Trước nguy cơ bùng phát của bệnh tay chân miệng, các cơ sở giáo dục nỗ lực thực hiện biện pháp phòng tránh.
Phòng bệnh từ xa
Từ giữa tháng 6 đến ngày 15/8, các cơ sở mầm non công lập trên địa bàn TPHCM có thể tổ chức hoạt động giữ trẻ. Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu phải nghiêm túc thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh, an toàn sức khỏe cho trẻ, an toàn trường học và vệ sinh thực phẩm… Tại Trường Mầm non Phú Mỹ (Quận 7), theo kế hoạch, ngày 15/6 bắt đầu tổ chức nhận trẻ.
Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Phạm Bảo Hạnh, số trẻ được phụ huynh đăng ký tham gia học trong dịp hè khoảng 70% so với thời điểm trong năm học 2022 - 2023. Trước tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh, nhà trường đã có kế hoạch để triển khai biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của ngành y tế; cùng với đó thông tin để phụ huynh cùng hợp tác với trường trong công tác phòng bệnh.
“Trước ngày học sinh đến trường, cán bộ, giáo viên và nhân viên thực hiện vệ sinh lớp học, khuôn viên trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Trong quá trình học, giáo viên, nhân viên sẽ thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch đồ chơi bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường, đảm bảo an toàn khi trẻ học tập”, cô Hạnh chia sẻ.
Tương tự, theo kế hoạch ngày 12/6, Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12) sẽ đón trẻ đến trường. Trước đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên tiến hành tổng vệ sinh trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi. Theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên được giao phụ trách chính lớp đã dạy trong năm học 2022 – 2023. Thông qua group Zalo của lớp, các cô đã thông tin về tình hình bệnh tay chân miệng cũng như văn bản chỉ đạo, khuyến cáo của ngành chức năng để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình nghỉ ở nhà cũng như đến trường.
“Trong quá trình trẻ đến trường nếu có thông tin mới từ Trạm y tế phường hay Phòng GD&ĐT Quận 12 về bệnh này, thầy cô sẽ nhanh chóng thông tin đến phụ huynh để biết và phòng tránh. Ngoài ra, trong ngày đầu nhà trường tổ chức dạy hè, giáo viên sẽ kiểm tra và theo dõi tình hình sức khỏe trẻ của lớp mình. Bé nào có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, giáo viên sẽ gửi về gia đình để phụ huynh kiểm tra sức khỏe nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khác…”, cô Thủy cho hay.
ThS.BS Nguyễn Đình Qui đang khám cho bệnh nhi. |
Quyết liệt các biện pháp
Trong những tuần qua, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn TPHCM có xu hướng gia tăng. Cụ thể, theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần 21, TPHCM ghi nhận 157 ca tay chân miệng, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Trong đó, số ca nội trú tăng 22% và số ca ngoại trú tăng 52%. Đặc biệt, vừa qua, TPHCM đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong do mắc bệnh tay chân miệng độ 4 sau bốn ngày mắc bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, ngày 6/6, UBND TPHCM có công văn đề nghị các sở, ngành và địa phương triển khai biện pháp phòng, chống, đồng thời theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó. Công văn cũng yêu cầu các đơn vị cần chú ý đến khu vực có nguy cơ cao như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư, khu nhà trọ có nhiều trẻ em.
Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức) là trường tư thục dạy xuyên suốt trong dịp hè. Do đó, nhà trường luôn chủ động phòng tránh các loại dịch, bệnh mà trẻ có nguy cơ mắc phải. Theo chia sẻ của cô Vũ Thị Tú Trâm, Hiệu trưởng nhà trường, số lượng trẻ đăng ký học vào dịp hè là 110 trẻ, tất cả đều ăn bán trú. Thời gian qua, trước nguy cơ bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng, cơ sở đã triển khai các biện pháp phòng, chống để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
“Dịp cuối tuần, nhà trường thực hiện vệ sinh sàn nhà và khuôn viên trường bằng nước tẩy Javel và dùng Cloramin B để khử khuẩn. Còn hằng ngày sau khi trẻ tan trường, nhân viên sẽ giặt khăn mặt bằng xà phòng và tráng qua nước sôi các đồ dùng của trẻ. Ngoài ra, nhà trường cũng dán thông tin ở khu vực cổng vào để phụ huynh cũng như giáo viên nắm được những điều cần biết để phòng chống bệnh tay chân miệng”, cô Trâm chia sẻ.
Còn tại nhóm trẻ Hồng Hà (TP Thủ Đức), cô Lương Thị Thanh Trang, Nhóm trưởng nhóm trẻ, cho biết, cơ sở có 3 nhóm lớp với hơn 40 trẻ đang theo học. Do nhận giữ trẻ từ 1 đến 3 tuổi nên công tác phòng, chống các loại dịch bệnh luôn được giáo viên đặc biệt chú trọng.
“Bệnh chân tay miệng có chiều hướng gia tăng, cùng với tăng cường các biện pháp theo hướng dẫn của ngành y tế, nhà trường còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, giáo viên và nhân viên cấp dưỡng về đường lây truyền, vệ sinh cá nhân, cách ly bệnh nhân và các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, các cô còn tăng cường giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ như rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ”, cô Trang chia sẻ.
ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa điều hành Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), nhấn mạnh: “Số ca mắc tay chân miệng gia tăng trở lại và số ca nhập viện cũng tăng, phụ huynh cần nắm rõ những dấu hiệu đặc trưng và các biến chứng của bệnh.
Triệu chứng đặc trưng của tay chân miệng bao gồm sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Đa số ca bệnh diễn biến nhẹ.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Do đó, phụ huynh cần phát hiện sớm trẻ bị bệnh và đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời”.