Chọn nghề theo năng lực, sở thích hay ý cha mẹ?

GD&TĐ - Vào mùa tuyển sinh, chủ đề chọn nghề, chọn trường luôn khiến các học sinh băn khoăn, khó đưa ra quyết định.

Học sinh Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội tại một chương trình hướng nghiệp.
Học sinh Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội tại một chương trình hướng nghiệp.

Chọn ngành nghề là định hướng rất quan trọng trong cuộc đời. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, học sinh nên tìm hiểu đầy đủ nhất các thông tin khi chọn ngành, chọn nghề…

Theo ước mơ thời trẻ của… cha mẹ

Làm sao để chọn đúng ngành học? Làm sao để sau khi tốt nghiệp ra trường có công ăn việc làm ổn định? Chọn ngành học gì để không phải làm trái ngành? Và còn rất nhiều băn khoăn khác mỗi khi kỳ tuyển sinh đến.

Có thể thấy thực tế, đối với các bậc làm cha, làm mẹ thì việc chọn ngành nào, trường nào cho con sau khi tốt nghiệp THPT luôn khiến họ phải đau đầu. Phần lớn các bậc phụ huynh luôn hướng con đến những ngành nghề mình nghĩ rằng sẽ tốt nhất cho con. Có cha mẹ chuẩn bị từ sớm để con theo ngành nghề truyền thống của gia đình nhưng cũng có những phụ huynh muốn gửi gắm ước mơ thời trẻ của mình vào con.

Một số ý kiến cho rằng, các bậc làm cha, làm mẹ luôn hy vọng con của mình có một công việc ổn định, thu nhập cao và nhiều khi họ đã thay con quyết định luôn cả nghề nghiệp tương lai. Vì họ cho rằng bố mẹ là người đi trước, từng trải nên sẽ có nhiều sự hiểu biết hơn. Khi làm việc này, các bậc cha mẹ đã “quên” đi cảm nhận của con cái và không biết rằng con mình có thật sự yêu thích và phù hợp với điều đó hay không?

PGS.TS Trần Thành Nam, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, thực tế thì hướng nghiệp là quá trình phức tạp cần có thời gian để cá nhân trải nghiệm, cân nhắc xác định lựa chọn nghề nghiệp dựa trên những căn cứ về nguyện vọng, sở thích và nhu cầu thị trường lao động. Hướng nghiệp bây giờ phải theo những tiến trình quy chuẩn, dựa trên bằng chứng khoa học để đảm bảo cá nhân có thể thích ứng với mọi biến động và bất định nghề nghiệp trong tương lai.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nhiều cha mẹ thường mắc một số sai lầm cơ bản như thiếu tôn trọng mong muốn của con, áp đặt với suy nghĩ “con còn nhỏ, đã biết gì mà chọn”. Bởi suy nghĩ đó nên nhiều bậc cha mẹ đã bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề, không nói với con về vấn đề này từ sớm. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ coi trọng hình thức nghề (doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư) hơn giá trị xã hội của nghề. Sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con (học gì, ra làm gì, sẽ thăng tiến thế nào), hướng nghề không căn cứ vào khả năng của con (cứ học trường để cha mẹ cảm thấy tự hào)…

“Nhiều bậc cha mẹ còn sử dụng tài chính để giúp con hoàn thành chương trình và có việc làm, chọn học trường vì chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường của con”, vị chuyên gia phân tích.

Chuyên gia Trần Thành Nam nhận định, tất cả những sai lầm đó nếu xảy ra sẽ khiến cho năng lực thực của đứa trẻ thui chột. Trẻ cảm thấy chán nản, mệt mỏi với ngành học và chân dung nghề nghiệp tương lai, kể cả khi tốt nghiệp ra trường, cá nhân cũng không thực sự yêu nghề và từ chối công việc ngay cả khi có cơ hội.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Chọn nghề như chọn bạn đời

Một kết quả khảo sát của của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho thấy, có tới 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với nghề đã chọn, vào học mới biết không hợp hay 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau.

Thực tế có những bạn trẻ rất thành công khi được gia đình định hướng ngành nghề. Ngược lại cũng có những bạn phải học, làm việc ở những ngành nghề các bạn không thực sự yêu thích, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc của bản thân, gia đình.

Vì thế, các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, đối với những học sinh cảm thấy không hứng thú với ngành học mà bố mẹ chọn thì hãy tinh tế trình bày và thuyết phục để các bậc cha mẹ hiểu về mong muốn, sở thích, khả năng của mình. Đồng thời, hãy cho phụ huynh hiểu, nếu sự kỳ vọng ấy quá sức và các bạn học sinh phải gồng mình thực hiện thì sẽ tạo nên những áp lực, stress, trong quá trình học lâu dài, mất dần hứng thú, kết quả học tập sa sút và có thể bỏ ngang ngành học khiến mọi việc vừa dở dang vừa lãng phí tiền bạc, thời gian lẫn công sức.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã đưa ra một số giải pháp để tránh xung đột giữa cha mẹ và con khi chọn ngành nghề tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đặc biệt dành cho phụ huynh diễn ra mới đây.

Theo ông Sơn, cha mẹ không thể sống thay con cái mãi được. Hành trình thành công, hạnh phúc phải là hành trình, lựa chọn của con. Các con ngày nay thông minh và bản lĩnh. Phụ huynh nên lắng nghe con em mình hơn để giảm thiểu khác biệt trong suy nghĩ, định hướng giá trị nghề nghiệp, chọn ngành xét tuyển.

Cũng theo ông Sơn phân tích, ngày nay, sự phân bố lao động có sự thay đổi. Cha mẹ nhớ lại quá khứ vài chục năm nên định hướng cho con các nghề ổn định, an toàn, không quá thách thức. Tuy nhiên, con cái lại không muốn như vậy. Các con có sự chuyển dịch trong tư duy, nghề nghiệp và lối sống, muốn có sự thách thức. Đây là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong tư duy chọn nghề khi tuyển sinh với cha mẹ.

Cha mẹ tạo mọi điều kiện để con em có năng lực, kỹ năng thông tin, ngoại ngữ nhưng lại mong muốn con mình chọn nghề nào an toàn, tránh mạo hiểm. Các con sinh ra trong thời đại có nhiều cơ hội, sớm bộc lộ năng khiếu, lựa chọn cá nhân, nên các em sẽ có những lựa chọn khác. Cha mẹ cần bình tĩnh, lắng nghe con cái nên đồng hành để con em hiểu về nghề, hiểu được cơ hội và thách thức của nghề đó.

Ông Sơn nhận định rằng, khi có sự khác biệt lựa chọn ngành nghề tuyển sinh, phụ huynh đừng giải quyết ngay lập tức trong một lần. Nếu chưa có đủ luận cứ để thuyết phục con, cha mẹ nên lắng nghe con và nhờ thêm bên thứ ba để trao đổi với con. Lựa chọn nghề nghiệp như chọn bạn đời của con, cha mẹ hãy thông cảm, không ép buộc từ sự chủ quan của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