Đối với học sinh THPT, việc lựa chọn cho mình một ngành học phù hợp là điều hết sức quan trọng. Con gái tôi cũng đang miệt mài học tập để chuẩn bị bước vào kỳ thi này với tâm thế tốt nhất có thể.
Đừng để “nước đến chân mới nhảy”
Thực tế là có rất nhiều em đang học lớp 12 nhưng chưa biết chọn ngành, nghề, trường, phân vân giữa nhiều phương thức xét tuyển, thậm chí rối loạn thông tin tư vấn trên mạng. Nhiều bạn bè, phụ huynh lớp con tôi chia sẻ rằng bây giờ là học kỳ II lớp 12 rồi nhưng con họ vẫn chưa biết nên chọn ngành, nghề, trường nào để thi. Bố mẹ hỏi muốn thi trường gì thì bảo con chưa biết.
Do vậy mà nhiều phụ huynh bị rơi vào tình trạng lo lắng, phải tự đi tìm hiểu đề án tuyển sinh của rất nhiều trường đại học để nghiên cứu xem phương thức xét tuyển nào phù hợp với kết quả học tập của con để tự mua hồ sơ, tự đăng ký thi cho con.
Học sinh lớp 12 trong năm học 2024 cần dũng cảm lựa chọn ngành học theo sở thích và ước mơ của bản thân mình, vì đó là ngành học sẽ theo mình suốt cuộc đời. Để cả cha mẹ và con cái không phải hối hận sau này, cha mẹ hãy tạo điều kiện thuận lợi nhất để con mình tự tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp.
Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò trợ giúp, cùng con tìm hiểu, bàn luận... trong việc chọn ngành học của chúng, để con toàn quyền quyết định việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình, chứ đừng nên lạm dụng quyền làm cha làm mẹ để bắt ép con phải theo ý mình. Điều quan trọng nhất là học cách lắng nghe con một cách chân thành, tôn trọng ý kiến cá nhân, không quyết định theo kiểu áp đặt, gây ức chế và làm tổn thương đến con.
Có những phụ huynh am hiểu về các trường, phương thức xét tuyển hơn cả con và phải quyết định thay con dù việc học là việc của con. Bởi nếu không làm thế thì con cũng mặc kệ, không biết làm thế nào để chọn ngành, chọn nghề, trường phù hợp khi các kỳ thi đã sắp cận kề.
Có những em không xác định được theo ngành, nghề nào, chỉ tùy tiện đăng ký và thi đỗ được vào một trường đại học nhưng sau khi vào học một thời gian lại cảm thấy hối tiếc vì sự lựa chọn của mình.
Thậm chí, có nhiều em tốt nghiệp đại học xong, ra trường lại không thể làm việc theo đúng nghề đã học, không thích làm công việc theo đúng ngành đã học, lại xin việc làm trái ngành, rất lãng phí thời gian học 4 - 5 năm trên giảng đường đại học.
Tôi định hướng cho con mình xác định ngành, nghề ngay từ khi học THCS. Để từ đó mới đăng ký thi vào THPT và phấn đấu học tập theo mục đích của mình. Ngay sau khi con thi đỗ vào lớp 10, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) con đã lập kế hoạch chuẩn bị để có kiến thức, kinh nghiệm, chứng chỉ quốc tế, chuẩn bị cho việc nộp hồ sơ thi đại học một số trường ở trong nước và nước ngoài theo đúng ngành Tâm lý học con đã lựa chọn theo đuổi.
Con học thêm ngoại ngữ 2 tiếng Đức để có cơ hội thi đại học ở Đức bằng tiếng Đức; học tiếng Anh và thi chứng chỉ IELTS để có thể thi đại học ở các nước khác và học bằng tiếng Anh; ôn thi chứng chỉ SAT để có thể xét tuyển đại học trong nước theo phương thức xét tuyển kết hợp giữa IELTS và SAT.
Con tự vào mạng tìm kiếm các dự án cộng đồng để thi tuyển vào các vị trí có liên quan đến ngành Tâm lý học và làm bán thời gian để có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, đồng thời có thêm các giấy chứng nhận sau khi kết thúc dự án làm minh chứng sau này làm hồ sơ xin học bổng ở nước ngoài…
Học sinh Hà Tĩnh trong Ngày hội Tư vấn - Hướng nghiệp - Tuyển sinh với chủ đề “Định hướng tương lai - Chọn đúng ngành nghề”. Ảnh: ITN |
8 nguyên tắc chọn... tương lai
Kinh nghiệm chọn ngành, nghề, trường phù hợp của mẹ con tôi đầu tiên là phải xác định rõ các tiêu chí lựa chọn là gì? Chúng tôi xác định dựa trên năng lực của bản thân con; chọn ngành, nghề dựa trên sở thích của con; chọn ngành, nghề phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình; Tìm hiểu nhu cầu xã hội. Sau khi có căn cứ rồi, chúng tôi thực hiện các công việc cụ thể như sau, xin được chia sẻ để các em học sinh và phụ huynh cùng tham khảo.
