Cho trẻ mùa hè ý nghĩa

GD&TĐ - Trong thời gian nghỉ hè, học sinh cần được quan tâm đến sức khỏe tinh thần, phát triển kỹ năng hơn là tiếp tục nhồi nhét kiến thức văn hóa.

Một buổi vui chơi giã ngoại của học sinh. Ảnh minh họa Internet
Một buổi vui chơi giã ngoại của học sinh. Ảnh minh họa Internet

Cần cho trẻ một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa là thông điệp mà chuyên gia giáo dục và cả thầy, cô giáo đưa ra, khuyến nghị đến các bậc phụ huynh.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Khoa Tâm lý giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục): Giải tỏa năng lượng tích tụ trong thời gian học trực tuyến

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, có hơn 42% trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần vì đại dịch. Nguyên nhân bởi không được tham gia các giao tiếp trực tiếp.

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng.

Với học sinh Việt Nam, cũng vì dịch bệnh nên nhiều nơi, các em phải học ở nhà trong thời gian dài. Việc đi học trở lại vừa diễn ra nhưng các nhà trường chủ yếu dành khoảng thời gian còn lại để hoàn thành chương trình năm học, chưa tổ chức được nhiều hoạt động cho học sinh. Năng lượng của các em được tích tụ nhưng lại không có điều kiện giải phóng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì vậy, cần “tận dụng” 3 tháng nghỉ hè để lấy lại sức khỏe tinh thần cho trẻ bằng cách tham gia nhiều các hoạt động vui chơi, vận động tập thể, hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, cần lồng ghép bổ sung kiến thức, kỹ năng trong hoạt động đó.

Đặc biệt lưu ý, bổ sung kiến thức kỹ năng trong hè tuyệt đối không nên triển khai kiểu ngồi tại lớp học mà học sinh phải được chơi theo nhóm, cùng nhau trao đổi, vận động, giao lưu. Hạn chế tối đa tình trạng tiếp xúc với máy tính bảng, điện thoại… để cân bằng lại tâm lý, trạng thái.

Về phía nhà trường, tuyệt đối không dạy trước chương trình. Cần lập các chủ đề hoạt động tập thể, tổ chức hội thi liên quan đến kiến thức và lồng ghép khéo léo chơi và học để bổ sung, củng cố kiến thức trong quá trình học online chưa nắm vững. Đưa ra và yêu cầu trẻ tìm hiểu trước các vấn đề ở nhà, đến trường trình bày, trao đổi với thầy cô, bạn bè. Tích cực tuyên truyền để phụ huynh hiểu về sự cần thiết để trẻ được giải trí, hoạt động trải nghiệm, vui mà học trong hè.

Khi nhà trường làm tốt việc định hướng cho trẻ chơi ở đâu, nội dung gì, lồng ghép vui chơi với học tập… sẽ giúp cho trẻ cân bằng sức khỏe, tinh thần. Từ đó, việc học tập khi bước vào năm học mới sẽ đạt hiệu quả cao. Nếu không có kế hoạch cho các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, học sinh tự do hoàn toàn trong 3 tháng hè sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị “nhốt” tại nhà, do bố mẹ vẫn phải đi làm không thể quản con, trẻ bị đẩy vào tình trạng sử dụng smartphone, vi tính quá mức.

Các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức, hoạt động cho trẻ trong hè không chỉ thuộc trách nhiệm của riêng nhà trường, mà cũng cần tham gia thông qua động viên khuyến khích trẻ dự các lớp trải nghiệm, vui học. Tuyệt đối không ép trẻ học kiến thức đơn thuần bởi như vậy trẻ sẽ vô tình trở lại thời gian có dịch bệnh, chỉ học tập tại nhà, tiếp xúc với máy tính điện thoại, không được tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. 

Thầy Đào Chí Mạnh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc): Nhà trường là “xương sống” trong hoạt động hè

Thầy Đào Chí Mạnh.
Thầy Đào Chí Mạnh.

