Vậy là bão Noru đã khép lại cuộc “hành trình vạn dặm” của mình khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung giữa khuya 27 rạng sáng ngày 28/9 với sức gió không mạnh như dự báo trước đó.
Người dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã thở phào nhẹ nhõm khi cơn bão đi qua mà không để lại quá nhiều di chứng như cảnh báo. Có người đã nói “có gì đâu mà “la” dữ quá, mất công chạy bão!”.
Đúng là “không có gì ghê gớm” sau khi cơn bão đi qua nhưng câu nói nặng tính chủ quan ấy không nên thốt ra lúc này khi biết rằng, cả guồng máy chính quyền các địa phương và hàng triệu người dân trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão đã phải gồng mình lên như thế nào suốt mấy ngày qua.
“Công sức” đó không hề lãng phí một chút nào mà đó là điều hết sức cần thiết khi phải chuẩn bị đối mặt với thiên tai, nhất là phải đối mặt với một cơn bão mà tất cả các trung tâm dự báo bão uy tín trên thế giới đều khẳng định “đây sẽ là siêu bão”, sẽ là “cơn bão lịch sử trong vòng 20 năm qua đổ bộ vào miền Trung”.
Mọi người đều biết, bão Noru khởi phát từ phía Đông Philippines rồi nhanh chóng tăng tốc với sức gió có lúc lên đến 205 km/h. Khi đổ bộ vào nước này, cường độ đã giảm nhưng sự tàn phá của cơn bão thì rất ghê gớm.
Khi vào Biển Đông, sức gió có giảm nhưng lập tức, nhiệt độ vùng biển này đã tạo điều kiện để bão Noru thu nạp năng lượng và tăng tốc trở lại với sức gió cấp 17 - đây là cấp báo động đỏ trong thang cảnh báo nguy hiểm của ngành khí tượng.
Một cơn bão mạnh, vừa tràn qua Philippines với sự tàn phá khủng khiếp, đang trực chỉ vào miền Trung nước ta, lại không chịu tác động bất cứ một ngoại cảnh nào để có thể giảm cường độ thì việc cảnh báo nguy hiểm ở mức cao nhất là điều cần thiết.
Hơn nữa, đây là “dự báo” nên sai số là chuyện bình thường. Cần chia sẻ về độ chính xác của các loại hình dự báo thiên tai một khi cả 5 trung tâm dự báo bão uy tín trên thế giới đều đồng loạt cho rằng bão vào miền Trung từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế với sức gió “không thay đổi”, tức cấp 14 - 15, giật cấp 17!
Độ chính xác của các dự báo chưa cao, điều này khác với dự báo sai. Từ nhiều chục năm trước, người dân đã phải trả giá đắt như thế nào khi bên khí tượng dự báo sai.
Ví dụ như bão Chanchu năm 2006 với sức gió 160 km/h, dù không đổ bộ vào nước ta nhưng đã gây một thảm cảnh kinh hoàng khi hàng trăm ngư phủ phải bỏ mạng giữa biển khơi.
Thay vì báo bão sẽ rẽ hướng Hồng Kông - Trung Quốc thì nhà đài khí tượng lại báo bão vào miền Trung khiến ngư dân né bão cho tàu chạy về phía Hồng Kông, như thể chạy trước mặt cơn bão! Hay như dự báo bão số 9 năm 2009, khi bão đã lên tận Kon Tum thành áp thấp rồi, nhà đài vẫn báo bão sắp đổ bộ vào Quảng Ngãi khiến người dân không biết tin vào đâu.
Ngày nay, với các phương tiện hiện đại, người ta có thể dự báo một cơn bão trước đó vài ba ngày, ở xa hàng nghìn km. Tuy nhiên, đã nói là “dự báo” thì không nên lấy sự chính xác tuyệt đối ra làm thước đo để trách cứ.
Việc dự báo của bão Noru có độ vênh nhất định, song rất cần thiết. Hàng trăm nghìn người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đã tránh trú an toàn mà nếu chủ quan ở lại trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc trên các đìa hồ tôm thì hậu quả không biết sẽ như thế nào. Đã có 2.500 ngôi nhà bị đổ hoặc tốc mái trong cơn bão Noru chứ không phải ít!
Ông bà nói rồi, “cẩn tắc vô ưu” - cẩn thận thì sau không phải lo lắng gì. Chớ có chủ quan để phải trả giá!