Thứ nhất, các em phải dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu ngành, nghề. Chọn ngành, chọn trường là bước ngoặt ảnh hướng lớn đến tương lai của các em, vì vậy hãy dành thời gian nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng cho nó, đừng để “nước đến chân mới nhảy” để rồi đưa ra những lựa chọn đáng tiếc.
Thứ hai, nguyên tắc bất di bất dịch là không chạy theo phong trào, chọn ngành, nghề theo quyết định của người khác, chọn ngành theo phương pháp ngẫu nhiên, chọn nghề không có sự quan tâm đến điều kiện gia đình. Cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình trước. Trước tiên, các em hãy liệt kê tất cả những công việc mà mình muốn làm, sau đó hãy chọn ra nghề nghiệp mong muốn nhất.
Thứ ba, dựa vào thế mạnh, sở thích, tính cách, điều kiện của mình để xác định được bản thân phù hợp với ngành, nghề nào. Trong quá trình học tập, sinh sống, các em cảm thấy điểm mạnh của mình là gì và ước muốn của mình là gì, đó chính là động lực để các em đưa ra lựa chọn ngành, nghề phù hợp.
Có ba tiêu chí chính để đánh giá các em có phù hợp với ngành, nghề đó không là kiến thức, kỹ năng và tính cách. Để đánh giá kiến thức, các em phải trả lời được câu hỏi: Ngành học đó yêu cầu người học phải có những kiến thức gì và điểm đầu vào là bao nhiêu? Để đánh giá kỹ năng, các em phải xem ngành học đó cần những kỹ năng gì?
Để đánh giá tính cách, các em phải trả lời câu hỏi: Công việc này đòi hỏi người học có tính cách như thế nào và tính cách của mình có phù hợp với công việc đó không? Ví dụ, các em có thế mạnh về ngoại ngữ sẽ dễ phát triển ở mảng giảng dạy, truyền thông, báo chí, ngoại giao, ngoại thương, hợp tác quốc tế…; các em yêu thích khoa học tự nhiên sẽ có thế mạnh ở khả năng tư duy logic và có thể lựa chọn những ngành kỹ thuật, công nghệ; các em yêu thích môn Sinh học, có thể lựa chọn ngành Y; các em yêu thích môn Hóa học có thể lựa chọn ngành Dược.
Một khi xác định được mong muốn, yêu cầu công việc của mình, các em có thể tìm được ngành, nghề phù hợp giữa một rừng các ngành học khác nhau hiện nay. Chẳng hạn, em nào yêu thích sự ổn định thì có thể hướng tới những công việc văn phòng, giảng dạy, nghiên cứu. Em nào thích sự năng động thì nên hướng tới công việc kinh doanh, marketing. Các em hãy tận dụng các cơ hội để làm một số công việc liên quan tới nghề mình lựa chọn để khám phá năng lực, sở thích, tính cách bản thân mình có phù hợp với nghề đó hay không.
Thứ tư, các em cần quan tâm đến điều kiện kinh tế của gia đình. Có những trường đại học có mức học phí rất cao, có những trường có mức học phí vừa phải. Vì vậy, cần phải cân nhắc điều kiện kinh tế của gia đình trước khi quyết định nộp hồ sơ.
Học sinh lớp 12 Hà Nội tham gia kỳ khảo sát chất lượng. Ảnh: ITN |
Thứ năm, các em có thể tham khảo các thông tin dự báo sự phát triển và nhu cầu nhân lực của các ngành, nghề hoặc xu hướng tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp để tìm hiểu về khả năng và xu hướng phát triển. Trên cơ sở đó và sở thích của mình, các em so sánh để có quyết định phù hợp. Không phải cứ thích, cứ đam mê là có thể thành công. Các em cần có những nghiên cứu, đánh giá về xu hướng xã hội, sự thay đổi của xã hội để có thể chọn cho mình con đường đi đúng đắn nhất cho ngành mà các em dự định theo nó suốt đời.
