Yên tâm làm việc
Là công nhân lao động trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến đi làm cả ngày, có hôm phải làm tăng ca buổi tối để kiếm thêm thu nhập nuôi hai con nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi. Chị Yến chia sẻ: “Mấy năm nay, tôi đều đăng ký cho con học hè tại trường mầm non. Các cô chăm trẻ rất chu đáo, dạy kỹ năng cần thiết giống như trong năm học nên sẽ không bị quên bài”.
Là nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chị Lê Hải Hà trú quận Hà Đông kể, nếu trường mầm non không trông hè thì gia đình không biết gửi con cho ai, bởi ông bà ở quê đều già yếu. Việc tổ chức dạy hè cho trẻ được nhà trường thực hiện chặt chẽ, khoa học và tuân thủ theo đúng chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT. Trẻ vẫn được tham gia hoạt động thể chất, vui chơi, rèn kỹ năng và tư duy như chương trình chính khóa nên phụ huynh yên tâm.
Theo cô Lê Thị Hồng Điệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao (huyện Gia Lâm, Hà Nội), trường có 300 trẻ tham gia học hè. Dịp này, nhà trường tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh chăm sóc và phòng chống dịch bệnh mùa Hè, kiểm tra nâng cao chất lượng bữa ăn đảm bảo tốt vệ sinh thực phẩm; thực hiện giáo dục trẻ theo kế hoạch hè và thời khóa biểu. Nội dung giáo dục là ôn tập các kiến thức, kỹ năng cho trẻ; tổ chức học theo phương châm “học bằng chơi, chơi mà học” để trẻ thấy thoải mái và hứng thú khi tới lớp.
Cũng theo cô Điệp, trong nhiều năm qua nhà trường đã thống nhất với phụ huynh và xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hè trình cấp trên phê duyệt. Sau đó, tùy theo số lượng trẻ đăng ký, nhà trường phân công giáo viên và chia lớp để đảm bảo thời gian nghỉ hè luân phiên cho các cô.
Rèn kỹ năng là chính
“Hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục được các trường đảm bảo như trong năm học, song chú trọng nhiều hơn đến việc rèn luyện kỹ năng sống và vui chơi trải nghiệm, giúp trẻ có mùa Hè vui tươi, an toàn. Chẳng hạn trong tháng 6 vừa qua, nhà trường phối hợp các đơn vị, trung tâm năng khiếu tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm như: Rung chuông vàng, Ngày hội thể dục thể thao “Hè vui khoẻ”, Ngày hội trái cây Nam Bộ...”, cô Thủy cho hay.
Tại TPHCM, các trường mầm non tư thục và công lập đều có kế hoạch nhận giữ trẻ trong dịp hè. 2 tuần sau thời điểm kết thúc năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12) mở cửa đón trẻ đến lớp. Thời gian giữ trẻ bắt đầu từ ngày 12/6 đến hết 11/8. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Thủy, với 275 trẻ đăng ký học, nhà trường đã tổ chức thành 12 lớp, gồm: 3 Nhóm trẻ, 5 lớp Mầm, 2 lớp Chồi và 2 lớp Lá.
Còn cô Thái Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiên Ân (TP Thủ Đức) cho biết, là trường mầm non tư thục, trường hoạt động xuyên suốt 12 tháng trong năm. Dịp hè, bên cạnh các nội dung bài học theo từng độ tuổi, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động hè, giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng để phát triển tư duy sáng tạo và khơi dậy niềm đam mê học tập, khám phá.
Nhà trường hiện có 180 trẻ. Ngoài chương trình giảng dạy theo kế hoạch, vào thứ 7 hằng tuần, nhà trường tổ chức hoạt động bơi xen kẽ đọc sách, nấu ăn, chơi các trò chơi dân gian. Ngoài ra, trẻ còn được hướng dẫn kỹ năng tự phục vụ như dọn dẹp đồ chơi, xếp quần áo, tự ăn cơm…
Giờ hoạt động của trẻ Trường Mầm non Thiên Ân với chủ đề “Bé vui đọc sách”. |
Bảo đảm an toàn cho trẻ
Là đơn vị có truyền thống về chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), nhiều năm nay, Trường Mầm non Xuân Đỉnh B đã triển khai kế hoạch hoạt động hè hiệu quả. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Huyền trao đổi, nhà trường đảm bảo đủ số phòng học theo số học sinh đăng ký học hè. Các phòng học đều thoáng mát, có quạt và điều hòa, nhà vệ sinh sạch sẽ, đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trong hè. Mỗi lớp từ 25 - 30 trẻ và có 2 giáo viên phụ trách.
Dịp hè 2023, cùng với hoạt động học tập, ban giám hiệu cũng như giáo viên, bảo mẫu tại các trường mầm non đều nỗ lực đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ từ vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến phòng dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh tình hình bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại TPHCM diễn biến phức tạp. Vì vậy trước và trong thời gian hè, các cơ sở đều chú trọng biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế. - cô Thu Huyền cho biết.
