Không ồn ào, hối hả như các phiên chợ thường thấy, phiên chợ đồ xưa lặng lẽ hoạt động tại một không gian cổ kính nằm trong ngõ 456 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Nơi này từ lâu trở thành địa điểm được nhiều người ưa hoài niệm về những ngày xưa cũ ghé qua.
Những mảnh ghép lịch sử
Chợ đồ cũ Hoàng Hoa Thám hay còn gọi là Chợ đá quý, đồ cổ Hoàng Hoa Thám là một trong những địa điểm mua bán các mặt hàng đồ cổ, đồ cũ nổi tiếng tại Hà Nội. Nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám, với diện tích chỉ khoảng 400m², cùng hơn 30 chiếc bàn gỗ hoặc những tấm nhựa trải luôn trên nền sân gạch, khu chợ thu hút hàng nghìn lượt khách vào ngày cuối tuần.
Hàng nào cũng đầy ắp những đồ cũ, từ gốm sứ cổ, đồ đồng, đồ thờ, đồ gia dụng như nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa đến những chiếc quạt cổ có tuổi đời hàng trăm năm hoặc những chiếc đèn dầu vài chục tuổi.
Anh Kiều Quốc Khánh - nguyên Chủ nhiệm CLB Thư pháp Hà Nội, người sáng lập chợ phiên đồ xưa - cho biết, ban đầu đây là nơi nhóm họp của một nhóm người mê đồ cổ, sau phát triển thành chợ phiên. Chợ được tổ chức như một nơi giao lưu của những người đam mê đồ cổ, đồ cũ.
Nơi đây như một bức tranh thu nhỏ về Hà Nội trải dài qua nhiều thời kỳ, từ các thời đại phong kiến xa xưa đến những lúc khốn khó trong chiến tranh hay thời xây dựng đất nước. Tất cả Hà Nội đều có ở đây, một Hà Nội vừa quen thuộc nhưng cũng rất “lạ” so với nhịp sống hiện đại, náo nhiệt ngoài kia.
Anh Khánh chia sẻ, chợ đồ đá quý Hoàng Hoa Thám thường họp theo phiên vào các sáng thứ Bảy hàng tuần. Chợ thu hút nhiều khách hàng, người mua bán từ khắp nơi trên địa bàn Hà Nội.
Dần dần, nơi này trở thành địa chỉ được nhiều người ưa hoài niệm về những ngày xưa cũ ghé qua. Đến chợ đá quý Hoàng Hoa Thám vào đúng phiên họp thì sẽ vô cùng đông đúc, không khí lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập người mua kẻ bán suốt từ sáng đến trưa.
“Nơi đây như một sân chơi, một nơi lưu giữ những ký ức Hà Nội nên chúng tôi không thu vé vào cửa. Nhiều khách đến để thỏa chí tò mò, họ có thể tham quan, ngắm nghía, trao đổi mà không mua hàng thì cũng chẳng có vấn đề gì.
Với các chủ quầy hàng, họ cũng chỉ phải trả một khoản nho nhỏ tiền điện, nước, dọn dẹp vệ sinh. Ngoài các món đồ cổ, gốm sứ hay quần áo, chợ đồ cũ cũng bày bán cả những món đồ gia dụng, đồ cổ, thiết bị dùng trong gia đình thời xưa với mức giá hợp lý”, anh Khánh chia sẻ.
Sống lại “miền” ký ức thời gian khó
Có lẽ, những người từng sống qua năm tháng chiến tranh sẽ tìm thấy ở phiên chợ độc đáo này đủ những hiện vật gợi nhớ ký ức thời khó khăn ấy. Đó là những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, ấm chén, đồng hồ, thìa nhôm Liên Xô, bình hoa, đồ đựng trầu, xe đạp Mifa, quạt con cóc, đèn dầu… Hoặc là những lá thư, con tem, những đồng tiền xu, tờ tiền giấy trước những năm đổi mới.
Ở khu chợ này, ngoài những món đồ dân dụng còn có nhiều gian hàng bày bán các kỷ vật chiến tranh. Từ chiếc ba lô cũ sờn đáy, bình bi đông đựng nước, chiếc lược ngà được chủ cũ tỉ mỉ khắc từng chữ, mảnh bom bi... cũng có mặt ở đây.
Tuần nào cũng vậy, cứ khoảng 9 giờ sáng thứ Bảy là cựu chiến binh Bùi Văn Đoài (80 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) lại đến chợ. Ông tâm sự, không có nhu cầu mua sắm, thỉnh thoảng có món đồ gì độc đáo và đặc biệt yêu thích ông mới mua.
“Những người từng sống qua thời chiến như tôi khi được nhìn thấy, được cầm trên tay chiếc thắt lưng bộ đội, bình bi đông đựng nước, bộ quân phục… có lẽ đều cảm thấy rất bồi hồi, xúc động vô cùng khi nhớ về những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Các món đồ ở đây thường không có giá cả niêm yết mà chủ yếu người mua, người bán tự thương lượng với nhau. Giá trị của món đồ nằm ở mặt vật chất thì ít mà về tinh thần thì nhiều gấp bội lần”, ông Đoài giải thích.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn San (78 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ông tìm tới đây một phần để chọn lựa những món đồ hợp túi tiền, một phần để gặp gỡ đồng đội. Ông ngắm nghía rất lâu trước quầy hàng kỷ vật chiến tranh.
Thấy chúng tôi thắc mắc, ông say mê giải đáp về những mảnh bom còn sót lại trong thời kháng chiến của đất nước. Ông San cho rằng, chiến tranh đã đi qua nhưng những ký ức, kỷ niệm về nó sẽ không bao giờ bị quên lãng. Có những món đồ tưởng rằng “vô giá trị” thực chất lại chứa đựng cả một bầu trời ký ức.
