Chương Mỹ (Hà Nội): Đề xuất đào tạo nghề mới cho lao động nông thôn
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Hà Nội, năm 2018, UBND huyện Chương Mỹ đã tổ chức 50 lớp đào tạo nghề cho 1.750 lao động. Trong đó, ngành nghề phi nông nghiệp: 17 lớp; nông nghiệp: 33 lớp. Từ thực tế địa phương và khảo sát nhu cầu của người lao động, UBND huyện Chương Mỹ đề xuất Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg xem xét điều chỉnh một số nội dung để phù hợp với thực tế.
Cụ thể, bổ sung một số nghề phù hợp với thực tế như trồng lúa hữu cơ; bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị điều chỉnh thời gian dạy thực hành nhiều hơn, nội dung đi sâu vào phần phòng trừ bệnh trên cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ kinh phí thêm cho người học nghề…
Đào tạo lao động cho doanh nghiệp ngành du lịch
Đây là chủ đề của Hội thảo do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây. Hiện ngành du lịch Quảng Nam sử dụng khoảng 15 nghìn lao động.
Với tốc độ tăng trưởng khách du lịch hằng năm hơn 10%, du lịch Quảng Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt lao động, vì vậy hội thảo nhằm đưa ra một số giải pháp như: Cơ chế liên kết, hợp tác cùng chia sẻ trách nhiệm thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm; Nâng cao năng lực đào đạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Đây là cơ hội để các bên liên quan cùng xây dựng cơ chế hợp tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch địa phương.
Quảng Ninh: Đào tạo nghề cho 35.000 lao động nông thôn
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, thông qua việc triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), đã giải quyết được nhu cầu học nghề, việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người, góp phần đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, thông qua việc học nghề, nhiều nông dân đã áp dụng và sản xuất, tăng gia phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2018, các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh Quảng Ninh sẽ đào tạo khoảng 35.000 người, trong đó trình độ cao đẳng là 1.500 người, trình độ trung cấp là 5.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là trên 28.500 người. Trước đó, vào năm 2017, tổng số LĐNT được học nghề theo Đề án 1956 là 2.583 lao động, đạt 99,34% kế hoạch năm.