|
Một lớp học bóng rổ tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. |
Với mong muốn trẻ em có một mùa hè bổ ích, Hội đồng Đội TP Hà Nội có nhiều chương trình thiết thực, như: Hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, hoặc dạy bơi miễn phí với chương trình phòng chống đuối nước... Đồng thời, chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn, Đội tập trung công tác bảo vệ trẻ em thông qua việc hướng dẫn kỹ năng phòng, chống quấy rối và xâm hại tình dục; tuyên truyền Luật Trẻ em; mỗi cơ sở cấp xã tổ chức ít nhất 1 “Trại hè kỹ năng” cho thiếu nhi; chương trình “Rèn luyện đội viên” qua mạng internet...
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, phong cách sống đẹp cho trẻ em, Hội đồng Đội thành phố chỉ đạo cơ sở Đội thực hiện "Chuyên hiệu rèn luyện đội viên và tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long”; Chương trình “Một triệu quyển vở ủng hộ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn”. Đặc biệt, chúng tôi chỉ đạo 100% quận, huyện, thị xã rà soát điểm vui chơi, sinh hoạt trên địa bàn các xã, phường, thị trấn để "thiết kế" hoạt động hè phù hợp, bổ ích cho các em.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Liên, Thạc sĩ tâm lý học, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội: Lập kế hoạch tổng thể cho cả kỳ nghỉ
Để con em mình có kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú, thiết thực, cha mẹ cần lập kế hoạch cụ thể, chia thời gian phù hợp trên tinh thần tổ chức cho con được nghỉ hè đúng nghĩa và đồng hành cùng con trong các hành trình.
Ngoài ra, các con lứa tuổi đang trưởng thành về sức khỏe và tâm sinh lý, nên hoạt động thể dục thể thao, cha mẹ cần “thỏa thuận” với con để chọn chương trình phù hợp như bơi lội, võ thuật, cầu lông, bóng bàn... Cha mẹ cũng nên chú ý cho con hoạt động rèn luyện ngay tại nhà thông qua công việc tự phục vụ, nấu ăn, dọn nhà cửa và chú ý giám sát khi con sử dụng thiết bị điện tử, giải trí, xem phim, tránh để trẻ “nghiện” game hoặc xem phim triền miên, ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần.
Chị Lê Thanh Huyền, Giám đốc Tâm Việt Hà Thành: Định hướng, không nên quyết định thay con
Với kinh nghiệm hơn chục năm trải nghiệm và trực tiếp “đứng” lớp ở nhiều hoạt động như đào tạo kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc đồng đội và sống tự lập, kỹ năng giải quyết vấn đề trong học tập và các tình huống đời thường... tôi có thể khẳng định, trẻ hiện nay rất thông minh, thích ứng nhanh, tiếp thu tốt nếu có giáo viên và chương trình phù hợp. Thực tế từ các khóa học cho thấy, kết quả tốt hay thành tích cao của trẻ thường “rơi” vào những em được cha mẹ ứng xử bình đẳng, tôn trọng, không áp đặt hoặc kỳ vọng thiếu cơ sở khoa học.
Tâm Việt Hà Thành hiện có nhiều chương trình hoạt động phong phú cho phụ huynh và các con lựa chọn. Tuy nhiên, chúng tôi không xếp cho đủ lớp, mà trên tinh thần hiệu quả của mỗi lớp học, chất lượng và kết quả cho từng học viên. Với cách giáo dục này, chúng tôi giúp cha mẹ “trút bỏ” gánh nặng tâm lý phải cho con học kỹ năng này hay bộ môn kia. Đối với một số trường hợp trẻ tâm lý đặc thù, ngại vận động, không ưa giao tiếp, chỉ thích ở nhà, ngoài việc trung tâm định hướng cho con chương trình hoạt động, cha mẹ nên gần gũi phân tích, động viên thuyết phục, thậm chí tham gia cùng khóa học, giúp con tự lập dần dần.
Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Học viện Clever KID - cùng trẻ vui chơi: Kiến tạo môi trường giúp trẻ hoàn thiện bản thân
Mặc dù các trung tâm đào tạo kỹ năng sống nhiều, chương trình học tập vui chơi phong phú, song tâm lý phụ huynh lại rất đắn đo, không biết chọn nơi nào tin tưởng để cho con tham gia trong kỳ nghỉ hè. Theo tôi, chúng ta nên lựa chọn dựa trên mấy yếu tố: Vị trí địa lý phù hợp, cơ sở có truyền thống, phương tiện giáo dục và cơ sở vật chất đầy đủ.
Đặc biệt, cha mẹ nên trực tiếp đến tận nơi gặp gỡ, tiếp xúc để nhận biết tâm đức của giáo viên trước khi quyết định gửi con em vào học. Còn đối với trẻ, lứa tuổi ba cùng: Cùng lúc phát triển thể lực, tâm sinh lý, nhân cách đạo đức, thì ngoài việc cho con học kiến thức, kỹ năng, rất cần trau dồi cho trẻ về đạo đức để hình thành nhân cách là vô cùng quan trọng.
Cha ông ta đã dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Thành nhân rồi sẽ thành công”, do đó, cha mẹ nên nghiên cứu lựa chọn cho con chương trình học gì, chơi gì phải phù hợp tính cách của con, qua đó giúp trẻ tự tin phát triển hoàn thiện bản thân; tránh “nặng” về học hành, rèn luyện khiến con bị áp lực tâm lý không muốn tham gia.