Chiều sâu triết lý trong thơ xuân

Chiều sâu triết lý trong thơ xuân

Thời gian như là gió, hè qua, thu hết, đông tàn, xuân yêu thương đang gõ cửa muôn nơi. Có lẽ xuân bao đời vẫn rạo rực đắm say, thổn thức lòng người. Xuân của đất trời tươi đẹp đã khơi nguồn cảm hứng cho những trang thơ độc đáo, hàm ẩn bề sâu triết lý nhân sinh.

Lạc quan giữa cõi nhân sinh trong “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác

Mãn Giác Thiền sư (1052 - 1096), sống vào thời Lý, nổi tiếng là người ham học, am hiểu cả Nho giáo và Phật giáo nên được vua Lý sủng ái. Ông là một vị Thiền sư nổi tiếng có rất đông học trò.

“Cáo tật thị chúng” (Cáo bệnh bảo mọi người) thực chất là một bài Kệ, một thể loại văn học Phật giáo, thường là thơ, tóm tắt tư tưởng của bài thuyết pháp để dạy đệ tử. Có thể coi đây là một bài thơ xuân xuất hiện sớm của văn học viết. Bài thơ gồm sáu câu hàm ẩn triết lý vô cùng sâu sắc:

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tòng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Xuân qua, trăm hoa rụng,

Xuân tới, trăm hoa tươi.

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai)

Bố cục bài thơ được ngắt làm đôi. Bốn câu đầu thể hiện quy luật vĩnh hằng của tự nhiên và con người. Xuân đi xuân đến, hoa rụng rồi nở. Tự nhiên muôn đời là vậy không thể nào thay đổi. Dường như nhà thơ mượn hình ảnh hoa rụng, hoa nở để nói về cái vòng bánh xe luân hồi không ngừng chuyển động của sự sống. Cái khéo ở đây là người viết nhìn thấy được ở sự vật quy luật sinh trưởng. Cái rụng nhường chỗ cái nở. Cái chết nhường phần sự sống. Vậy nên nếu đảo vị trí câu hai lên trước câu một, tứ thơ sẽ khác. Tự nhiên vận động, đời người cũng đổi thay cùng năm tháng.

Hai câu sau nói rõ hơn cái quy luật của đời người. Thời gian trôi nhanh đến chóng mặt, mọi việc rong ruổi qua đi trước mắt. Tuổi trẻ đi qua, tuổi già ập đến, chả mấy chốc mái đầu ngả bạc. Đúng là dòng đời tựa như con nước, vèo qua trước mắt mà đâu hay. Có điều, thiên nhiên tuần hoàn, còn đời người một đi không trở lại. Hoa rụng rồi nở, còn người đời già đâu lại được trẻ trung.

Cái kết của bài thơ bất ngờ mà độc đáo vang lên một triết lý sống cao đẹp: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”. Thì ra sau cái hết vẫn là cái còn. Có một hiện tượng ngược quy luật khiến ta phải ngỡ ngàng. Hình ảnh “một cành mai” nở trước sân như một minh chứng bất tử của cái đẹp và sự sống. Thấp thoáng sau hình ảnh thơ là cái nhìn lạc quan, khỏe khoắn yêu đời. Điều đó càng quý hơn khi đây là cái nhìn của một người bệnh tật, đau yếu.

Có lẽ cái tuyệt nhất của bài kệ chính là một tâm hồn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Nghệ sĩ vốn là người không tuổi, thân xác của họ đã về cõi vô thường nhưng tác phẩm nghệ thuật của họ lưu lại mãi cùng tháng năm. Quy luật ấy đúng với vị Thiền sư Mãn Giác ngày nào cùng bài “Cáo tật thị chúng” thâm trầm sâu sắc mà ý nghĩa vô cùng.

Nhà thơ Thanh Hải
 Nhà thơ Thanh Hải

Triết lý “Vội vàng” trong tứ thơ Xuân Diệu

“Đi đâu mà vội mà vàng”, dân gian xưa nhắn nhủ như vậy bởi “Dục tốc bất đạt”. Thong thả rồi đâu vào đấy hết. Nhà thơ Xuân Diệu lại gửi gắm một thông điệp “mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm” có phần khác với lẽ sống ngàn xưa. Với bài thơ “Vội vàng”, nhà thơ của tình yêu, mùa xuân và tuổi trẻ khẳng định một triết lý: Sống mãnh liệt, sống hết mình, quý trọng từng giây từng phút của cuộc đời nhất là những tháng năm tuổi trẻ.

