Cô trò thỏa sức sáng tạo với đề kiểm tra sử dụng ngữ liệu ngoài SGK

GD&TĐ - Sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khơi gợi được tư duy độc lập, hình thành năng lực tiếp nhận...

Học sinh Trường THCS Phú Mỹ (Bình Thạnh, TPHCM) trao đổi bài học. Ảnh minh họa
Học sinh Trường THCS Phú Mỹ (Bình Thạnh, TPHCM) trao đổi bài học. Ảnh minh họa

Sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (SGK) ban đầu có thể dẫn đến lo lắng bởi học sinh nếu thiếu kiến thức nền và kỹ năng đọc hiểu sẽ làm bài đạt kết quả thấp. Tuy nhiên, khi quen với hình thức, cấu trúc đề sẽ khơi gợi được tư duy độc lập, hình thành năng lực tiếp nhận, giải mã tri thức văn học trong đề của học sinh.

Tiếp nhận và giải mã tri thức văn học

Sau một thời gian triển khai ra đề thi lấy ngữ liệu ngoài SGK, nhiều giáo viên (GV) Ngữ văn đánh giá tích cực về chuyển biến của người học. Thầy Nguyễn Phương Bắc, Trường THCS Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh) cho biết: Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ra đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 6, lớp 7 trong Chương trình GDPT 2018 sẽ lấy ngữ liệu ngoài SGK. Cách thức này làm thay đổi tư tưởng dạy gì học đấy, học gì thi đấy của các nhà trường.

Để đáp ứng yêu cầu của đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá HS theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT, việc ra đề kiểm tra đã tạo sự thay đổi trong nhận thức, tư tưởng của GV, HS. Đặc biệt là HS THCS, sau một năm học lớp 6 và làm quen với phương pháp học tập mới, các em đã bước đầu làm quen với đề kiểm tra môn Ngữ văn với hai hình thức đan cài vào nhau là trắc nghiệm kết hợp với tự luận.

“Theo tôi, việc thay đổi này ban đầu gặp nhiều khó khăn vì GV, HS cảm thấy hoang mang, lo lắng bởi phạm vi ngữ liệu rất rộng. HS thiếu kiến thức nền và kỹ năng đọc hiểu sẽ làm bài đạt kết quả thấp. Tuy nhiên, sau khi quen với hình thức, cấu trúc đề kiểm tra sẽ tạo được sự tò mò cho HS; kích thích khả năng tiếp nhận thông tin, đọc hiểu văn bản mới dựa trên nền của những tri thức ngữ văn về các chủ đề đã được học.

Về lâu dài, hình thức kiểm tra này sẽ là cú hích trong đổi mới các hoạt động dạy học và kiểm tra. Bảo đảm mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là hình thành phẩm chất và năng lực người học. Tránh được việc học thụ động, ghi chép nhiều, học thuộc và ghi nhớ máy móc. Khơi gợi được tư duy độc lập, sáng tạo, hình thành được năng lực tiếp nhận và giải mã các tri thức văn học trong đề” - thầy Nguyễn Phương Bắc nhận định.

Chất lượng bài làm của HS khi kiểm tra theo Chương trình GDPT mới, theo thầy Nguyễn Phương Bắc, không có quá nhiều chênh lệch điểm số với cách kiểm tra cũ (chủ yếu là tự luận). Khi thực hiện làm bài kiểm tra có ngữ liệu ngoài SGK, ở phần đọc hiểu với dạng câu hỏi trắc nghiệm, bài làm của HS có độ chính xác thấp hơn khi làm đề kiểm tra với ngữ liệu quen thuộc. Nhưng những HS có năng lực văn học tốt, có khả năng tư duy và biết phân tích, tổng hợp thì độ chính xác trong câu trả lời cao hơn.

Với phần viết, cơ bản HS đã nắm được chủ đề, thể loại, kiểu bài nên điểm số vẫn bảo đảm so với mục tiêu. Thậm chí khi viết dạng đề về trải nghiệm lớp 6, có HS vận dụng thực tiễn tốt, viết chân thực, hấp dẫn. Các dạng câu hỏi tự luận ngắn và câu viết trong đề thường ở dạng mở nên dễ phát huy năng lực sáng tạo của HS.

