Cuộc xung đột giữa Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga đã giết chết hơn 5.000 người trong thời gian qua. Quân đội Ukraine ngày 7-2 nói lực lượng ly khai thân Nga đã tăng cường pháo kích vào quân đội và có dấu hiệu đang chuẩn bị binh sĩ, vũ khí cho chiến dịch mới tấn công vào thị trấn Debaltseve và thành phố ven biển chiến lược quan trọng Mariupol. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo phương Tây và châu Âu.
Bà Merkel (giữa), Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc họp tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51. Ảnh: Reuters
Mới đây, bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vội vàng tới Moscow để cố gắng thuyết phục ông Putin đi tới thỏa thuận hòa bình. Tuy không đạt được thỏa thuận cụ thể nào để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine nhưng cuộc gặp mặt này cũng có được cam kết duy trì các cuộc đàm phán và cùng soạn thảo một văn kiện chung về việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được hồi tháng 9-2014.
Thủ tướng Đức thừa nhận trong cuộc họp tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 51 (kéo dài từ 6 đến 8-2) rằng cuộc gặp không chắc sẽ giúp kế hoạch hòa bình Pháp – Đức thảo luận với Kiev và Moscow trong tuần này sẽ thành công. Tuy nhiên, bà Merkel bác bỏ ý tưởng – được cho là của Tổng thống Mỹ Obama – là gửi vũ khí, binh sĩ cho Kiev. Bởi đây không phải cách giải quyết xung đột.
“Tôi tin rằng vũ khí không phải giải pháp Ukraine cần” – Bà Merkel nói. Lãnh đạo nước Đức, người nỗ lực hướng phương Tây đến giải pháp giải quyết khủng hoảng Ukraine thông qua đàm phán, sẽ đến Washington ngày 8-2 để thảo luận với ông Obama về vấn đề này.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham và John McCain chỉ trích mạnh mẽ lập trường của Đức – đang được hỗ trợ bởi các nước châu Âu lớn khác như Pháp. “Ukraine đang bị “tiêu diệt”, chúng tôi gửi chăn ấm và thực phẩm cho họ nhưng chăn ấm không thể chống lại xe tăng của Nga” - Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói.
Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói ở Munich, cố giảm quan điểm đối lập so với châu Âu rằng ông cùng Tổng thống Obama đồng ý làm mọi nỗ lực cần thiết để giải quyết cuộc xung đột Ukraine một cách hòa bình. Nhưng ông cũng nói rõ rằng Washington sẵn sàng cung cấp cho Ukraine phương tiện để tự bảo vệ mình bởi "Tổng thống Putin nhiều lần hứa mang đến hòa bình và giao xe tăng, binh lính và vũ khí" nhưng không thực hiện.
Tuy lập trường không nhất quán nhưng một quan chức ngoại giao cao cấp có mặt tại Munich phủ nhận sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Washington và châu Âu.