Cố nhiên, vội vàng không đồng nghĩa với sống ẩu, sống vội chỉ biết hôm nay mà không biết ngày mai. Điệp khúc sôi nổi, say mê nhất của lẽ sống ấy chắc hẳn được bộc lộ mãnh liệt nhất trong mấy câu cuối thi phẩm:

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Điệp từ “ta muốn” được lặp lại tới 5 lần trong toàn bộ đoạn thơ truyền tải những ước ao cháy bỏng của một tâm hồn yêu đời tha thiết, say mê. Tâm hồn ấy như muốn chiếm lĩnh, thụ hưởng mọi vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời mùa xuân: Sự sống mơn mởn, mây đưa gió lượn, cánh bướm tình yêu, non nước, cỏ cây, hương thơm ánh sáng... Đọc đoạn thơ chắc hẳn có người trộm nghĩ chàng trai trẻ Xuân Diệu sao mà tham lam đến vậy. Chàng trai ấy như muốn tận hưởng, chiếm lĩnh mọi sắc hương vẻ đẹp của đất trời cho “chuếnh choáng”, “no nê”, “đã đầy”.

Ước muốn càng ngày càng mãnh liệt, táo bạo và ghê gớm: Ôm, riết, say, cắn. Một chuỗi động từ mạnh được sử dụng đắc địa càng về sau tần suất càng mạnh. Âm điệu nhịp điệu đoạn thơ sôi nổi, náo nức say mê. Dường như các thủ thuật ngôn từ nghệ thật thi ca đã được sử dụng triệt để góp phần truyền tải một khát vọng sống đến mãnh liệt khát khao của trái tim yêu đời. Cảm xúc thơ như chiếc lò xo nén xuống nay có dịp bật lên để vút cao.

Duyên cớ nào dẫn đến niềm khao khát dâng tràn ấy? Hai phần trước của thi phẩm đã ngầm lý giải điều đó. Mạch logic của cảm xúc đi từ nguyên nhân đến biểu hiện. Mở đầu là vẻ đẹp bức tranh mùa xuân tựa như thiên đường nơi trần thế:

Của ong bướm này đây tuần trăng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si.

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;

Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Thì ra, thiên nhiên mùa xuân như một bàn tiệc thịnh soạn đủ đầy hương hoa, sắc màu, âm thanh, ánh sáng nên “ta muốn ôm, riết, say, thâu, cắn”, vậy thôi! Có một thiên đường giữa chốn nhân gian đẹp mộng mơ nên chẳng dại gì mà không tha thiết say mê. Hơn thế nữa: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua. Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Hôm nay vui mai có thể xa rồi, giữa cái non tơ đã lộ mầm héo úa. Cho nên hãy mãnh liệt say mê cho khỏi nuối tiếc cuộc đời, khỏi ngậm ngùi khi thời gian vụt trôi mà “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Ý thơ nồng màn cảm xúc trong đoạn mở đầu nhường chỗ cho suy tư triết lý ở phần sau khi chiêm nghiệm về thời gian và tuổi trẻ.

Hiểu vậy rồi mới thêm yêu, thêm quý giai điệu vội vàng trong tứ thơ Xuân Diệu. Đó là giai điệu của một tâm hồn thiết tha giao cảm với đời, ham sống đến mãnh liệt, náo nức, say mê. Ẩn sâu những lời thơ là chiều sâu triết lý. Thời gian không ngừng trôi, tuổi trẻ vụt qua nhanh, hãy yêu đời bằng tất cả con tim; hãy khát khao sống để tận hưởng cuộc đời tươi đẹp bởi thiên đường là giữa cõi nhân gian đâu phải chốn xa xôi; đừng để mùa xuân, tuổi trẻ đẹp tươi đi qua mới ngậm ngùi, “bâng khuâng tiếc cả đất trời”.

Mấy mươi năm qua rồi, “Vội vàng” vẫn là một thi phẩm ấn tượng viết về mùa xuân. Giá trị của bài thơ không chỉ được biểu hiện ở sự tìm tòi, sáng tạo về nghệ thuật mà còn truyền tải triết lý nhân sinh sâu sắc có ý nghĩa muôn đời. Thi phẩm góp phần tạo nên một giọng điệu riêng của thơ Xuân Diệu, “thiết tha, rạo rực, băn khoăn”, “nhà thơ mới nhất của phong trào thơ mới” (Hoài Thanh).

