Chính phủ ghi nhận những kết quả của ngành Giáo dục

GD&TĐ - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 10, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

6/6 thí sinh Việt Nam tham dự đạt giải Cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022.
6/6 thí sinh Việt Nam tham dự đạt giải Cuộc thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022.

Cụ thể, ngành Giáo dục đã tổ chức thành công chuỗi hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao giáo dục ASEAN với vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 – 2023. Tích cực triển khai kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Cùng với đó, tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập. Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến, tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Chính phủ đã có Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023. Theo báo cáo này, ngành Giáo dục đã kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và khai giảng năm học mới 2022 – 2023. Nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế và có 6 trường đại học trong bảng xếp hạng đại học thế giới.

Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có 38 học sinh tham dự các cuộc thi Olympic khu vực, quốc tế và tất cả đều được nhận huy chương, bằng khen (13 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 8 huy chương đồng và 5 bằng khen).

Trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông. Thực hiện tự chủ đại học thực chất, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, có lộ trình từng bước phát triển các trường đại học mang tầm khu vực, quốc tế.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ; lựa chọn đầu tư có trọng điểm một số lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để từng bước tiếp cận trình độ khu vực, quốc tế.

Chú trọng phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp quốc gia. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo THE WUR 2023- xếp hạng đại học thế giới 2023, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong nhóm 401 - 500; Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1001 - 1200; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế và Đại học Quốc gia TPHCM trong nhóm từ 1501 trở lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