'Chống đối' là biểu hiện bình thường ở trẻ

GD&TĐ - Không ít phụ huynh thường xuyên phải đối mặt với trường hợp trẻ nói “Không!” một cách dứt khoát với hầu như tất cả mọi thứ cha mẹ yêu cầu.

Trẻ nhỏ chưa đủ ngôn ngữ và nhận thức để diễn đạt điều mình muốn hay không muốn. Ảnh minh họa.
Trẻ nhỏ chưa đủ ngôn ngữ và nhận thức để diễn đạt điều mình muốn hay không muốn. Ảnh minh họa.

Nhiều trẻ thường hành động trái ý và từ chối lắng nghe những lời dạy bảo của người lớn.

Khi trẻ bướng bỉnh, không ít phụ huynh quá nóng giận và la mắng, hoặc đánh bé. Tuy nhiên, thực tế, trừng phạt và làm tổn thương trẻ không bao giờ giúp giải quyết vấn đề hiệu quả.

Bình thường

Trẻ bướng bỉnh khiến các phụ huynh “đau đầu” và thậm chí là bực bội. Tuy nhiên, thực tế, vào những lúc trẻ bướng bỉnh, khó bảo, nếu cha mẹ phản ứng mà không suy nghĩ, điều đó chỉ khiến thái độ của con càng thêm tiêu cực.

Các phụ huynh cũng nên lưu ý rằng, không phải tất cả các bé thích làm theo ý kiến cá nhân là trẻ hư. Đôi khi, bé không nghe lời là do có chính kiến và cá tính mạnh mẽ. Vì thế, cha mẹ cần tìm hiểu thật kỹ và nhận biết được hành động của con là tính quả quyết hay không nghe lời.

Theo các chuyên gia, ở mỗi giai đoạn phát triển, tâm sinh lý trẻ có sự thay đổi. Một số thời điểm như 3 tuổi, 6 tuổi,… là thời kì các bé thường có tư tưởng chống đối. Điều này chứng tỏ não bộ của trẻ đang phát triển bình thường. Bé có nhận thức, tư duy về các vấn đề xung quanh: Thích - không thích, muốn - không muốn làm,…

Theo một số nghiên cứu khoa học, những đứa trẻ bướng bỉnh hơn thì càng thông minh. Tuy nhiên, cha mẹ cần định hướng sự “bướng bỉnh” của trẻ. Từ đó, giúp bé hình thành những tính cách, thói quen tốt trong tương lai.

Với các bé từ 1 - 5 tuổi, hầu như trẻ nào cũng có lúc ương bướng, la hét, khóc và ăn vạ. Không ít phụ huynh chọn cách la mắng, thậm chí đánh để trẻ sợ và vâng lời. Song, thực tế, cách làm này không giúp trẻ hiểu vấn đề, thậm chí có thể còn ương bướng hơn. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, việc đánh chửi không mang lại giá trị giáo dục cho trẻ.

Hành vi ương bướng mà chúng ta hay gặp ở trẻ được gọi là “tantrum”. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, “tantrum” là 1 hành vi bình thường trong giai đoạn phát triển của trẻ do bé chưa đủ ngôn ngữ và nhận thức để diễn đạt điều mình muốn hay không muốn.

Việc xử lý “tantrum” bằng những “công cụ” giáo dục phù hợp theo độ tuổi sẽ giúp trẻ học được cách kiểm soát cảm xúc, nhận thức hành vi để trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Cha mẹ cần học cách xử lý cảm xúc tức giận để không chi phối tới hành động với con. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần học cách xử lý cảm xúc tức giận để không chi phối tới hành động với con. Ảnh minh họa.

Nhìn vào cảm xúc và nhu cầu của trẻ

Theo nhà tư vấn phụ huynh, chuyên gia tâm lý học trẻ em Phan Linh, không ít trường hợp trẻ luôn đòi theo mẹ và khóc nức nở, dù mẹ vào nhà vệ sinh, hay đi tắm. Hoặc, trẻ cũng có thể muốn được bón bằng thìa dù đã lớn; không bình tĩnh, đòi hỏi, yêu cầu cha mẹ phải chú ý. Hay, trẻ cũng có thể ghen tị, thậm chí đánh em.

