Những lưu ý khi chọn nghề theo sở thích

GD&TĐ - Chọn nghề theo sở thích là đúng, nhưng nếu chỉ dựa trên sở thích thôi chưa đủ, chưa nói đến sở thích đó đúng không, hay chỉ là mong muốn nhất thời?

Những lưu ý khi chọn nghề theo sở thích

Nhận diện đúng sở thích hay đam mê

Sở thích (dù là thích đến tột đỉnh) cũng chưa hẳn là sở trường đích thực. Mặt khác, nếu có sở thích mà chỉ nuôi dưỡng nó bằng sự đam mê chứ không bằng sự dày công luyện tập và chí thú học hỏi, thì sớm muộn sở thích đó cũng sẽ bị “giã từ”.

Đam mê (tiếng Anh: passion) là cảm giác mong muốn, khát khao có được ai đó hay làm được gì đó, bị hấp dẫn bởi một sự vật, sự việc. Cụm từ đam mê, trong quá khứ, thường thấy trong việc miêu tả tình yêu, [...] "ham muốn". Tại thời điểm hiện tại, từ đam mê được dùng chủ yếu vào việc diễn tả một sự khao khát trong sự nghiệp.

Trong các phần hướng dẫn về hướng nghiệp, các tài liệu cùng người hướng dẫn luôn đề cập rất nhiều đến sở thích của các bạn. Mỗi bạn học sinh đều hình thành cho mình một sở thích ngành nghề riêng, những sở thích hình thành trong quá trình sống với nhiều nguyên nhân tác động với nhau. Có bạn yêu thích nghề luật sư vì được xem những bộ phim về luật sư cực kỳ hấp dẫn. Lại có bạn yêu thích trở thành ca sĩ để trở thành người nổi tiếng. Lại có bạn thích theo dạng phong trào từ sự tác động của những bè bạn trong lớp.

Tuy nhiên, sở thích, ước mơ có thể thay đổi theo thời gian, và bị ảnh hưởng nhiều bởi sự trải nghiệm, mức độ hiểu biết về ngành nghề. Khi chọn nghề, các bạn thường chọn nghề trên sự tưởng tượng, mộng mơ những thăng hoa của nghề nghiệp mà lại không để ý nhiều đến những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua khi theo đuổi nghề dễ dẫn đến việc nhận định không hết về nghề nghiệp.

Làm thế nào để chọn nghề - định hướng nghề nghiệp? Theo các chuyên gia, đầu tiên là phải tìm hiểu kỹ về những gì bản thân thích, nắm bắt rõ những khó khăn và thách thức của nghề nghiệp cần phải vượt qua. Và cũng phải nhìn nhận xem rằng năng lực của bạn có phù hợp để theo đuổi nghề nghiệp đó hay không.

Tìm hiểu những ngành nghề phù hợp với tố chất, khả năng của bản thân và hình thành những hứng thú đầu tiên với những ngành nghề này. Tìm hiểu càng nhiều nghề khác, bạn sẽ tìm thấy nhiều ngành phù hợp với bản thân hơn.

Tham khảo ý kiến người lớn như cha mẹ, anh chị, và những người đi làm về các ngành nghề sở thích. Những người đi trước đã trải nghiệm và va chạm với thế giới nghề nghiệp, họ đã trải qua những khó khăn, nắm bắt và có kinh nghiệm của bản thân, vì vậy ý kiến của họ rất đáng để tham khảo. Hãy trao đổi và nhờ người lớn phân tích cho bạn nghe, những ý kiến đó là nguồn tham khảo quý báu cho bạn. Trên cơ sở hiểu biết, sở thích, những lời khuyên, cùng với sự đánh giá năng lực của bạn là cơ sở để bạn đưa ra quyết định cuối cùng.

Đam mê nhưng phải có năng lực đáp ứng

Rất nhiều bạn học sinh cuối cấp đang đau đầu trong việc chọn trường, chọn ngành học phù hợp. Tuy nhiên không phải lúc nào ngành học bạn yêu thích lại phù hợp với định hướng của bố mẹ, của mọi người. Việc này khiến các bạn khó đưa ra quyết định bởi không muốn “trái lời” bố mẹ nhưng lại không muốn bỏ lỡ ngành học mình yêu thích.

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ quan điểm: Một số bạn học sinh đang chọn ngành nghề cho tương lại một cách cảm quan, chỉ dựa vào năng lực học tập, trào lưu, vì lý do kinh kinh tế hoặc những nghề được xã hội trọng vọng. Ngoài ra việc dành ít thời gian để tìm hiểu cùng với tư tưởng học gì cũng được miễn là đỗ đại học cũng khiến học sinh đưa ra những lựa chọn sai lầm.

Cũng theo TS Trần Thành Nam, khi chọn sai ngành học, con người sẽ không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong học tập và công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó gây ra tâm lý chán nản, thất vọng, đánh mất sự tự tin và động lực của bản thân.

Có một vài nguyên tắc để chọn ngành nghề mà các bạn học sinh cuối cấp cần chú ý như chỉ nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và đam mê của bản thân chứ không nên chọn nghề mà bản thân không đáp ứng đủ điều kiện về sở thích, tính cách và năng lực.

Mỗi em chỉ nên chọn những công việc phù hợp với sở thích và đam mê của bản thân, chọn nghề đáp ứng được giá trị của bản thân là quan trọng và có ý nghĩa.

Ngoài những định hướng trên, PGS Trần Thành Nam cũng cho rằng các bạn trẻ có thể sử dụng hiệu quả các trắc nghiệm đã được chứng minh có hiệu quả bằng các công bố khoa học kết hợp tư vấn trực tiếp của các chuyên gia tư vấn học đường, hướng nghiệp.

Trong lý thuyết cây nghề nghiệp, sở thích là một nhân tố cơ bản cùng các nhân tố khác như năng lực, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp. Và tất cả những nhân tố này phải được tham gia vào quá trình phát triển của bản thân, không ngừng trao dồi, phát triển và tương tác cùng các nhân tố khác để cùng phát triển và tạo nên nghề nghiệp tương lai vững chắc.

Như vậy, sở thích là một nhân tố quan trọng trong hoạt động hướng nghiệp, chọn ngành chọn nghề. Và sở thích cần được bồi dưỡng, phát triển để giúp phần tạo nên một lựa chọn phù hợp tối ưu cho bản thân mỗi cá nhân. Ngoài sở thích thì cũng cần lưu tâm đến các yếu tố khác.

Những nguyên tắc chọn nghề

Nguyên tắc thứ nhất: Không chọn những nghề mà bản thân không đủ điều kiện tâm lý thể chất hay xã hội để đáp ứng yêu cầu của nghề. Chạy theo những nghề mà không đáp ứng được những đòi hỏi của nghề đề ra thì nhiều khi (không phải mọi trường hợp) sẽ thất vọng, sẽ rất tốn kém thời gian và sức lực cho việc theo đuổi.

Nguyên tắc thứ hai: Không chọn các ngành nghề nằm ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng (nếu người chọn nghề muốn ở lại địa phương để sinh sống) và của đất nước nói chung. Đây là yếu tố khách quan phải tính đến, nếu không, khi học nghề xong sẽ rất khó xin được việc làm. Trong trường hợp chọn được một nghề nào đó mà nó đang cần được thay thế bằng nghề khác thì không nên theo đuổi làm gì. Cần nhớ rằng sắp tới, khá nhiều nghề cũ sẽ mất đi, nhiều nghề mới sẽ xuất hiện. Đó là quy luật không thể tránh được.

Nguyên tắc thứ ba: không chọn những nghề mà bản thân không thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.