Đầu tháng 1/2014, một game thủ 32 tuổi tìm thấy đã chết tại một quán café Internet Đài Loan sau khi chơi game 3 ngày liên tục. Trước đó, vào đầu năm mới, tại Đài Bắc cũng xảy ra trường hợp tương tự khi một game thủ tử vong sau 5 ngày chơi game.
Dù các vụ tử vong như trên không nhiều, nó vẫn đặt ra câu hỏi vì sao chơi game lại có thể dẫn đến rủi ro cho tính mạng như vậy.
Theo Mark Griffiths, chuyên gia tâm lý học, Giám đốc bộ phận nghiên cứu game của Đại học Nottingham Trent (Anh), đã có nhiều báo cáo thuộc cả lĩnh vực y học lẫn tâm lý chỉ ra chơi game quá liều chính là nguyên nhân của nhiều vấn đề sức khỏe, từ chấn thương, béo phì, ảo giác, nghiện ngập.
Cũng phải nói thêm rằng có nhiều báo cáo khoa học lại kết luận chơi game mang lại nhiều lợi ích về giáo dục và điều trị, song vẫn còn một số lượng nhỏ các game thủ gặp vấn đề do lạm dụng game.
Điều gì đã khiến cho game trở nên gây nghiện như vậy đối với một bộ phận người?
Đối với Griffiths, cơn nghiện do game mang lại đơn giản là người chơi liên tục được tặng thưởng trong khi chơi. Các tặng thưởng này có thể là sinh lý học (như cảm giác “đẳng cấp”, được ngưỡng mộ khi giành điểm cao), tâm lý học (cảm giác hoàn toàn điều khiển được một tình huống nào đó để chiến thắng), xã hội (được tung hô bởi các game thủ khác khi làm tốt) và trong một số trường hợp còn là cả tài chính (thắng một giải đấu).
Phần lớn các phần thưởng đều không thể đoán trước được. Do không biết tiếp theo sẽ là gì, game thủ tiếp tục gắn bó với game để khám phá. Trong ngắn hạn, họ chơi game ngay cả khi không nhận được phần thưởng ngay lập tức. Họ hi vọng một giải thưởng khác “đang ở đâu đó”, chờ đợi họ nếu kiên trì chơi.
Một yếu tố khác chính là sự chuyển dịch trong thập kỷ qua, từ các game console đơn lẻ đến những game online nhiều người chơi, nơi các trận chiến không bao giờ kết thúc và game thủ phải cạnh tranh và/hoặc hợp tác với người khác theo thời gian thực (thay vì có thể tạm dừng và quay lại chơi khi có thể).
Nhiều game thủ cho biết họ ghét phải đăng xuất và rời bỏ một ván game dang dở. Họ không thích việc mình không biết gì đang diễn ra trong game khi họ không online.
5 năm qua chứng kiến số lượng báo cáo khoa học về game tăng cao. Tháng 5/2013, Hiệp hội Tâm thần Mỹ phát hành phiên bản thứ 5 của “Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn tâm thần) (DSM-5). Lần đầu tiên trong lịch sử, DSM-5 bao gồm cả “rối loạn game Internet” (IGD) như một tình trạng tâm lý.
Trong sự nghiệp nghiên cứu của chuyên gia Griffiths, dù tất cả các chứng nghiện đều có đặc thù và phong cách riêng, chúng có nhiều điểm chung hơn là khác biệt, chẳng hạn sự lo âu, thay đổi tâm trạng, cảm giác thèm ăn, xung đột với công việc, học tập hay mọi người, kiểm soát kém hơn.
Vậy khi nào một sở thích chuyển thành cơn nghiện? Câu hỏi khá trả lời khi thực tế có nhiều người chơi game hàng giờ liền nhưng không gặp rắc rối nào liên quan đến sức khỏe.
DSM-5 liệt kê 9 triệu chứng cho IGD. Nếu bất kỳ game thủ nào “dính” từ 5 triệu chứng trở lên, họ có thể đang bị rối loạn game Internet:
(1) ám ảnh với game online;
(2) bồn chồn khi game Internet biến mất;
(3) nhu cầu dành thời gian ngày một nhiều cho game online;
(4) không kiểm soát được việc muốn hay không muốn chơi game; (5) mất hứng thú với các hình thức giải trí/sở thích khác trừ game online;
(6) liên tục chơi game online quá liều dù biết các vấn đề tâm lý;
(7) lừa dối các thành viên trong gia đình, nhà trị liệu hay người khác về thời gian chơi game;
(8) dùng game online để thoát khỏi trạng thái tiêu cực;
(9) mất một mối quan hệ, công việc, học tập hay cơ hội việc làm quan trọng vì game online.
Tin tốt là chỉ có một số ít game thủ gặp phải IGD. Phần lớn đều cảm thấy chơi game là điều thú vị, hấp dẫn. Tuy nhiên, như bất kỳ hoạt động nào khác khi xảy ra quá nhiều, nó có thể thành cơn nghiện.
Bất kỳ hoạt động nào nếu diễn ra nhiều ngày có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là cái chết, game không phải ngoại lệ. Thay vì xem game như quỷ dữ, chúng ta cần phổ biến cho game thủ về những nguy hiểm tiềm tàng khi chơi game quá liều.