chơi với các bạn khiến chúng tôi yên tâm”, chị Huyền nói.
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Vũ Thị Thanh Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, trẻ lần đầu tiên đến trường sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, thậm chí là “sốc” tâm lý. “Biểu hiện rõ nhất là trẻ sẽ khóc thét, không cho người lạ bồng, bế. Kể cả khi đã quen cô, lớp, nhưng thấy mẹ rời đi, trẻ vẫn khóc, dùng dằng không chịu vào lớp. Một số trẻ thường chọn 1 cô giáo làm điểm tựa, xem đó như người mẹ… Do đó, cha mẹ phải kiên nhẫn để cho trẻ cảm nhận dần sự an toàn ở lớp”, TS Hiển lý giải.
Một em bé chia tay mẹ vào lớp Búp 1, Trường Mầm non Tân Lợi. Ảnh: Thành Tâm |
Chủ động chống “sốc”
Theo cô Nguyễn Thị Lợi - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Lợi (TP Buôn Ma Thuột), tiếp xúc trực tiếp ban đầu qua hành động như bồng, ôm ấp, vỗ về… của cô giáo là điều tiên quyết để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ.
“Trường nằm ở khu vực trung tâm thành phố, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt chất lượng kiểm định cấp độ 3 với nền tảng giáo dục tốt. Vì thế, nhu cầu cho con vào học ở đây ngày một tăng cao. Các lớp nằm trong độ tuổi phổ cập luôn đông, khiến cho việc tổ chức dạy học, giáo dục gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tình yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo luôn là người “mẹ” thứ hai với trẻ. Đặc biệt, chúng tôi luôn có biện pháp nhằm tạo niềm tin ban đầu với trẻ”, cô Lợi cho hay.
Chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Mầm non 10/3 (TP Buôn Ma Thuột) cho hay, trước hết, giáo viên phải am hiểu sâu về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Từ đó, giúp trẻ thích nghi với môi trường mới. “Ví dụ, trẻ 2 - 3 tuổi thích bế bồng. Trẻ 4 - 5 tuổi cần được giao tiếp thông qua đồ chơi, hình ảnh trực quan”, cô Yến gợi ý.
Một vấn đề mà cô Yến lưu ý, giáo viên phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình; thể lực mạnh khỏe, hay ốm yếu... từ đó giúp trẻ bằng hòa nhập và cân bằng dinh dưỡng. “Điều quan trọng nhất đối với các cô là tình yêu nghề và nghiệp vụ sư phạm giỏi. Luôn coi trẻ như con đẻ để dỗ dành. Kiên trì, nhẫn nại, đúng phương pháp sư phạm thì trẻ sẽ thích nghi và tin tưởng cô, thích đến trường”, cô Yến nhấn mạnh.
Không chỉ hỗ trợ tâm lý cho trẻ lần đầu đến trường, TS Vũ Thị Thanh Hiển cho rằng, cần phải chống “sốc” cho phụ huynh. Với trẻ lên 3, đầu tiên, cha mẹ nên cho trẻ làm quen trường lớp, cùng chơi với trẻ vài ngày tại nơi trẻ sẽ học. Từ đó, giúp trẻ dần làm quen, háo hức với đồ chơi, môi trường. Thứ nữa, do thay đổi thời gian ăn uống, ngủ nghỉ so với ở nhà, cha mẹ cần tập thói quen mới ngay ở gia đình để cùng con chuẩn bị tinh thần.
“Có 3 vấn đề chính mà phụ huynh cần chuẩn bị giúp trẻ thích nghi: Thời gian, đồ ăn và tâm lý. Không nên vì lo lắng thái quá mà đứng ngoài cửa lớp, cổng trường để nhìn con… sẽ gây khó khăn cho cô”, TS Hiển lưu ý phụ huynh.
Cùng dạy tại Trường Mầm non Tân Lợi, cô Lê Thị Ngọc và Dương Thị Thu Thảo thường có mặt tại trường từ lúc 6 giờ 15 phút sáng, buổi chiều hơn 17 giờ mới trả hết trẻ. “Nhiều trẻ khóc to quá, các cô phải ôm chặt vào người để tạo cảm giác an toàn rồi dỗ dành. Khi trò chịu chơi với bạn, các cô cho làm quen với lớp và các vật dụng, tranh ảnh, đồ chơi”, cô Thảo nói.