Chiêu mài mòn quyền Mông Cổ của Sa quốc Nga

GD&TĐ - Năm 1236, Mông Cổ thực hiện chiến dịch tiến chiếm về phía Tây.

Lợi dụng lúc Hãn quốc Siberia suy yếu vì nội chiến, Sa quốc Nga tổng tấn công và thắng dễ như trở bàn tay. Ảnh: Rbth.com
Lợi dụng lúc Hãn quốc Siberia suy yếu vì nội chiến, Sa quốc Nga tổng tấn công và thắng dễ như trở bàn tay. Ảnh: Rbth.com

Năm 1236, Mông Cổ thực hiện chiến dịch tiến chiếm về phía Tây. Hàng loạt quốc gia mà ngày nay là Nga, Ukraine, Moldova, Kazakhstan và phía Bắc dãy Kavkaz lần lượt bị tàn phá, thống trị. Song cũng chính trên vùng đất gần như bao trùm trọn khu vực Đông Âu này, sự thôn tính ngược cũng diễn ra với kết quả là một Sa quốc Nga.

Hãn quốc Kim Trướng

Trước khi băng hà, Thành Cát Tư Hãn chia đều quyền lực và lãnh thổ cho các con trai mà ông có với Đại hoàng hậu Bột Nhi Thiếp. Người được giao cho lãnh thổ phía Tây (lúc này mới chỉ là phía Nam của Nga và Kazakhstan) là Trưởng hoàng tử Truật Xích.

Truật Xích có 2 con trai là Oát Nhi Đáp và Bạt Đô. Năm 1235, Bạt Đô cùng với tướng quân Tốc Bất Đài dẫn 150 nghìn quân tiến xa về phía Tây, đánh đuổi các bộ lạc đang sinh sống trên vùng lãnh nguyên Đông Âu và càng lúc càng chiếm được thêm nhiều đất đai.

Đang lúc Bạt Đô vây hãm thành Viên của Đế quốc La Mã Thần Thánh thì Đại hãn Oa Khoát Đài bất ngờ băng hà. Vì phải chịu tang, Bạt Đô rút quân và vào năm 1242, cuộc chinh phục phía Tây của quân Mông Cổ chấm dứt.

Tuy nó kết thúc sớm hơn so với tham vọng của Bạt Đô nhưng lãnh thổ mà ông thôn tính được đã kéo dài từ dãy núi Ural tới hữu ngạn sông Dnepr và đi sâu vào tận Siberi, hình thành nên hãn quốc mới được đặt tên là Hãn quốc Kim Trướng.

Nửa cuối thế kỷ XIII, bất chấp việc các khả hãn Mông Cổ tranh chấp và thế vị nhau liên miên, Hãn quốc Kim Trướng phát triển mạnh mẽ, không chỉ kinh tế ổn định, mà còn ngày càng nhiều nước chư hầu. Đầu thế kỷ XIV, Kinh đô Sarai đạt mức 600 nghìn dân, trở thành một trong những thành phố lớn nhất thời trung cổ. Tuy nhiên, bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XIV, Hãn quốc Kim Trướng dần suy tàn và bị chia năm xẻ bảy, cuối cùng hình thành nên 4 hãn quốc độc lập là: Kazan, Astrakhan, Siberi và Crimea.

chieu-mai-mon-quyen-mong-co-cua-sa-quoc-nga-2.jpg
Hãn quốc Kim Trướng là lãnh thổ phía Tây do Khả hãn Bạt Đô chiếm được. Ảnh: Youtube.com

Thôn tính ngược

Trong khi Hãn quốc Kim Trướng bị xé lẻ thì ở Nga, nhà nước tập trung được thành lập và đặt tên là Sa quốc Nga. Người đứng đầu sa quốc là sa hoàng và sa hoàng đầu tiên của nó là Ivan IV (1530 – 1584). Ngay từ khi mới lên ngôi, Ivan IV đã xem việc chiếm lại Hãn quốc Kim Trướng như mục tiêu hàng đầu.

Hãn quốc đầu tiên bị Nga thôn tính ngược là Kazan (ngày nay là Tatarstan, Mari El, Chuvashia, Mordovia, một phần của Udmurtia và Bashkortostan). Trong 4 hãn quốc nói trên, Kazan vừa có lãnh thổ rộng lớn vừa có sức mạnh quân sự áp đảo hơn và gần với Moscow nhất. Trong suốt hơn một thế kỷ kể từ khi được thành lập, hãn quốc này liên tục đối đầu với Moscow. Hàng loạt cuộc tấn công ngắn và chiến tranh toàn diện nổ ra giữa hai bên nhưng bất phân thắng bại.

