(GD&TĐ)- Nhiều chính sách mới như: Hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người; trợ cấp đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở; một số trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng; mức thu phí công chứng mới...sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2012.
Hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người
Trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người sẽ được hỗ trợ học tập (ảnh Internet) |
Theo Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTB&XH hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người, trẻ em 3 - 5 tuổi, học sinh, sinh viên 9 dân tộc rất ít người Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao có gia đình cư trú tại 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum đang học tập trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề công lập ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam sẽ được hỗ trợ từ 30% - 100% mức lương tối thiểu chung/người/tháng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/3/2012. Thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ về học tập cho các đối tượng quy định tại Thông tư này được tính từ ngày 1/9/2011 đến 31/12/2015.
Trợ cấp đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế
Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có 5 đối tượng được áp dụng chế độ trợ cấp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2012.
Bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đất dành cho đường sắt
Theo Nghị định 03/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt, công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt khi nâng cấp, cải tạo từ đường sắt đang khai thác hoặc xây dựng mới từ sau ngày Luật Đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2006 được quy định như sau:
- Trường hợp đủ kinh phí thì tiến hành ngay công tác bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt và pháp luật về đất đai.
- Trường hợp chưa đủ kinh phí để thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt thì thực hiện theo 3 bước:
Bước 1: Tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt.
Bước 2: Tiến hành bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt nhưng nằm ngoài phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
Bước 3: Tiến hành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của Luật đường sắt.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/3/2012.
Miễn một số thuế xuất khẩu vật liệu xây dựng vào khu phi thuế quan
Theo quy định tại Thông tư 11/2012/TT-BTC, kể từ ngày 20/3/2012, hàng hoá là vật liệu xây dựng đưa từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan để xây dựng, sửa chữa và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung trong khu phi thuế quan được miễn thuế xuất khẩu.
Để được miễn thuế, doanh nghiệp cần phải làm hồ sơ, thủ tục đăng ký danh mục hàng hóa xuất khẩu miễn thuế và thực hiện hồ sơ hải quan, thủ tục miễn thuế.
Mức thu phí công chứng mới
Từ ngày 15/3/2012, mức thu phí công chứng sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 08/2012/TTLT-BTC-BTP do Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành, thay thế Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17/10/2008.
Thông tư 08 quy định 7 mức thu thay vì quy định theo 4 mức (dưới 100 triệu; từ 100 triệu - 1 tỷ; từ trên 1 tỷ - 5 tỷ và trên 5 tỷ) như tại Thông tư 91/2008/TTLT-BTC-BTP trước đây.
Hỗ trợ kinh phí cho UBND cấp xã tổ chức bảo vệ rừng tại cơ sở
Theo Quyết định 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho ngân sách xã để bảo đảm chi thường xuyên cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể, đối với diện tích rừng do UBND cấp xã trực tiếp quản lý sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm để tổ chức quản lý bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, chi bồi dưỡng cho những người tham gia chữa cháy rừng với mức chi bằng ngày công lao động nghề rừng cao nhất ở địa phương. Chi hỗ trợ cho người tham gia bảo vệ rừng, chữa cháy rừng bị tai nạn về thanh toán tiền khám, chữa bệnh theo chế độ hiện hành, hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người trong thời gian điều trị tại bệnh viện; được xét công nhận chế độ như thương binh; trường hợp bị chết được hỗ trợ tiền mai táng phí, được xét công nhận chế độ như liệt sỹ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Những xã có rừng và có nguồn thu theo quy định được lập quỹ bảo vệ rừng cấp xã. Việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/1/2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Một số trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng
Theo Nghị định 121/2011/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 123/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, kể từ ngày 1/3/2012, bổ sung quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng gồm:
Thứ nhất, hàng hóa, dịch vụ do đối tượng nộp thuế tại Việt Nam cung cấp ở ngoài Việt Nam, trừ hoạt động vận tải quốc tế mà chặng vận chuyển quốc tế có điểm đi và đến ở nước ngoài.Trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở nước ngoài nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa 2 doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì dịch vụ này phải chịu thuế giá trị gia tăng đối với phần giá trị hợp đồng thực hiện tại Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa nhập khẩu.
Thứ hai, các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Thứ ba, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam như: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.
Thứ tư, tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng thì không phải kê khai, tính thuế giá trị gia tăng khi bán tài sản, kể cả trường hợp bán tài sản đang sử dụng để đảm bảo tiền vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Ngoài 12 đối tượng không chịu thuế đã được quy định tại Nghị định 123/2008/NĐ-CP, Nghị định 121/2011/NĐ-CP còn bổ sung đối tượng không chịu thuế gồm: Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư; duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ.
Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực giấy tờ, văn bản song ngữ
Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ.
Theo Nghị định mới, ngoài chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phòng Tư pháp cấp huyện còn có thêm thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản song ngữ.
Bên cạnh đó, phòng Tư pháp cấp huyện cũng có thẩm quyền chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản song ngữ.
Ngoài ra Nghị định 04/2012/NĐ-CP còn bổ sung quy định: Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.
Các quy định mới trên có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2012.
Nguyễn Sơn Minh Hằng