Chấm dứt kiểu dự báo thiên tai rối “bòng bong” như vừa qua

GD&TĐ - Sáng 5/11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương PCTT đã họp để nghe báo cáo nhanh về công tác trực ban phòng, chống thiên tai ngày 4/11 và những thiệt hại do bão số 12 gây ra tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Chấm dứt kiểu dự báo thiên tai rối “bòng bong” như vừa qua

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Quang Tuynh, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ) đánh giá đây là cơn bão gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng và cần phải làm rõ những nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến xảy ra thiệt hại trên và để rút bài học ứng phó lần sau.

Đặc biệt, người đại diện Văn phòng Chính phủ cũng nhắc nhở Ban chỉ đạo TƯ PCTT cần rút kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và số liệu báo cáo về tình hình bão, mưa lũ khi trình lên Chính phủ.

Cụ thể, các thông tin khi cung cấp thông tin cho báo chí và số liệu báo cáo trình lên Chính phủ phải chính xác, cụ thể, kịp thời và khoa học, không để xảy ra tình trạng “rối bòng bong” như thời gian qua.

“Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo chung về đối phó với bão và ứng phó với lũ, nên cần thông tin đúng, đủ, cập nhật và dễ hiểu nhất. Nhiều lúc chúng ta cứ nghe những thông tin không chính xác. Ngay như hôm trước tôi đến họp Ban chỉ đạo thì các anh có gửi báo cáo, trong đó ghi là “lũ đặc biệt lớn”, thì tôi chỉ ghi lại trong báo cáo lên là lũ lớn. Vì giữa “lũ đặc biệt lớn” và “lũ lớn” là khác nhau hoàn toàn. Vì nó còn liên quan đến giải pháp ứng phó nữa”, ông Tuynh nói.

Ông Tuynh nhắc nhở: “Thông tin từ Trung tâm KTTVTƯ dự báo gửi lên Chính phủ nên chú ý là cụ thể hơn. Khi cung cấp thông tin trong các báo cáo gửi lên lãnh đạo cấp cao để điều hành thì nên đưa số liệu rõ ràng, cụ thể.

Khi gửi báo cáo về tình hình mưa lũ lên trên thì các anh cũng cần phải cung cấp thông tin và có sự so sánh với trận lũ gần nhất. Ví dụ như vừa qua là mưa lũ ở Bình Định chẳng hạn, thì các anh phải so sánh với mực nước tại các sông so với lũ năm 2016 là như thế nào, chứ không cứ nói chung chung được.

Vì lãnh đạo thì rất quan tâm đến chuyện so với năm ngoái thì lũ có ngập nhiều hay không, ngập như thế nào để từ đó có chỉ đạo đối phó sao cho phù hợp và chính xác nhất. Chứ cho nhiều các số liệu chuyên môn vào như mớ bòng bong thì quả thực chúng tôi cũng rất khó làm”.

Theo ông Tuynh, ngày mai là khai mạc Tuần lễ cấp cao APEC, nên thông tin dự báo về mưa lũ tại miền Trung cần phải được theo dõi sát sao hơn.

Ông Tuynh nhận xét: “Tuần sau là khai mạc Tuần lễ cấp cao APEC rồi nên dư luận quan tâm rất nhiều đến tình hình mưa ở một số tỉnh miền Trung, cần theo sát tin tức trời mưa. Sáng nay chúng ta thông tin nhưng mà thông tin các hồ chứa từ tối qua, chứ bây giờ thì tình hình khác rất nhiều rồi, vì thế số liệu báo cáo cập nhật cũng phải khác.

Đối với khu vực miền Trung, chỉ cần 2 – 3 tiếng sau thì đã khác hoàn toàn so với trước. Cũng như trường hợp năm 1999, Thừa Thiên – Huế tối hôm trước thì khô ráo, nhưng sáng hôm sau, chỉ qua một đêm mưa thì đã ngập tơi bời hết cả.

Nên công tác theo dõi hồ chứa cần phải cập nhật thông tin thường xuyên. Chứ hiện nay nhiều khi chúng ta cứ cập nhật thông tin theo kiểu mô típ “cập nhật vào lúc 18h hôm qua...” rồi báo cáo lên thì không chính xác vì khi đó có khi ngập rất nhiều, hoặc nước lại rút hết rồi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.