Ghi nhận những thay đổi tích cực của HS, cô Lưu Thị Huyền, GV Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) cho rằng: Đổi mới ra đề kiểm tra Ngữ văn với việc không sử dụng ngữ liệu trong SGK giúp đánh giá chính xác năng lực HS, khắc phục tình trạng chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn. Cùng với đó, phát huy tính độc lập, tự chủ, sáng tạo và trí tưởng tượng của HS; phát huy được mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, văn học, tư duy hình tượng, logic của HS. HS vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vào bối cảnh, ngữ liệu mới.

Đề kiểm tra cũng tạo cơ hội để HS khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và sáng tạo sản phẩm mới, gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình nghe, nói, đọc, viết. Ra đề như vậy một mặt khắc phục được cách dạy và học truyền thống theo kiểu đọc chép, ghi nhớ kiến thức thụ động của cả GV và HS. Mặt khác còn khắc phục được tối đa lối học tủ, học vẹt, học lệch.

Cô Lưu Thị Huyền, giáo viên Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) và học trò.

Cô Lưu Thị Huyền, giáo viên Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) và học trò.

Tìm tòi, tích lũy làm giàu vốn ngữ liệu

Cho biết bản thân không gặp khó khăn gì khi tìm ngữ liệu ngoài SGK, kinh nghiệm được thầy Nguyễn Phương Bắc chia sẻ là luôn tìm tòi và tích lũy các tư liệu Ngữ văn. Hiện nay, ngữ liệu có thể dễ dàng tìm kiếm trong nguồn tư liệu mở trên Internet, hoặc các bản in trong thư viện của trường… Nguồn ngữ liệu sưu tầm được GV nên lưu trữ vào thư mục trên máy tính cá nhân, hòm thư điện tử hoặc thiết bị lưu ngoài như USB, thẻ nhớ, ổ ảo… Lưu ý, nguồn trích dẫn văn bản kiểm tra cần chính xác, cập nhật, bảo đảm tính pháp lý (nhất là các nguồn dẫn trên mạng).

Thầy cô cũng phải tìm hiểu kỹ ngữ liệu được sử dụng xem có phù hợp với HS không? Ngữ liệu có chứa đầy đủ vùng kiến thức để kiểm tra năng lực của người học? Những nội dung, phần nào trong ngữ liệu không cần thiết có thể lược bớt…” - thầy Nguyễn Phương Bắc chia sẻ.

“Khi muốn chọn ngữ liệu ra đề kiểm tra ngoài SGK, GV cần nghiên cứu kỹ xem mình sẽ ra đề vào phạm vi chủ đề nào, dạng văn bản nào. Từ đó, sẽ đi tìm ngữ liệu bên ngoài đáp ứng được tiêu chí đó. Sau khi tìm được ngữ liệu phù hợp, GV tiến hành xây dựng ma trận và bảng đặc tả để thiết kế các đề kiểm tra đáp ứng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Còn theo cô Lưu Thị Huyền, với yêu cầu lấy ngữ liệu ngoài SGK khi ra đề kiểm tra Ngữ văn, GV không bị quá gò bó về cách ra đề, được thoải mái sáng tạo về đề thi, miễn là cùng một đặc trưng thể loại tương đương với văn bản HS đã học trong SGK. Tuy nhiên GV sẽ khó trong khâu tìm ngữ liệu chuẩn, chính thống. Kinh nghiệm được cô Huyền chia sẻ là chọn những văn bản, ngữ liệu có trong các tập sách được in ấn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; hạn chế các tranh cãi liên quan tới chính trị. Đặc biệt, ngữ liệu đó phải mang định hướng, tạo nên giá trị Chân - Thiện - Mỹ, có khả năng định hướng giáo dục cho HS.

Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi ra đề, cô Trần Thị Thảo, Tổ trưởng chuyên môn, GV Ngữ văn, Trường THCS Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội) cho biết thường sử dụng ngữ liệu là đoạn khác/chương khác của văn bản trong chương trình. Có thể sử dụng văn bản đọc mở rộng của mỗi chủ đề làm ngữ liệu ra đề thi. Cũng có thể sử dụng các bộ sách khác làm tư liệu tham khảo làm ngữ liệu đề thi. Nguồn ngữ liệu là các tác phẩm cùng đề tài, thể loại với văn bản SGK. Cần lưu ý độ dài ngữ liệu cần phù hợp với yêu cầu đề thi ở từng khối lớp cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