Những sai lầm khi lựa chọn ngành nghề
Theo TS Vũ Minh Chiến - Phó trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Tây Nguyên, ở Việt Nam có rất nhiều trường ĐH nên các bạn trẻ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của mình. Các bạn nên chọn những ngành học, trường học phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình và phù hợp với thị trường lao động cũng như “đầu ra” cho mình.
“Theo tôi, việc lựa chọn ngành nào, trường nào không quan trọng bằng việc các em học như thế nào. Việc học mới quyết định thành công trong sự nghiệp của mình” - TS Vũ Minh Chiến trao đổi.
Nhấn mạnh, tầm quan trọng của lựa chọn ngành học, trường học; TS Vũ Minh Chiến cho rằng, việc này phụ thuộc vào điều kiện cá nhân và năng lực của học sinh. Ví dụ: Các em muốn chọn trường tốp đầu thì phải xem năng lực của mình có đáp ứng được hay không. Cùng với đó, xem xét nguyện vọng của bản thân có thích học trường đó không.
“Tôi nói lại, việc chọn trường nào, ngành nào thì điều đầu tiên các em phải đánh giá chính xác năng lực bản thân, nguyện vọng bản thân và căn cứ vào đặc điểm thể chất, tính cách của mình. Điều quan trọng nhất là phải phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình” - TS Vũ Minh Chiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TS Vũ Minh Chiến cũng chỉ ra rằng, nhiều học sinh lựa chọn ngành nghề không căn cứ vào điều kiện gia đình, không tính đến yếu tố năng lực bản thân. Khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng, nhiều em phụ thuộc vào những thông tin bên ngoài. Chẳng hạn như: xu hướng xã hội, trào lưu 'hot' hiện nay... Việc không lắng nghe ý kiến của cha mẹ, những người có kinh nghiệm khi lựa chọn ngành học, trường học cũng là một trong những sai lầm mà nhiều học sinh mắc phải.
Cho rằng, một trong những sai lầm mà thí sinh cần lưu tâm khi chọn ngành, trường là: Chọn theo thu nhập, thị hiếu và trào lưu; luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) - lưu ý, thí sinh thường mắc phải sai lầm khi chọn nghề như: Coi nhẹ sự lựa chọn nghề nghiệp, chọn nghề không đúng năng lực, tính cách của bản thân, đánh giá không đúng ngành học hoặc chọn ngành học theo số đông. Một số em lựa chọn theo sự áp đặt của gia đình, thậm chí có em lựa chọn theo rủ rê của bạn bè…. Hậu quả của sự lựa chọn này là, sau này chất lượng học tập không cao, khi đi làm phải đào tạo lại, vừa mất thời gian lại rất tốn kém tiền bạc, công sức.
Thí sinh nên tham khảo ý kiến của người thân, thầy cô, giáo khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh minh hoạ: Minh Phong. |
Cần làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp
TS Giang Trung Khoa - Trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – tư vấn: Khi lựa chọn ngành nghề, các em nên suy nghĩ đến sở thích, đam mê và thế mạnh của bản thân. Tiếp đó là xét đến nhu cầu xã hội về các ngành nghề đào tạo.
Tuyệt đối không nên chạy theo xu thế đám đông, hay lựa chọn theo cảm tính. Ngoài ra, lời khuyên và sự định hướng từ bạn bè và gia đình cũng là kênh thông tin quan trọng để các em có thể tham khảo.
Theo TS Giang Trung Khoa, tại trường các trường THPT, thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ là những người đồng hành cùng học sinh trong hoạt động định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, còn có chương trình hướng nghiệp được tổ chức bởi các đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo để học sinh có thể tiếp cận thông tin về ngành nghề mà mình yêu thích. Từ đó có cơ sở đưa ra quyết định đúng đắn cho mình.
Thông tin về kế hoạch tuyển sinh năm 2023, TS Giang Trung Khoa cho hay: Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ giữ ổn định các phương thức xét tuyển như năm 2022. Cụ thể, năm 2022, Học viện sử dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: Tuyển thẳng; kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập THPT (học bạ); xét tuyển kết hợp.
Để biết thêm thông tin về phương thức tuyển sinh và tìm hiểu về ngành nghề đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các em vui lòng truy cập vào địa chỉ: tuyensinh.vnua.edu.vn.
Trao đổi về công tác phân luồng, TS Vũ Minh Chiến cho rằng, giáo dục hướng nghiệp cần được thực hiện từ cuối cấp THCS và THPT. Qua đó, bảo đảm phân luồng học sinh hiệu quả, giúp các em chọn đúng ngành, nghề phù hợp với năng lực, nhu cầu của bản thân, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu và xu hướng phát triển của ngành nghề trong xã hội...
Theo TS Vũ Minh Chiến, khi sinh viên bước chân vào giảng đường đại học, tức là có lựa chọn từ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Vì thế, đa số sinh viên hài lòng với sự lựa chọn ấy. Bên cạnh đó, cũng có một số em cảm thấy không hài lòng và muốn chọn lại, thi lại ngành khác, trường khác.
Việc giáo dục hướng nghiệp trong các trường ĐH chủ yếu tập trung vào giáo dục cho sinh viên thích ứng với ngành nghề, giáo dục kỹ năng nghề và tình cảm với ngành nghề mà các em đang theo học. Hiện, Trường ĐH Tây Nguyên chú trọng hình thành cho sinh viên kỹ năng mềm, chú trọng ươm mầm ý tưởng đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để sinh viên khởi nghiệp... để giúp sinh viên thích ứng với thị trường lao động và sự phát triển của xã hội hiện đại.