Ứng xử khi con “chống đối”

GD&TĐ - Khi con cãi lời, cha mẹ thường khó chịu, thậm chí cảm thấy hụt hẫng và tức giận. 

Ứng xử khi con “chống đối”

Từ đó dẫn đến những cuộc “khẩu chiến” vô tội vạ giữa cha mẹ và con cái. Vậy trong những tình huống như thế các bậc phụ huynh cần phải làm gì để điều chỉnh hành vi của con và giữ hòa khí gia đình?

Khi trẻ thay đổi tâm tính

Dạo này chị Liên luôn cảm thấy bực bội khó chịu khi cậu con trai 11 tuổi lại có những thay đổi đột ngột về tính nết. Trước đây, cháu luôn nghe lời mẹ và chủ động trong các công việc hàng ngày thì nay bỗng dưng có thái độ ngược lại hẳn. Công việc mẹ giao cho thì làm qua quýt, học hành cũng chểnh mảng, luôn làm theo ý thích của mình. Mỗi khi mẹ nhắc nhở cháu lại vùng vằng, thậm chí cãi lại khiến chị lại càng buồn hơn…

Đỉnh điểm là cách đây hai tuần, chị phát hiện ra con trai lén lấy tiền tiết kiệm để chơi điện tử. Do bực bội và không kiềm chế được chị đã mắng mỏ và đánh con ngay giữa nơi đông người. Sau lần đó, cháu càng lầm lì và bất hợp tác với bố mẹ. Chị không biết mình nên tiếp tục xử trí với cậu con trai như thế nào.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi con trẻ bắt đầu “cãi lại” bố mẹ, đó không chỉ là dấu hiệu bướng hay hư như các bậc phụ huynh thường nghĩ, mà đó còn là dấu hiệu của sự trưởng thành. Con của bạn bắt đầu biết suy nghĩ độc lập, biết liên kết những điều bố mẹ nói, những nguyên tắc bố mẹ đặt ra với hiện thực, biết bắt chước các bạn, biết đòi hỏi những điều “đúng, sai” một cách rõ ràng, cứng nhắc, và logic. Song do sự hiểu biết về cuộc sống và các kiến thức còn hạn hẹp nên không phải lúc nào chúng cũng đúng. Nếu cha mẹ không nhận ra điều này lại có những phản ứng trái chiều thì vô hình trung sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Thời gian trẻ thay đổi về tâm sinh lý thường kéo theo những tác động về cảm xúc. Trẻ chợt vui, chợt buồn muốn làm theo những gì mình cho là đúng. Chính vì vậy, nếu cha mẹ không nắm được suy nghĩ của con và can thiệp một cách hợp lý nhiều khi sẽ dẫn tới những đối đầu không đáng có.

Cha mẹ cần thấu hiểu con hơn

Chia sẻ về điều này, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo - Wegood (tại Hà Nội) cho biết: Trẻ ở độ tuổi 11 - 15 tuổi thường có những biểu hiện cãi lời cha mẹ. Điều này xuất phát từ việc cha mẹ chưa thay đổi theo sự phát triển tâm sinh lý của con. Ở độ tuổi này các em đã đến tuổi dậy thì và đang tập làm người lớn mà cha mẹ vẫn dùng các nguyên tắc giáo dục như khi con còn nhỏ.

Thứ hai: Giữa cha mẹ và con cái cùng xảy ra sự tranh giành quyền lực. Cha mẹ dễ tức giận và càng muốn khẳng định uy quyền của mình vì nghĩ rằng mình bị xúc phạm, bị thách thức khi con không có những hành động hay lời nói theo ý mình. Mặt khác, con cái lại muốn được độc lập, được tôn trọng và bình đẳng như người lớn nên cố cãi lại, chống đối khẳng định cái tôi của bản thân.

Để dung hòa và xử lý tốt mối quan hệ này, cũng theo chuyên gia Phạm Hiền, trong những tình huống như thế, các bậc phụ huynh cần kiềm chế cảm xúc khi giao tiếp với con; Nên dùng các từ ngữ nhẹ nhàng để đáp lại con, tránh nóng giận và dùng những lời lẽ chất vấn, tra hỏi, áp đặt và công kích trẻ; Không tranh luận sâu về những yêu cầu với con mà chỉ đặt ra các câu ngắn gọn: “Cha mẹ không muốn gì? Nhưng hy vọng gì? Nếu không được thì sẽ ra sao?...”.

Cha mẹ cũng nên nhìn nhận các vấn đề diễn ra từ con theo hướng tích cực: Công nhận các việc con mình đang làm chỉ là để tập làm người lớn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần đưa ra các quy ước, nguyên tắc, giới hạn trong việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái để tránh cao trào và dễ gây xung đột.

Theo chuyên gia Phạm Hiền: Để con trẻ tin cậy và chia sẻ những suy nghĩ trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày, cha mẹ nên cố gắng trở thành người bạn lớn của con. Những động viên, khích lệ kịp thời của cha mẹ sẽ giúp con giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, hạn chế những bất đồng giữa con cái và cha mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