Chuẩn bị cơ sở vật chất thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT có một số điều, khoản, điểm chưa phù hợp với các tỉnh miền núi như:

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra cơ sở vật chất triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: ITN
Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra cơ sở vật chất triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: ITN

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 quy định đối với cấp học mầm non phải có hiên chơi phía sau, có phòng giáo viên bố trí liền kề với khu sinh hoạt chung và ngủ của trẻ em;

Tại Điểm a, Khoản 4, Điều 11 quy định phải có phòng nghỉ giáo viên, đảm bảo 10 lớp có 1 phòng;

Khoản 2, Điều 12 quy định phải có phòng làm việc của giáo viên; phòng đa chức năng và nhà đa năng. Thực tế vùng cao địa hình đồi núi dốc nên việc sắp xếp bố trí các phòng theo thông tư là không thực hiện được. Đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu sửa lại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 và Điểm a, Khoản 4, Điều 11 cho phù hợp thực tế với các tỉnh miền núi.

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất trường học xuất hiện một số yêu cầu mới. Việc ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2021 của Bộ GD&ĐT Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học để các cấp chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất hiện có, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư đáp ứng yêu cầu tối thiểu, từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hóa đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục tại địa phương thực hiện tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 tại Thông tư là tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2. Đây là mức độ tiêu chuẩn cao hơn so với tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục, là định hướng để kiểm định chất lượng giáo dục mức độ cao và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tương tự như vậy đối với các quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 8 và Khoản 2, Điều l2.

Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương tăng cường cơ sở vật chất trường học; trước hết, theo tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, định hướng đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia theo nhu cầu của địa phương. Cần thực hiện một số nội dung: Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; lập quy hoạch xây dựng trường, đảm bảo quỹ đất cho trường học; dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.