“Người lớn chúng ta hay nhìn thấy hành vi của trẻ, nhưng lại không quen tự hỏi những cảm xúc và nhu cầu đằng sau nó. Chúng ta thảo luận về hành vi, yêu cầu thay đổi nó nhưng liệu điều gì xảy ra được khi cảm xúc và nhu cầu vẫn không được chấp nhận và lắng nghe?”, chuyên gia Phan Linh chia sẻ.

Do đó, chị Phan Linh nhấn mạnh, mối quan hệ và sự kết nối với cha mẹ hoặc người chăm sóc là điều vô cùng quan trọng với một đứa trẻ.

“Chẳng có gì mà trẻ không sẵn sàng làm để có được lợi ích từ việc kết nối và tiếp xúc trực tiếp với chúng ta. Vì thế, trước khi đợi trẻ “hiểu”, chúng ta sẽ phải hiểu chính mình. Học cách nhận ra nhu cầu gắn bó đằng sau hành vi không hề xấu mà là quá tốt, quá cần thiết. Khi người lớn nhìn thấy và hiểu được nhu cầu tình cảm, khi ta biết đáp lại trẻ bằng ngôn ngữ của sự kết nối thì không cần phải quát mắng, trừng phạt hay đe dọa”, nữ chuyên gia cho biết.

Chuyên gia Phan Linh nhận định, công việc của cha mẹ là vun đắp một mối quan hệ với trẻ. Vì vậy, cha mẹ hãy dành cho con sự quan tâm để trẻ cũng có thể biết chăm sóc bản thân, cũng như quan tâm tới người khác.

Cha mẹ cần đặt câu hỏi: Cụ thể hành vi của con mang ý nghĩa là gì và con muốn thể hiện gì? Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần đặt câu hỏi: Cụ thể hành vi của con mang ý nghĩa là gì và con muốn thể hiện gì? Ảnh minh họa.

Nguyên nhân từ hai phía

Trong khi đó, Thạc sĩ tâm lý trẻ em Nguyễn Tú Anh cho biết, trẻ bướng bỉnh là khi cha mẹ đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh, hướng dẫn để con làm một việc gì đó, nhưng bé không thực hiện. Hoặc, cha mẹ phải nói rất nhiều lần thì trẻ mới làm, thậm chí là đe dọa, trừng phạt. Nếu có thực hiện, thì trẻ lại làm không đúng mong đợi của cha mẹ.

“Có rất nhiều nguyên nhân góp phần làm trẻ gia tăng hành vi này, và sự đóng góp này đến từ cả hai phía: Con trẻ và người lớn. Vì sao con lại thể hiện thái độ “lì lợm” hay nói đúng hơn là không nghe lời? Vì con không thật sự chú ý, không hoàn toàn để tâm đến lời yêu cầu đó”, chị Tú Anh chia sẻ.

Theo chuyên gia này, tình trạng đó thường xảy ra khi người lớn đứng từ khoảng cách quá xa, không trong tầm mắt của con. Hoặc, người lớn vừa làm việc, vừa di chuyển, trong khi đưa ra lời yêu cầu với con, còn trẻ thì đang bận làm việc khác.

Vì vậy, có thể nói, lời yêu cầu đó được đưa ra sai thời điểm. Do đó, trẻ có xu hướng cảm thấy không cần phải thực hiện theo lời yêu cầu đó ngay lập tức. Thậm chí, qua năm tháng lớn lên, trẻ học được từ tương tác với người lớn rằng: Không cần phải làm ngay. Chỉ khi nào có sự quát mắng, lớn tiếng, đe dọa thì mới cần làm. Trẻ có thể mặc định rằng, nếu chưa có những điều đó, thì chưa cần làm.

Hoặc, lý do khác là trẻ cảm thấy đang bị thách thức, xen lẫn những cảm giác khác như tức giận, bị từ chối, bêu rếu, muốn “bỏ trốn”… Khi đó, trẻ muốn thách thức ngược lại để xem ai có quyền to hơn thì người đó thắng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể đang thật sự gặp vấn đề sức khỏe hoặc tâm trạng khó chịu, cảm thấy mệt mỏi hay ức chế, nhưng người lớn không nhận ra.

Theo chuyên gia Tú Anh, khi trẻ thể hiện thái độ ương bướng, cha mẹ có xu hướng đe dọa, nhưng chỉ nói rồi để đó, bỏ đi và không thực hiện. Khi đó, trẻ sẽ hiểu là lời nói của cha mẹ không nghiêm túc.