Cô Thu Huyền nhấn mạnh, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường duy trì việc ký hợp đồng mua thực phẩm sạch, an toàn như trong năm học, tuyệt đối không mua thức ăn chế biến sẵn. Đảm bảo đủ nguồn nước sạch sử dụng cho trẻ, tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm, nước uống sử dụng hằng ngày tại trường. Thực hiện giao nhận thực phẩm nghiêm túc, chặt chẽ và đúng quy định. Duy trì việc theo dõi cân nặng cho trẻ trong hè 2 lần vào đầu hè và cuối hè…
Theo cô Phạm Ngọc Quyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12), yêu cầu của bậc mầm non phải chăm sóc để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đảm bảo chế độ dinh dưỡng... để trẻ được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Trong đó, nhà trường luôn chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, phòng, chống dịch bệnh.
“Các cô giáo thường xuyên hướng dẫn trẻ lớp 4, 5 tuổi biết cách rửa tay theo quy trình trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn được cô giáo trực tiếp giúp đỡ. Đối với đồ dùng hằng ngày của trẻ như bát, thìa, ca uống nước, khăn mặt... được đánh số, ký hiệu riêng cho từng cháu. Trước giờ ăn, các đồ dùng này đều được tráng bằng nước sôi để tiệt trùng, đảm bảo vệ sinh…
Cuối tuần sẽ tổ chức tổng vệ sinh trường lớp nhằm xây dựng môi trường sạch, đẹp cho mỗi lớp học và cả khuôn viên trường học. Đặc biệt, thông qua nhóm phụ huynh của lớp, các giáo viên cũng thông tin về tình hình bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cũng như văn bản chỉ đạo, khuyến cáo của ngành y để cùng phối hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian ở nhà cũng như khi đến trường”, cô Quyên chia sẻ.
Tương tự, Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức) đã tổ chức tập huấn, thông tin cho giáo viên những kiến thức cơ bản về bệnh cũng như biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Trong đó, khâu vệ sinh cho trẻ được nhà trường chú trọng thực hiện theo hướng dẫn của ngành Y tế như: Cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát; rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng... Các cô giáo trực tiếp trông trẻ phải thường xuyên theo dõi sức khỏe, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt và xuất hiện nốt phỏng, báo ngay cho gia đình để đưa đi khám, điều trị kịp thời.
“Cùng với việc đảm bảo trường, lớp sạch sẽ, thoáng mát để ngăn ngừa dịch bệnh, giáo viên nhà trường cũng thường xuyên phổ biến cách phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đến phụ huynh học sinh, thông qua nhóm Zalo của lớp và thời điểm ba mẹ đưa và đón trẻ”, bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, chủ trường cho hay.
Còn tại Trường Mầm non An Khánh B (huyện Hoài Đức, Hà Nội), việc tổ chức học hè được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Với 400 trẻ, ban giám hiệu chỉ đạo toàn trường thực hiện nghiêm quy chế chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Định mức ăn của trẻ trong hè là 27.000 đồng/cháu/ngày đảm bảo dinh dưỡng; thực đơn mỗi tuần không bị lặp lại. Phòng học, phòng sinh hoạt của trẻ đều có điều hòa và quạt điện đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ.
“Nhà trường chú trọng các hoạt động thể chất, dạy trẻ bảo vệ an toàn bản thân, kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh phòng chống dịch bệnh… để nhanh chóng thích nghi với giai đoạn chuyển tiếp. Tăng cường tổ chức các trò chơi dân gian; tạo môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tuyệt đối không dạy trước chương trình. Tạo tâm thế thoải mái giúp trẻ yêu thích đến trường, yêu cô và các bạn để sẵn sàng bước vào năm học 2023 - 2024”, cô Hiệu trưởng Bùi Thị Vân cho hay.
Bên cạnh công tác chăm sóc giáo dục trẻ, khâu tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trong hè cũng được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Tại Trường Mầm non Xuân Đỉnh B, giáo viên được bồi dưỡng phương pháp giáo dục tiên tiến như: Reggio, Montessori, STEAM, dạy học kết nối… Tập huấn chuyên môn về phòng chống ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích, sơ cứu trong trường mầm non; xây dựng thực đơn hợp lý; xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Theo ông Vương Văn Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức (Hà Nội), phòng có văn bản yêu cầu các trường trực thuộc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong hè năm 2023. Trong đó, các cơ sở giáo dục mầm non phải thực hiện công tác quản lý, quản trị, duy trì sổ trực hè. Bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Các trường thực hiện thu chi theo thỏa thuận với phụ huynh và được sự đồng ý của các cấp quản lý; quan tâm chế độ chính sách với giáo viên.