Nhiều lựa chọn theo đuổi ngành, nghề tương lai

GD&TĐ - Phụ huynh nên căn cứ vào năng lực cá nhân và khả năng học tập của con, cùng con lựa chọn ngành, trường phù hợp.

Một tiết học thực hành của thầy, trò Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội.
Một tiết học thực hành của thầy, trò Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội.

Thay vì chạy đua để tìm kiếm một trường đại học cho con, phụ huynh nên căn cứ vào năng lực cá nhân và khả năng học tập của con, cùng con lựa chọn ngành, trường phù hợp. Đó là cách tốt nhất vừa tạo động lực, môi trường, vừa kích thích sự hứng thú học tập cho con.

Đại học không phải là lựa chọn số 1

Chị Kiều Thị Hà - cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, hiện đang làm việc tại Công ty Metis Energy, lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) - chia sẻ: Tôi từng đăng ký vào Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng trượt. Thay vì cố tìm một vé vào đại học, tôi đã quyết định chuyển sang học cao đẳng, sau đó liên thông lên đại học.

Chị Hà tâm sự: “Chương trình đào tạo hệ đại học và cao đẳng khác nhau, tuy nhiên khi chọn được môi trường học tập phù hợp với năng lực, được thầy cô giảng dạy tận tâm, tích cực sinh viên vẫn dễ dàng tiếp thu kiến thức. Ngoài ra khi học cao đẳng, sinh viên nỗ lực tìm tòi, học hỏi thêm ngoài chương trình thì kiến thức nền tảng rất vững, cơ hội việc làm sẽ rộng mở”.

Theo chị Hà, phụ huynh, học sinh đừng nên đặt nặng quá vấn đề phải học trường top, hoặc nhất thiết phải vào học đại học bằng được mà hãy nghiên cứu tìm hiểu về môi trường học, chất lượng đào tạo cũng như hoạt động liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp ra sao để tạo cơ hội cấp học bổng và việc làm cho sinh viên sau này.

“Trong quá trình học, tôi luôn chủ động trong công việc và học tập, có lộ trình cụ thể. Vì vậy, tôi được nhận học bổng của doanh nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng để tôi có được công việc như hiện tại. Nhưng có điều các bạn hãy nhớ, môi trường đào tạo tốt là chưa đủ, bản thân mỗi sinh viên phải luôn nỗ lực học tập để nắm được cơ hội nghề nghiệp tốt nhất mà nhà trường trao tới”, chị Hà cho hay.

Còn anh Hoàng Danh Ngọc, hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần Tư vấn cải tiến đầu tư và kết nối Việt Nhật (VJIP) chia sẻ: “Trong thời gian học cao đẳng, tôi cố gắng học tốt các môn học cũng như hoàn thành sớm chương trình để có nhiều thời gian thực hành nhằm tiếp cận với nghề nghiệp nhanh hơn. Tôi thấy, ở bất kỳ môi trường học tập nào nếu sinh viên, học viên có được sự chủ động tìm tòi, học hỏi thì sẽ luôn có được sự giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển”.

Theo anh Hoàng Danh Ngọc, xã hội ngày càng phát triển, cách đánh giá hiệu quả thực hành cũng như tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp không chỉ dựa vào yếu tố bằng cấp mà chủ yếu họ sẽ dựa trên hiệu quả công việc bạn làm. Do đó, quá trình học tại trường, bạn hãy nỗ lực học tập, bổ sung kiến thức thực tế cũng như kỹ năng mềm bằng cách đi làm thêm, học thêm, xin đi thực tập. Những hoạt động này giúp sinh viên tích hợp được thêm nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm làm việc.

“Các bạn đừng xem học cao đẳng 3 năm là ngắn, lượng kiến thức không đủ. Hãy nhớ khi thiết kế chương trình giảng dạy, các trường đã sắp xếp làm sao phù hợp nhất để sau khi học các bạn có kiến thức cơ bản đáp ứng công việc, có thể tiếp cận với ngành nghề thực tế sớm nhất, do đó đây có thể là một lợi thế cạnh tranh”, anh Ngọc lưu ý.

Chị Kiều Thị Hà - cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, đang làm việc tại công ty Metis Energy, lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: NVCC

Chị Kiều Thị Hà - cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, đang làm việc tại công ty Metis Energy, lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: NVCC

Cơ hội công bằng cho tất cả

Theo anh Hoàng Danh Ngọc, chương trình đào tạo ở cao đẳng được thiết kế theo hướng cung cấp một số kiến thức nền tảng có thể áp dụng ngay vào bài thực hành, thực tế do đó dễ tiếp thu. Hơn nữa, với lượng kiến thức vừa sức này, sinh viên có thể tìm hiểu và làm thêm, trải nghiệm môi trường thực tế ở ngoài để không bị lạc hậu.

Anh Ngọc dẫn chứng: “Hiện nay, tình trạng thừa thầy thiếu thợ rất nhiều. Ví dụ trong ngành công nghiệp đang phát triển, đang “nóng”, cần một lực lượng nhân lực có kiến thức kỹ thuật, kỹ năng rất lớn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo của các trường hiện nay lại nghiêng về đào tạo lực lượng lớn quản lý sản xuất, quản đốc sản xuất, giám sát sản xuất.

Những vị trí này đều được thăng cấp từ vị trí kỹ thuật viên, thợ có kỹ năng tốt nhưng chưa hoàn thiện kỹ năng quản lý. Như vậy, nếu bạn chứng minh được năng lực, khả năng, kỹ năng và chủ động trong công việc thì không hề thiếu cơ hội mà còn có thể tạo được lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động”.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Dương Đức Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội - cho biết: “Đối với cao đẳng nghề sau ba năm đào tạo, sinh viên được trang bị kiến thức để có thể đáp ứng được yêu cầu việc làm. Ở bậc cao đẳng, thời lượng học kiến thức lý thuyết chiếm 40%; còn lại 60% là học thao tác thực hành.

Vì vậy, 100% sinh viên sau hai năm học ở trường được nhiều doanh nghiệp mời đến thực tập từ 4 - 5 tháng (trong số các doanh nghiệp đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, có công nghệ rất tiên tiến tạo cơ hội học tập, nghiên kỹ thuật hiện đại). Nhờ vậy, nhiều em sau khi thực tập xong đã được ký hợp đồng làm việc; hay nhiều cựu sinh viên của chúng tôi sau 2 - 3 năm làm việc đã được bồi dưỡng lên vị trí quản lý, đốc công... và nhiều em đã tiếp tục học lên cao hơn”.

Theo PGS Dương Đức Hồng, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội sau khi tốt nghiệp có thể liên thông lên đại học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội còn liên kết với nhiều trường như Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Công nghiệp… do đó sinh viên có thể hoàn toàn yên tâm học tập và tìm kiếm cơ hội cho mình.

“Chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế, không phải ai tốt nghiệp đại học cũng tìm được việc làm phù hợp. Do đó, phụ huynh, học sinh nên căn cứ vào sức học, năng lực cá nhân để lựa chọn ngành, trường học phù hợp với con em mình, không nhất thiết phải vào đại học mới có công việc như mình mong muốn”, PGS.TS Dương Đức Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Hiểu rõ gen z là gìTìm hiểu overthinking là gì