Hệ lụy khi chọn sai ngành học

GD&TĐ - Lựa chọn sai ngành học khiến bản thân không phát huy được hết năng lực, tố chất bản thân, gây ra tâm lý chán nản, thiếu quyết tâm và động lực để học tập, làm việc sau này.

Khi còn là học sinh lớp 11, các em phải dần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mình muốn theo đuổi. Ảnh minh hoạ/internet
Khi còn là học sinh lớp 11, các em phải dần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mình muốn theo đuổi. Ảnh minh hoạ/internet

Đó là chia sẻ của ThS, Luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh).  Ông phân tích, việc chọn sai ngành, sai nghề, ngay từ khi ngồi ở ghế nhà trường, khiến các em thấy chán nản, không nỗ lực, cố gắng và tìm tòi học hỏi thêm kiến thức.

Nếu các em lại đang học một ngành nghề mà thị trường lao động đang thừa; trong khi các doanh nghiệp luôn cần người giỏi, người thạo tay nghề; khi đó các em sẽ sớm bị đào thải, các em phải đi học lại một ngành khác, phải được đào tạo lại. Như vậy, rất mất thời gian, tiền bạc, công sức.

ThS, Luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: Chân Phúc
ThS, Luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: Chân Phúc 

ThS Trịnh Hữu Chung khuyên thí sinh phải cực kỳ cân nhắc chọn ngành nghề. Nghề nghiệp theo chúng ta suốt đời, chúng ta phải sống cùng công việc đến 7-8 tiếng một ngày.

“Chắc hẳn, chẳng ai mong muốn mỗi ngày phải sống và làm việc trong sự gượng ép, khó chịu. Chính vì vậy, trước khi chọn một ngành nghề để theo học, các em phải tìm hiểu thật kỹ về thị trường lao động sau khi ra trường, sở trường, sự yêu thích, tính chất công việc mong muốn, môi trường làm việc, địa điểm làm việc ở thành phố lớn hay về lại quê nhà….

Nếu các em không định hướng đúng ngành nghề để theo đuổi, sau khi ra trường, các em sẽ hoang mang, vô định thay vì quyết tâm theo đuổi, xây dựng sự nghiệp. Các em sẽ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn” - ThS Trịnh Hữu Chung chia sẻ, đồng thời cho rằng:

Truyền thống gia đình, kinh tế địa phương, văn hóa địa phương ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn nghề nghiệp của các em. Khi các em luôn cân nhắc những yếu tố này thì tương lai các em càng vững chắc, sớm có sự nghiệp vững vàng và có những thành công nhất định.

Nhấn mạnh, thời điểm này là phù hợp cho các em dần tìm hiểu về ngành nghề, sở thích, sở trường để chọn đúng ngành, đúng nghề; ThS Trịnh Hữu Chung đưa ra lời khuyên: Khi còn là học sinh lớp 11, các em phải dần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mình muốn theo đuổi; sau đó lên lớp 12, căn cứ kết quả học tập và điểm số của các môn học xét tuyển để có sự lựa chọn phù hợp.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.