Vừa làm quản lý giáo dục, thầy giáo giảng dạy trực tiếp, phụ huynh, tôi thấy rằng cũng không nên quá lo lắng về kiến thức, kỹ năng của học sinh tiểu học trong thời điểm dịch bệnh xảy ra. Bởi quá trình dạy học trực tuyến, các thầy cô vẫn thể hiện được sự chủ động, sáng tạo, theo chương trình hướng dẫn của Bộ. Mặt khác, học online cũng là một cách học, học sinh vẫn được tiếp nhận đầy đủ về kiến thức.

Do đó, khi nghỉ hè, bố mẹ nên tập trung vào phát triển phẩm chất năng lực của con thông qua học mà chơi. Hãy thiết kế những chương trình, kỳ nghỉ hè bổ ích, làm sao có thể tích hợp cả chơi và học là điều tuyệt vời nhất. Là một nhà quản lý, tôi không đồng tình với việc xâm phạm kỳ nghỉ hè của trẻ. Hãy để các con vừa chơi vừa học để phát triển năng lực thông qua các khóa học bơi, học đàn, bóng đá, rèn luyện thể chất, đọc sách hiệu quả…

Tuy nhiên, việc bồi dưỡng kỹ năng bằng những khóa học bên ngoài thì không phải gia đình nào (đặc biệt ở vùng nông thôn) cũng có điều kiện để con tham gia. Do đó, vai trò của nhà trường trong việc tổ chức các sân chơi mà học trong hè cho học sinh quan trọng và cần làm “xương sống” trong hoạt động hè tại địa phương.

Nếu không sử dụng không gian trường học để tổ chức những hoạt động hè cho học sinh vận động, trải nghiệm, sáng tạo, học kỹ năng thì rất lãng phí. Tuy nhiên khi tổ chức cần phải có sự điều tiết, hướng dẫn, kế hoạch… cụ thể. Làm sao để học sinh có được ngày hè vui nhưng vẫn nâng cao được năng lực, kỹ năng.

Học sinh được nghỉ hè 3 tháng mà trước đó nhiều nơi học trực tuyến thời gian dài. Do đó, nhà trường cần tổ chức các hoạt động lồng ghép vui chơi và học tập kỹ năng để học sinh được vận động, giải tỏa năng lượng, tăng cường vai trò hướng dẫn, định hướng gia đình, phụ huynh. Như vậy vừa không lãng phí nhân lực, vừa tận dụng được không gian trường học.

Tại Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Ban giám hiệu đang lên ý tưởng triển khai câu lạc bộ sách trong hè. Từ đó, hướng dẫn học sinh trở thành những thủ thư, tạo môi trường văn hóa đọc hiệu quả. Song hành cùng đó triển khai không gian hoạt động thể chất. Tất cả hoạt động hè cho học sinh sẽ không như giờ lên lớp, cô giảng trò nghe mà học sinh sẽ được hoạt động, trải nghiệm, giải tỏa năng lượng tích tụ suốt thời gian dài học trực tuyến… trong không gian trường học 100%.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức): Cần sự tham gia tích cực của xã hội

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Văn Cường.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Văn Cường.

Học sinh ở Đức có nhiều kỳ nghỉ hoặc ngày nghỉ lễ trong năm, bao gồm 4 kỳ nghỉ chính ứng với 4 mùa trong năm; trong đó kỳ nghỉ hè dài nhất - kéo dài khoảng 6 tuần. Ví dụ, các kỳ nghỉ chính của học sinh ở Berlin năm 2022 bao gồm: Nghỉ lễ Phục sinh 2 tuần (từ 11/4 đến 23/4); nghỉ hè 6 tuần (7/7 - 19/8); nghỉ thu 2 tuần (từ 24/10 đến 5/11); nghỉ Lễ Giáng sinh và năm mới 2 tuần (22/12/2022 đến 2/1/2023).

Nhìn chung, các hoạt động học tập cũng như trải nghiệm do nhà trường tổ chức đều được thực hiện trong thời gian học tập, không tổ chức các sinh hoạt trong thời gian nghỉ, bao gồm cả kỳ nghỉ hè. Thay vào đó, vào dịp các kỳ nghỉ có nhiều tổ chức dịch vụ thanh, thiếu niên tổ chức sự kiện, chương trình hoạt động cho học sinh, cũng như công ty du lịch tổ chức các tour du lịch dành cho gia đình theo lựa chọn cá nhân.

