Do đó, phụ huynh và học sinh hãy dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, xem xét kỹ lưỡng để lựa chọn ngành, trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng.
Cân, đo, đong, đếm khi... chọn ngành
Sau khi công bố điểm, con trai chị Trần Thị Hương (Can Lộc, Hà Tĩnh) được 22,5 điểm. Vốn mong muốn học ngành Điện hoặc Công nghệ thông tin, tuy nhiên với kết quả này con trai chị khó vào được các trường top. Chị Hương chia sẻ: “Theo như phổ điểm công bố, mức điểm 20 đến 24 khá nhiều, vì vậy gia đình tôi đang phân vân, cân nhắc việc chọn trường để đạt được một trong hai ngành con yêu thích”.
Khác với con chị Hương, con chị Nguyễn Thị Thảo (Long Biên, Hà Nội), chỉ được 21,25 điểm. Do đó, để có cơ hội vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chị đã lựa chọn ngành Quản trị kinh doanh, chương trình cử nhân quốc tế liên kết với Hàn Quốc. Chị Hương tâm sự: “Vì con thích trường kinh tế từ lúc còn học lớp 11 nhưng nếu xét tuyển ngành Quản trị kinh doanh mà căn cứ theo mức điểm chuẩn năm ngoái, trừ đi 1 - 2 điểm con sẽ không đỗ. Do vậy, vợ chồng tôi quyết định chọn học chương trình đào tạo liên kết để con vào được trường mình mong muốn”.
Hiện nay, sau khi biết điểm thi của con, nhiều phụ huynh khá lo lắng trong việc sắp xếp nguyện vọng ưu tiên. Làm thế nào để vào được ngành học, trường mà con mơ ước, mong muốn?
Đồng cảm với những băn khoăn và nỗi lo toan của phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội), nhận định: “Nhìn vào phổ điểm năm nay, chúng ta có thể thấy không có sự biến động quá nhiều so với năm 2022.
Nhưng tôi nghĩ điểm chuẩn vẫn sẽ có sự thay đổi, quan trọng nhất là thí sinh cần nắm vững thông tin về các trường, ngành mình dự định xét tuyển và điểm chuẩn của những năm gần đây để làm cơ sở xem xét, sắp xếp nguyện vọng. Bên cạnh đó, các em cũng cần xem xét kỹ đề án tuyển sinh, số lượng chỉ tiêu của mỗi trường, ngành cho năm 2023. Căn cứ vào số liệu các năm trước, đề án tuyển sinh, phổ điểm… thí sinh có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với mình”.
Còn theo PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, phân tích: “Khi chọn trường và chọn ngành học đại học, thí sinh, phụ huynh cần xem xét một số yếu tố quan trọng như:
Sở thích và đam mê; nhu cầu nghề nghiệp; tiềm năng công việc; mức độ khó (về kiến thức) của ngành học; uy tín của trường và chương trình học; vị trí địa lý; chi phí và hỗ trợ tài chính; khả năng trúng tuyển; môi trường học tập. Đồng thời, phụ huynh và thí sinh có thể tham khảo các sinh viên, giảng viên trong ngành học mà mình quan tâm vì họ có thể cung cấp thông tin quý giá về chương trình, trường học đó”.
PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội,tham gia tư vấn cho phụ huynh, học sinh. Ảnh: DTTV. |
Quyết định cần dựa trên sự kết hợp thông minh
Với kinh nghiệm thực tế, PGS.TS Lê Hiếu Học cho rằng: Khi phụ huynh và thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành học đại học, nên cân nhắc thêm yếu tố sở thích cá nhân và tình hình thị trường lao động của ngành (ngành “hot”). Quyết định này nên dựa trên sự kết hợp thông minh giữa các yếu tố khác.
Thứ nhất, cần xem xét sở thích và đam mê của học sinh. Chọn ngành học dựa trên sở thích và đam mê của thí sinh là rất quan trọng. Vì khi các em yêu thích và đam mê với một ngành thì có xu hướng học tập chăm chỉ hơn, có thể phát triển nghề nghiệp cũng như thành công trong lĩnh vực đó.
Thứ hai, cần tìm hiểu và khám phá về các ngành học khác nhau trước khi đưa ra quyết định. Phụ huynh có thể cùng con tham quan các trường, liên hệ và trò chuyện với sinh viên đang học ngành học qua các kênh trên mạng xã hội, tìm hiểu về nội dung và môi trường học tập của từng ngành.
Thứ ba, tìm hiểu cơ hội việc làm dựa trên tình hình thị trường lao động hiện tại và dự đoán trong tương lai. Hãy xem xét khả năng có việc làm và tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong ngành học mà con quan tâm.
Thứ tư, cần cân bằng giữa yêu thích và thực tế. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng việc kết hợp giữa sự yêu thích của con và cơ hội việc làm trong ngành học đó. Có thể có những ngành học phù hợp với sở thích của con và vẫn cung cấp nhiều cơ hội việc làm.
Thứ năm, để có được những thông tin trên, gia đình và thí sinh nên tìm đến sự hỗ trợ tư vấn từ giáo viên, chuyên gia tư vấn học đường hoặc người có kinh nghiệm.
Cuối cùng, quyết định chọn ngành học nên dựa trên sự cân nhắc tổng thể và tính toàn diện. Khi cân nhắc cả yếu tố sở thích, tình hình thị trường lao động, thí sinh sẽ có cơ hội phát triển và thành công trong lĩnh vực học tập, nghề nghiệp của mình.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Hệ thống (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định (từ ngày 10/7 - 17 giờ ngày 30/7). Từ 31/7 - 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Các trường thông báo thí sinh trúng tuyển (đợt 1) muộn nhất là 17 giờ ngày 22/8. Thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến (đợt 1) trên Hệ thống trước 17 giờ ngày 6/9. Sau 6/9, các trường có thể bắt đầu khai giảng năm học mới. Các trường xét tuyển các đợt bổ sung (nếu có) cho tới hết năm 2023.