Thứ sáu, các em nên chọn ngành, nghề trước và chọn trường sau. Chúng ta phải xác định danh mục một số ngành, nghề phù hợp dựa trên những yếu tố kể trên, tìm hiểu thật kỹ về các ngành, nghề đó, ví dụ: Triển vọng nghề nghiệp, thu nhập, kỹ năng công việc… các em có thể tìm hiểu trên các kênh thông tin truyền thông, hỏi ý kiến người thân, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, thầy cô…, các em cũng có thể tới các công ty, thư viện, trung tâm giáo dục để có thêm nhiều thông tin tư vấn, tài liệu tham khảo… từ đó đánh giá sở thích và khả năng của mình xem phù hợp với ngành, nghề nào.
Sau khi đã xác định được nghề nghiệp cụ thể, các em tìm đến những ngành đào tạo nghề nghiệp đó tại các trường đại học, tìm hiểu chương trình đào tạo, học phí, tỷ lệ sinh viên có việc sau khi tốt nghiệp, môi trường học tập, sinh hoạt ngoại khóa tại trường, mức điểm chuẩn các năm trước. Nên chọn cả ba nhóm ngành xét tuyển. Nhóm thứ nhất là nhóm ngành các em yêu thích nhất. Nhóm hai là nhóm ngành các em mong muốn học và có nhiều cơ hội đỗ. Nhóm ba là nhóm ngành giúp các em không bị trượt đại học, có một trường dự phòng chắc chắn thi đỗ.
Thứ bảy, cần tìm hiểu điểm trúng tuyển của ngành, nghề đó ở trường các em muốn đăng ký xét tuyển vào trong những năm gần đây để so sánh với năng lực học của bản thân để dự kiến khả năng trúng tuyển của trường. Việc chọn ngành cũng cần tham khảo các thông tin tuyển sinh của các trường về khả năng phát triển của ngành, cơ hội được tuyển dụng sau khi ra trường và các đặc điểm chủ quan của bản thân. Sau cùng, với ngành đã xác định, trường nào có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn cùng với những điều kiện khác sẽ là căn cứ quan trọng để giúp các em tự tin lựa chọn và đăng ký dự tuyển.
Thứ tám, hiện nay trên mạng có rất nhiều trường đại học có những bài trắc nghiệm tâm lý hoặc các em có thể tự thực hiện các bài kiểm tra, khảo sát trên báo chí. Các bài trắc nghiệm nghề nghiệp sẽ tìm ra đặc điểm nhóm tính cách, các kỹ năng công việc, ưu, nhược điểm, nghề nghiệp phù hợp của từng cá nhân, mang đến cái nhìn tổng thể về công việc tương lai.
Khi lựa chọn ngành, nghề, nếu vừa phù hợp với sở thích vừa hợp với xu hướng phát triển của xã hội là điều rất tốt, nhưng không phải lúc nào mình cũng gặp thuận lợi và may mắn nếu không nỗ lực và cân nhắc. Ở lứa tuổi 18 còn non nớt, trừ những em không có đủ năng lực học đại học hoặc kinh tế gia đình quá khó khăn không thể nuôi con học đại học thì mới nên đi học nghề.
Còn các em khác có đủ năng lực học đại học, gia đình có khả năng kinh tế nuôi các em học đại học thì nên cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Bởi lẽ, nếu các em muốn có nhiều cơ hội phát triển năng lực của bản thân, muốn trở thành người thành đạt, có địa vị xã hội, kiếm được nhiều tiền thì đầu tiên cần phải là người có trình độ. Đất nước muốn phát triển kinh tế cần có lực lượng lao động có trình độ cao làm việc. Đừng bỏ cuộc khi các em chưa cố gắng nhé.
Điều tôi muốn nhắn nhủ tới học sinh sẽ tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 rằng: Chọn ngành, chọn nghề, chọn trường sao cho đúng như là chìa khóa thành công cho mình thì các em sẽ thi đỗ đại học. Các bạn thi đỗ đôi khi chưa hẳn đã giỏi hơn người khác, đơn giản là các bạn ấy có chiến lược lựa chọn đúng đắn. Các em hãy nhớ rằng, tất cả bằng cấp đều có giá trị pháp lý và giá trị sử dụng ngang nhau. Điều quan trọng là sau khi trúng tuyển các em sẽ học như thế nào để có đủ kiến thức, kỹ năng, sau khi ra trường thuyết phục được các nhà tuyển dụng, làm được việc đáp ứng yêu cầu của cơ quan và luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.