Ngoài ra, một số phụ huynh thường không nhất quán trong việc kỷ luật con. Với cùng một hành vi không tốt của con, lúc thì cha mẹ phạt thật nặng, khi lại bỏ qua. Điều đó dẫn đến việc trẻ không thật sự học được về giới hạn của vấn đề.

Ngoài ra, trẻ bướng bỉnh cũng có thể do không có sự hướng dẫn và khuyến khích cụ thể để biết cách thực hiện hành vi đúng.

Khi trẻ bướng bỉnh, nhiều phụ huynh không thể kiềm chế, dẫn đến những hành động như la mắng, thậm chí là bạo lực với trẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia Phan Linh cho rằng, để kiểm soát được cơn giận, phụ huynh phải hiểu rằng, những biểu hiện của bé là hoàn toàn bình thường. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, bé vẫn có xu hướng nhìn đời sống từ góc cá nhân, coi mình là trung tâm của thế giới. Trẻ còn đang học cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân, gặp khó khăn trong việc chờ đợi và bị giới hạn bởi khả năng ngôn ngữ khi thể hiện mong muốn của mình. Đó là lý do vì sao trẻ khóc lóc, ăn vạ khi đòi hỏi không được đáp ứng.

Tuy nhiên, khi phụ huynh đánh trẻ mỗi lần bé không ngoan, con có thể hiểu rằng mình có thể làm tương tự với cha mẹ. Đó cũng là lý do phụ huynh tuyệt đối không nên đánh trẻ. Đồng thời, cha mẹ cần phải học cách xử lý cảm xúc tức giận để không chi phối tới hành động với con.

Chuyên gia gợi ý, phụ huynh có thể luyện tập xử lý cơn giận trong 3 bước. Bước đầu tiên là nhận biết khi cơn giận tới. Khi cơn giận bắt đầu dâng lên, các phụ huynh hãy quay về quan sát cơ thể và tâm trí của chính mình. Liệu, chúng ta có đang thở gấp hơn, tim đập nhanh, nói to hay cảm thấy người nóng bừng? Dù chỉ là quan sát, nhưng cách làm này sẽ giúp các cha mẹ không rơi vào trạng thái phản ứng tự động và để cơn giận điều khiển.

Bước tiếp theo, hãy tạm dừng phản ứng và quan sát cảm xúc. Khi tức giận, các phụ huynh sẽ có cảm giác muốn phản ứng lại ngay bằng việc đánh mắng con. Sau khi nhận biết cơn giận đang tới, hãy dừng mọi phản ứng lại bằng cách tập trung vào hơi thở của mình, hít thở thật sâu.

Hoặc, các cha mẹ cũng có thể quay đi một chút, hay đi sang một phòng khác để tránh phản ứng ngay. Sau đó, hãy quan sát cảm xúc của chính mình. Chúng ta đang cảm thấy gì và tại sao? Chúng ta đang có nhu cầu gì chưa được đáp ứng? Sau đó, hãy nhắc mình rằng, con không cố tình làm cha mẹ khó chịu. Trẻ chỉ không biết cách giải quyết vấn đề của chính mình. Con cần sự giúp đỡ chứ không phải là nạt nộ. Suy nghĩ này sẽ giúp các phụ huynh bình tĩnh lại.

“Bước 3 là thể hiện cảm xúc giận trong bình tĩnh. Hãy nói bằng giọng bình tĩnh, chân thành nhất có thể, như đang chia sẻ, tâm sự và mong nhận được sự đồng cảm từ con. “Bố/mẹ đang cảm thấy giận và buồn vì con đẩy em con ngã. Bố/mẹ muốn con và em yêu thương nhau cơ”. Con được tôn trọng và hiểu hành động của mình đã chạm giới hạn và qua thời gian sẽ tự điều chỉnh hành vi”, chị Phan Linh gợi ý.

“Với mỗi hành vi vấn đề cụ thể, người lớn cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Hoàn cảnh xảy ra, có các yếu tố nào khác góp phần vào không? Cụ thể hành vi của con mang ý nghĩa là gì và con muốn thể hiện gì? Cách cha mẹ phản ứng, phản hồi có phù hợp và hiệu quả để dạy con tích cực và ngăn ngừa hay không? Điều mấu chốt phụ huynh cần luôn ghi nhớ là: Trừng phạt và làm tổn thương trẻ không bao giờ giúp giải quyết hiệu quả để dạy con theo cách tích cực”, chuyên gia tâm lý trẻ em Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.