Napoléon mở màn Ai Cập học

GD&TĐ - Sau chiến dịch xâm lược Ai Cập của Napoléon, vô số hiện vật Ai Cập đã bị khai quật, cướp bóc, đưa về Pháp.

Napoléon Bonaparte viễn chinh xâm lược Ai Cập vào năm 1798 theo lệnh Bộ Ngoại giao Pháp. Ảnh: Ancient-origins.net
Napoléon Bonaparte viễn chinh xâm lược Ai Cập vào năm 1798 theo lệnh Bộ Ngoại giao Pháp. Ảnh: Ancient-origins.net

Năm 1798, lấy cớ Đế chế Ottoman sắp tan rã và nếu không nhanh chân thì sẽ bị Nga, Áo giành hết phần, Pháp hạ lệnh cho tướng trẻ là Napoléon Bonaparte (1769 - 1821) viễn chinh xâm lược Ai Cập. Không ai ngờ, chiến dịch này lại mở ra ngành nghề nghiên cứu mà đến nay vẫn cuốn hút sự quan tâm của toàn cầu: Ai Cập học.

“Hậu quả” đáng nể

Napoléon chào đời trên đảo Corsica, Địa Trung Hải. Trước khi ông khai sinh chỉ một năm, Pháp mua đứt Corsica nên Napoléon nghiễm nhiên là con dân nước Pháp. Sau nhiều năm chăm chỉ học hành tại Học viện Quân sự École Militaire, vào năm 1784, Napoléon tốt nghiệp và được phong làm sĩ quan.

Cũng trong thời gian này, Cách mạng Pháp cùng nhiều cuộc cách mạng khác bùng nổ. Napoléon bị cuốn vào các cuộc chiến, chiến chinh liên miên và thắng trận liên tục nên chỉ sau vài năm đã lên làm tướng.

Đầu năm 1798, Ottoman, đế quốc trải rộng xuyên suốt Nam Âu, Trung Đông và Bắc Phi rơi vào tình trạng hỗn loạn, suy yếu trầm trọng. Bộ Ngoại giao Pháp lập tức viện cớ nếu không nhanh chân thì sẽ bị Nga và Áo giành hết các thuộc địa của đế chế này nên quyết định mở cuộc xâm lược Ai Cập. Họ cũng tin tưởng chuyện chiếm được đất nước ở Bắc Phi này sẽ vô cùng dễ dàng, chỉ cần vài nghìn quân là đủ.

Napoléon được cử làm tướng dẫn dắt cuộc ngoại xâm. Ngày 19/5 cùng năm, ông cùng hạm đội 34 nghìn quân rời Toulon đến Malta. Trong đội quân của Napoléon cũng có tổng cộng 167 người thuộc Ủy ban Khoa học và Nghệ thuật.

Họ bao gồm kỹ sư, thợ máy, khảo sát viên, thông dịch viên, người vẽ bản đồ, thợ in, kiến trúc sư, bác sĩ và dược sĩ. Ngoài ra còn cả một số nhà vật lý, hóa học, toán học, thiên văn học, địa chất học, động vật học, khảo cổ học…

Tháng 8 cùng năm, Napoléon chiếm được Cairo và thành lập Viện Ai Cập với mục tiêu điều tra, nghiên cứu và công bố bầu không khí chính trị, lịch sử, địa lý và xã hội Ai Cập. Cùng lúc, ông mở tòa soạn cho tờ Description de L’Egypte, ấn phẩm đăng những khám phá về Ai Cập. Tất nhiên, 167 người Ủy ban Khoa học và Nghệ thuật phụ trách 2 nơi này.

Lúc Napoléon xâm lược Ai Cập, chưa có ai đọc được chữ tượng hình của nền văn minh này. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, tất cả đã thay đổi. Đại úy Pierre-François Bouchard, Pháp, vào tháng 7/1799 đã phát hiện phiến đá đen lớn có khắc 3 loại ngôn ngữ khác nhau là chữ Hy Lạp, chữ tượng hình Ai Cập và chữ demotic Ai Cập trong khi đào móng công sự gần Rosetta. Phiến đá này về sau được đặt tên là Phiến đá Rosetta.

Đọc hiểu chữ Hy Lạp là chuyện đơn giản với các học giả Pháp nên ngay lập tức, họ vào việc đối chiếu và tìm ra cách đọc hiểu ngôn ngữ Ai Cập. Suốt 3 năm tiếp theo, các nhà ngữ văn và ngôn ngữ học người Pháp, tiếp đến là người Anh điên cuồng giải mã Phiến đá Rosetta nhưng vẫn phải đến tận năm 1822, họ mới phiên dịch xong.