Ví dụ ở Berlin, chính quyền thành phố thông qua Sở Giáo dục hỗ trợ 6 tổ chức dịch vụ thanh, thiếu niên khác nhau để tổ chức chương trình, sự kiện, giúp các em có thể trải nghiệm một kỳ nghỉ đầy ý nghĩa, hấp dẫn, sáng tạo và đa dạng tại thành phố với nhiều chương trình miễn phí. Học sinh có thể lựa chọn tham gia sự kiện, chương trình sinh hoạt hè, như các chương trình nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, các khóa lập trình hay phương tiện truyền thông xã hội hoặc tham gia trại hè.

Nhờ sự tham gia tích cực của xã hội vào việc tổ chức hoạt động hè cho học sinh, nhà trường có thể dành thời gian cho giáo viên nghỉ ngơi cũng như tham gia hoạt động bồi dưỡng nâng cao trình độ. 

Cô Trần Thị Mai Hương (Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nam Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội): Không nên ép trẻ học thêm nhiều

Cô Trần Thị Mai Hương
Cô Trần Thị Mai Hương

Tôi có gặp một số trường hợp học sinh gần như không có mùa hè vì phải học quá nhiều: Học văn hóa, kỹ năng, năng khiếu... Theo chia sẻ, các em đều cảm thấy mệt mỏi và áp lực khi chỉ được nghỉ nửa tháng, sau đó là ngày nào cũng phải đến các lớp học thêm để củng cố, nâng cao kiến thức. Thậm chí, có em phải học trước chương trình cho năm học sau. Các em tâm sự, bố mẹ đều lấy lý do vì tương lai của con, nhưng bản thân các em cảm thấy không thoải mái và không muốn học quá nhiều như vậy. Các em muốn có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, được nghỉ ngơi và dành thời gian cho những sở thích cá nhân.

Ở góc độ là giáo viên, tôi cảm thấy việc ép trẻ đến nhiều lớp học thêm trong dịp hè là không nên, điều đó có thể gây tâm lý chán chường cho các em, vừa không hiệu quả cho học tập, vừa ảnh hưởng lâu dài về tâm lý. Trong năm học này, các em phải trải qua những lo lắng bởi dịch bệnh, phải học trực tuyến trong thời gian dài, tôi cho rằng, kỳ nghỉ hè năm nay, học sinh nên được quan tâm nhiều hơn đến tâm lý, tình cảm.

Cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế để các em thoát khỏi trạng thái ì ạch, bí bách sau một năm học online tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều. Có thể là đi du lịch, đi khám phá, hay đơn giản là về quê, thăm người thân, họ hàng, vui đùa cùng bạn bè hay giúp đỡ mọi người xung quanh, tham gia các hoạt động thiện nguyện... Ngoài ra, có thể trang bị thêm cho các em về kỹ năng sống, tham gia lớp học năng khiếu nếu phù hợp với nhu cầu và sở thích của các em.

Với Trường THCS Nam Từ Liêm, nhiều năm không tổ chức học hè để tránh tạo áp lực học tập cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường kết hợp một số đơn vị uy tín để tổ chức những hoạt động trải nghiệm cho học sinh có nhu cầu, giúp các em thêm cơ hội được hoạt động thực tế, tăng cường các kỹ năng sống. Ngoài ra, nhà trường mở cửa bể bơi trong dịp hè để các em có thể tập luyện tăng cường sức khỏe... Có thể nói, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện và cơ hội để các em thực sự có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú.

Là một người mẹ có con năm nay chuẩn bị vào lớp 1, tôi dự định hè này sẽ đồng hành cùng con để tạo tâm lý thoải mái trong việc làm quen với các hoạt động học bằng cách cùng con xem và trò chuyện về sách và những điều chờ đón con ở trường học. Ngoài ra, để hạn chế việc xem tivi quá nhiều, tôi hướng con đến các hoạt động vui chơi, cho con đi tham quan, trải nghiệm nhiều hơn... - Cô Trần Thị Mai Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.