“Tôi làm lái xe trong quân đội, trong quá trình vận chuyển lương thực đã từng bị tai nạn, một mảnh kính vỡ đã ghim vào đầu của tôi. May mắn giữ được tính mạng song vết thương vẫn để lại di chứng cho tôi đến tận bây giờ.
Kỳ thực, những năm tháng ấy vẫn còn đọng lại và in sâu trong lòng nhiều người dân sống ở thời đó. Vì vậy, nhìn thấy những kỷ vật này như một lời nhắc về một thời khói lửa của dân tộc, qua đó giáo dục thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, truyền thống”, ông San xúc động chia sẻ.
Ông Ngô Thế Cường, một chủ cửa hàng cho hay, nhiều món đồ được bày bán ở đây tuy trông có vẻ cũ kỹ nhưng lại có giá trị rất cao, từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng khi đã thích, cảm thấy độc đáo và có giá trị về nhiều mặt, họ sẵn sàng chi ra một số tiền không nhỏ để sở hữu.
Theo ông Cường, không phải ai cũng biết về giá trị của những món đồ cũ kỹ này. Có những món đồ thoạt nhìn thấy rỉ sét, tồn tại đã lâu đời ở các làng xã, thực tế lại rất có giá trị. Người sở hữu có thể đem bán chúng với mức giá không hề rẻ.
“Có ngày tôi bán được vài món đồ, cũng có khi cả ngày đi chợ không có món đồ nào được giao dịch. Thế nhưng chẳng sao cả, tôi vẫn mở hàng đều đặn mỗi tuần. Mười người vào xem có khi chỉ hai, ba người mua. Nhiều người đến đây để tìm lại kỷ niệm gắn bó với họ thông qua một món đồ nào đó.
Thấu hiểu điều đó nên ở đây chúng tôi có “luật bất thành văn” là luôn để khách tự do ngắm nghía, xem hàng, hỏi han về nguồn gốc, giá trị, thậm chí còn kể cho họ nghe những câu chuyện xung quanh món đồ dù biết rằng họ có thể không mua”, ông Cường cho biết.
Lan tỏa văn hóa tới lớp trẻ
Bên cạnh việc trao đổi, buôn bán, những chủ hàng ở đây cho biết, mỗi phiên chợ đều có những buổi đấu giá làm từ thiện. Sản phẩm đấu giá là những món đồ xưa được các chủ quầy hàng trao tặng, trong đó có nhiều kỷ vật chiến tranh. Toàn bộ số tiền thu về được dành giúp trẻ em kém may mắn, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ người lớn tuổi, người yêu đồ cổ mà giới trẻ cũng đến với các gian hàng ở chợ Hoàng Hoa Thám rất đông. Ngoài mục đích mua đồ, nhiều bạn trẻ cũng tò mò nhìn ngắm, tìm hiểu những món đồ có tuổi thọ gấp nhiều lần tuổi đời của mình có gì độc đáo?
Anh Nguyễn Việt Trung (26 tuổi, quê Hải Dương) chia sẻ: “Tôi biết đến khu chợ này qua một kênh YouTube. Ngoài những món đồ thời chiến, phiên chợ này còn nhiều loại đồ cổ khác nhau, từ đồng hồ, bật lửa Zippo, bàn ủi than, tiền cổ, sách báo xưa, đồ nữ trang hay đèn măng xông… Với những người trẻ, đây là những món đồ thật sự mới lạ và vô cùng độc đáo”.
Anh Nguyễn Việt Trung cho hay: “Tôi săn lùng những món đồ cổ từ mấy năm nay, vì tôi dự định mở một quán cà phê mà từ bàn ghế đến ly tách đều có từ những thập niên 40 - 60 thế kỷ trước. Bây giờ người trẻ có xu hướng hoài cổ nhiều lắm, mình thấy quán cà phê nào có phong cách cổ kính, mang hơi hướng xưa cũ đều rất thu hút khách”.
Anh Trung chọn mua một số đồng xu cổ đã ngả màu vàng ố, những bát sành sứ cổ có niên đại vài chục năm đến trăm năm để trưng bày. Ngoài ra, anh còn bày tỏ sự thích thú với những đồ vật mang ý nghĩa phong thủy như chú rùa phong thủy bằng đá. Bởi trong phong thủy, rùa mang ý nghĩa về thời cơ, tài lộc, sức khỏe. Rùa được biết đến là một trong tứ linh thần thú trấn giữ bốn phương, là loài vật linh thiêng đem lại điềm lành, tài lộc cho gia chủ.
Anh Việt Trung cho rằng, những món đồ phong thủy hoặc đồ cổ có giá khá cao, song các bạn trẻ vẫn có thể tìm mua những món đồ phù hợp với túi tiền như những vật chặn giấy, những chú cua bằng bạc, lắc bạc… với giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
“Đến đây, tôi tìm tòi và khám phá được rất nhiều món đồ thú vị. Bên cạnh đó, tôi được nghe lớp người đi trước kể về những chiến tích hào hùng mà trong sách vở tôi chưa từng được biết tới. Tôi thật sự cảm phục và tự hào về bề dày lịch sử của nước nhà. Tuy không được trực tiếp sống trong ngày đất nước gian khổ khốn khó, thế nhưng qua những câu chuyện của những người đi trước, tôi cũng phần nào hình dung được thời kỳ anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Tôi từng được trải nghiệm nhiều phiên chợ tương tự ở các nước, du khách đều rất thích. Vì thế, với ý tưởng này, tôi hy vọng phiên chợ sẽ là góc sống lại ký ức, tình cảm của người dân, du khách; vừa là không gian giao lưu văn hóa, tìm hiểu về một vùng đất”, anh Việt Trung cho biết.