Quay trở lại với Napoléon, ông đã trở về Pháp từ năm 1799 và tiến hành đảo chính, trở thành Tổng tài thứ nhất của nền Cộng hòa. Đối với ông, cuộc viễn chinh xâm lược Ai Cập chỉ là một trong số rất nhiều những cuộc chiến thời còn dưới quyền người khác và chẳng có gì đặc biệt.

Có lẽ, ông cũng không ngờ chiến dịch này lại mở đầu cho “chiến dịch khám phá văn minh Ai Cập”, cái sẽ trở thành cơn sốt tri thức lớn nhất trong lịch sử nhân loại, cuốn toàn cầu vào tìm hiểu, giải mã.

Napoleon mo man Ai Cap hoc 2.jpg
Napoléon mở màn cho cơn sốt Ai Cập lan tràn khắp châu Âu. Ảnh: Ancient-origins.net

“Cơn sốt Ai Cập”

Sau chiến dịch xâm lược Ai Cập của Napoléon, vô số hiện vật Ai Cập đã bị khai quật, cướp bóc, đưa về Pháp. Vì Napoléon rời Ai Cập về Pháp và không quay trở lại, quân đội Pháp ở Ai Cập như “rắn mất đầu”. Họ bị quân Anh và Ottoman đánh tan tác, phải co cụm lại Alexandria, bị bao vây và cuối cùng phải giơ cờ trắng xin hàng.

Tháng 9/1801, hiệp định đầu hàng được ký kết. Theo điều khoản của hiệp định này, Pháp phải chuyển giao toàn bộ cổ vật Ai Cập sang cho Anh nên vì vậy, Phiến đá Rosetta cũng vào tay Anh. Những khám phá về nền văn minh Ai Cập được in ấn, công bố khắp các ngả.

Toàn châu Âu háo hức mơ tưởng về pharaoh, kim tự tháp, tượng nhân sư, cuộc chạm trán giữa người La Mã cổ đại với người Ai Cập… Các bảo tàng cũng bắt nhịp thời đại, thi nhau thu thập và trưng bày xác ướp, đồ trang sức, văn bản cổ… từ Ai Cập.

Giới quý tộc thì đua nhau thiết kế nhà cửa, lâu đài theo kiến trúc Ai Cập cổ đại và thu mua bất kể cổ vật nào từ nền văn minh này, bất chấp giá cả.

Phải mất nửa thế kỷ, cơn sốt Ai Cập mới lắng xuống. Tuy nhiên, cơn khát tri thức đã không vơi đi. Từ những khám phá sơ sài sau cuộc chinh phạt của Napoléon, các học giả tiến sâu vào giải mã toàn diện văn minh Ai Cập.

Nhờ Phiến đá Rosetta và hơn 20 năm mở khóa chữ tượng hình và chữ demotic Ai Cập, người ta đã hoàn thành việc đọc hiểu 2 ngôn ngữ cổ này, thuận lợi đọc các văn bản cổ khác.

Trải qua thời gian, hiểu biết về văn minh Ai Cập ngày càng được mở rộng nhưng cơn khát tri thức này vẫn tiếp tục. Nó hình thành nên ngành nghiên cứu mới là Ai Cập học và không ngừng cuốn hút các nhà sử học, khảo cổ học… tiếp nối khám phá. Ngày nay, thế giới có 16 trường đào tạo Ai Cập học. Việc khai quật, nghiên cứu các địa điểm Ai Cập cổ đại vẫn đang diễn ra ở nhiều vị trí trên đất nước Bắc Phi này.

Ngoài các học giả vẫn còn rất nhiều người quan tâm Ai Cập cổ đại. Chỉ riêng năm ngoái, 2023, Ai Cập đã đón 14,9 triệu lượt du khách quốc tế, những người muốn được tận mắt chiêm ngưỡng các công trình Ai Cập cổ đại còn sót lại.

Đến cả ngành công nghiệp giải trí phương Tây cũng tràn ngập các bộ phim với chủ đề Ai Cập cổ đại như Cleopatra, The Mummy… Dù là học sinh hay phụ huynh cũng thích thú tìm hiểu về các pharaoh, nữ hoàng Ai Cập, kim tự tháp, tượng nhân sư…

Theo ancient-origins.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.