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai” 

Tự nguyện cống hiến cho đời một “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải

Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim. Có điều cây đàn ấy chỉ rung lên khi có sự chín đỏ của cảm xúc. Thanh Hải viết “Mùa xuân nho nhỏ” năm 1980 trong một hoàn cảnh đặc biệt, ông đang nằm trên giường bệnh, ranh giới của cái chết và sự sống mong manh như sợi tơ. Giữa cái nghiệt ngã của số phận, tiếng thơ vang lên từ sâu thẳm con tim, chân thành, giản dị mà đẹp đến vô cùng. Hoàn cảnh thương đau của cá nhân khi sắp từ giã cuộc đời bùng nổ thành khát vọng sáng tạo mãnh liệt, từ đó một tứ thơ hay được khơi nguồn.

Tinh tế một chút, người ta sẽ nhận thấy có ba mùa xuân trong “Mùa xuân nho nhỏ”. Mở đầu là mùa xuân của thiên nhiên đất trời đẹp tươi:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Từ ngàn xưa, thơ hay bởi có họa và có nhạc. Mấy câu thơ khắc khoải lòng người bởi dường như có một bức tranh xuân tuyệt đẹp được vẽ bằng một trái tim nặng trĩu tình đời. Dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, chiền chiện tung cánh giữa bao la với tiếng hót vang trời. Cảnh xuân hiện ra giữa không gian tươi mát, khoáng đạt, đằm thắm, dịu dàng. Sắc màu thanh nhã, âm thanh vui tươi. Cảnh càng đẹp hơn bởi hiện lên trong trí tưởng tượng của một người đang trên giường bệnh, cách biệt hoàn toàn với thế giới ngoài kia.

Thiên nhiên mùa xuân được đón nhật bằng một tâm hồn tha thiết với cuộc đời. Tiếng thơ vang lên sao mà thân thương trìu mến: “Ơi con chim chiền chiện”. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác được sử dụng tinh tế: “Từng giọt long lanh rơi. Tôi đưa tay tôi hứng”. Âm thanh tiếng chim hay âm thanh của mùa xuân, cuộc sống đang khơi dậy trong tâm hồn thi nhân niềm tha thiết yêu đời. Tâm hồn ấy đang muốn chan hòa vẻ đẹp của mùa xuân.

Xuân của thiên nhiên tươi đẹp đủ đầy âm thanh, sắc màu. Xuân của đất nước rộn ràng, hối hả, đi lên:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương lúa

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Vững vàng phía trước

Vậy nên, giai điệu lắng sâu nhất của bài thơ là mùa xuân của lòng người với nguyện ước cao cả thiêng liêng:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Hình như cái tôi đã hòa điệu cùng cái ta để cất lên khúc hát cuộc đời. Dòng suối nhỏ đã hòa vào biển lớn, cái tôi riêng đã hóa thành cái ta chung với ước nguyện chân thành: Lao động, làm việc, cống hiến cho đất nước quê hương cho dù đó chỉ là “một mùa xuân nho nhỏ”. Khiêm nhường, giản dị mà đáng trân trọng biết bao. Chợt nhớ đến giai điệu ngọt ngào trong khúc ca “Tự nguyện”: “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương, là người tôi sẽ chết cho quê hương”. Còn gì cao đẹp hơn “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” như vậy. Tất cả gặp gỡ nhau ở một tấm lòng đẹp.

“Nghệ thuật thì dài mà cuộc đời lại ngắn”. Nghịch lý ấy chí ít đúng với trường hợp nhà thơ Thanh Hải. Cuộc đời ông đã trở thành người thiên cổ mấy mươi năm nhưng điệp khúc: “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời” vẫn vang lên mỗi độ xuân về nhắn gửi thông điệp sống cao đẹp: Tự nguyện cống hiến để làm đẹp thêm những mùa xuân Đất nước. Lời thơ ấy nhắc tôi, nhắc bạn và tất cả chúng ta cách lựa chọn lẽ sống cho mình?

Xuân đang đến muôn nơi, lòng người hân hoan cùng chồi non lộc biếc. Điểm lại mấy bài thơ xuân tuyệt bút từ cổ chí kim, người ta ngộ ra những triết lý nhân sinh đáng quý. Cái nhìn lạc quan trong thơ Mãn Giác Thiền Sư, triết lý “Vội vàng” trong thơ Xuân Diệu, hay lẽ sống cống hiến của thơ Thanh Hải. Tất cả đều rất đáng trân trọng. Giữa cuộc sống tất bật, hối hả, nhọc nhằn hôm nay, những tứ thơ hay ý nghĩa sẽ giúp ta tìm đến niềm vui cần có trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.