Chính sách nhân văn

GD&TĐ - Dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn. Nghe thông tin học phí đại học tăng mạnh từ năm học tới, không ít gia đình có điều kiện tài chính eo hẹp khá nóng lòng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Và câu chuyện nhiều trường nỗ lực tìm gói tín dụng không lãi suất cho sinh viên vay học tập, đã trở thành luồng gió mát…

Mới đây, Quỹ Phát triển ĐHQG TPHCM phối hợp với Ngân hàng BIDV triển khai chương trình cho sinh viên vay ưu đãi lãi suất 0% học kỳ I năm học 2021 - 2022. Theo đó, sinh viên được vay số tiền tối đa bằng với học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/học kỳ. Nguồn quỹ cho sinh viên vay vốn  được ĐHQG TPHCM xây dựng từ các nguồn lực đóng góp của xã hội (tổ chức, cá nhân...).

Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng cũng hỗ trợ kịp thời cho tân sinh viên 5 trường đại học thành viên thông qua chương trình “Nhập học 0 đồng, hỗ trợ sinh viên vượt qua Covid-19”. Sinh viên được trả góp 12 tháng lãi suất 0% (qua thẻ ngân hàng) để đóng học phí cho năm học 2021 - 2022. Phụ huynh không cần có tài sản thế chấp, không cần chứng minh thu nhập. Hạn mức vay lãi suất 0% cho gói học phí lên đến 500 triệu đồng.

Trường Đại học Văn Hiến có Quỹ Trái tim Hùng Hậu bảo trợ cho người học trong suốt 4 năm. Quỹ sẵn sàng hỗ trợ cho vay học phí lãi suất 0% cho sinh viên có kết quả học tập trung bình khá trở lên. Trước đó, Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trường Đại học Văn Lang… cũng đã làm việc với một số ngân hàng thương mại về chương trình cho sinh viên vay vốn. Theo đó, sinh viên, phụ huynh sẽ đóng học phí dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng hoặc vay thế chấp, ngân hàng hỗ trợ thủ tục thực hiện tại địa phương với lãi suất ưu đãi từ 0% - 50% lãi suất thông thường...

Tự chủ đại học, tăng học phí là xu thế không thể khác. Bởi tạo ra các cơ hội giáo dục chất lượng cao đòi hỏi nhiều nguồn lực đáng kể. Trong xu hướng chung đó, việc người học có trách nhiệm trả một phần kinh phí cho giáo dục, tăng thêm ý thức, trách nhiệm trong quá trình học tập qua việc sử dụng tín dụng sinh viên, là cần thiết. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, cùng với việc đẩy mạnh tự chủ đại học, các chương trình tín dụng sinh viên đặc biệt phát triển.

Theo báo cáo của Viện Tiếp cận đại học và thành công (TICAS) của Mỹ, cứ 3 sinh viên tốt nghiệp thì có 2 người phải vay nợ đi học. Khoản vay nợ đại học ở Mỹ được dự đoán sẽ tăng lên 2.000 tỉ đô la vào năm 2022, trên cả khoản vay từ thẻ tín dụng. Tuy vậy, vấn đề bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người nghèo, bảo vệ người nghèo trong quá trình đầu tư giáo dục sau trung học vẫn là vấn đề được quan tâm.

Để giáo dục đại học Việt Nam hướng đến tự chủ mà vẫn bảo đảm được quyền tiếp cận học tập của người yếu thế, mở rộng tín dụng sinh viên là giải pháp được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Tuy nhiên, mức vay tín dụng sinh viên hiện chưa theo kịp mức tăng học phí. Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP), mức vay 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập. Tới đây, Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 thay thế Nghị định 86, ghi nhận mức học phí từ năm học 2022 - 2023 còn tăng cao nữa.

Vì thế, song song với chương trình tín dụng sinh viên và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc trường đại học chủ động tìm kiếm nguồn để hỗ trợ sinh viên như chương trình tín dụng không lãi suất nói trên là việc làm hết sức cần thiết, nhân văn. Không chỉ hỗ trợ kịp thời cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn, chính sách cho vay không lãi suất cũng có thể xem là một điểm cộng đặc biệt thu hút sinh viên trong bối cảnh cạnh tranh đại học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế của các trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