Năm 1487, đại công tước của Moscow là Ivan III (ông nội của Sa hoàng Ivan IV) đã lợi dụng thế lực phản Mông Cổ và ủng hộ Moscow ở Kazan mà thành công áp chế hãn quốc này. Ông nhanh tay thiết lập chế độ bảo hộ, biến nó thành công quốc. Tuy nhiên, khả hãn của Kazan chỉ giả vờ hàng phục và liên tiếp tìm cơ hội trở mình. Phải đến khi Sa hoàng Ivan IV lên ngôi và tiến hành chiến dịch chinh phục Kazan lần thứ 3 vào năm 1552, Hãn quốc Kazan mới thật sự bị xóa sổ.

Ngay sau khi chiếm được Kazan, Sa hoàng Ivan IV nhắm tới Hãn quốc Astrakhan (ngày nay là thung lũng Hạ Volga và đồng bằng sông Volga). Nhận thức được mối nguy hiểm cận kề, khả hãn của Astrakhan lập tức kết đồng minh với Hãn quốc Crimea và Đế chế Ottoman nhưng vẫn không kịp trở tay.

Năm 1554, lấy cớ Khả hãn Yamgurchi của Crimea bắt giam phái đoàn ngoại giao của Nga, sa quốc cho quân đánh thẳng vào kinh đô của hãn quốc này là Hadji-Tarkhan. Khả hãn Yamgurchi phải tức tốc bỏ chạy và Hadji-Tarkhan rơi vào tay sa quốc. Năm 1556, Khả hãn Yamgurchi mượn sức mạnh của Hãn quốc Crimea quay về giành lại kinh đô nhưng thất bại và Hãn quốc Astrakhan không còn nữa.

chieu-mai-mon-quyen-mong-co-cua-sa-quoc-nga-3.jpg
Hãn quốc Kazan đầu hàng trước Sa hoàng Ivan IV. Ảnh: Rbth.com

Hãn quốc tiếp theo bị sụp đổ và thôn tính là Siberia. Tuy nhiên, khác với Kazan và Astrakhan, Siberia không do Sa hoàng Nga tấn công hay hạ lệnh tấn công ngay từ đầu. Chuyện là, nội bộ Hãn quốc Siberia vốn bị chia thành 2 thế lực, Mông Cổ và người Cossacks địa phương. Năm 1582, người Cossacks vùng dậy, đánh đuổi Khả hãn Kuchum của Siberia khỏi Kinh đô Kashlyk. Năm 1585, Khả hãn Kuchum thiệt mạng trong một cuộc phục kích.

Trước nội chiến của Hãn quốc Siberia, Sa quốc Nga quyết định “tọa sơn quan hổ đấu” và sau khi thắng bại ngã ngũ, họ “ngư ông đắc lợi”. Người Cossacks vì không chống lại được sức mạnh áp đảo từ kẻ xâm lược mới nên đã để mất Siberia vào tay Nga.

Cuối cùng, Hãn quốc Kim Trướng chỉ còn lại Hãn quốc Crimea. Dựa vào quân lực mạnh mẽ, Hãn quốc Crimea không chỉ đánh bật sự thôn tính của Sa quốc Nga, mà còn nhiều lần quấy nhiễu, ví dụ như vào năm 1571, Khả hãn Devlet Geray của Crimea đã đốt cháy Moscow.

Cuối thế kỷ XVI, Hãn quốc Crimea chấp nhận làm nước chư hầu của Đế chế Ottoman và nhận được sự bảo trợ. Vì thế phải đến năm 1736, trong cuộc chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, họ mới bị quân đội sa quốc lần đầu tiên xâm chiếm và tàn phá thủ đô.

Năm 1774, Nga giành độc lập khỏi Ottoman và năm 1783, họ xóa sổ Hãn quốc Crimea. Cũng kể từ lúc này, công cuộc thôn tính ngược Hãn quốc Kim Trướng đại công cáo thành. Toàn bộ các hãn quốc của Mông Cổ ở phía Tây vào tay Nga, trở thành các công quốc chịu sự thống trị và hàng năm đều phải cống nạp cho sa quốc.

Theo rbth.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