3 kẻ giả danh Sa hoàng thành công nhất lịch sử

GD&TĐ - Trong 400 năm lịch sử Sa quốc, có không ít kẻ giả mạo người của hoàng gia để kiếm lợi.

Emelyan Pugachev giả mạo Peter III thực thi công lý. Ảnh minh họa: Thecollector.com
Emelyan Pugachev giả mạo Peter III thực thi công lý. Ảnh minh họa: Thecollector.com

Mặc dù phần lớn họ đều thất bại nhưng vẫn có 3 người cực kỳ thành công, trong đó có một người còn chễm chệ trên ngai vàng cả một năm.

Dmitry I giả

Dmitry I (1582 – 1606) khét tiếng là kẻ giả danh thành công nhất Sa quốc. Y lớn lên trong Thời kỳ Rắc rối (1598 – 1613), giai đoạn hỗn loạn nhất đầu thế kỷ XVII vì sự sụp đổ của Vương triều Rurikid.

Vương triều Rurikid thống trị Sa quốc từ năm 826 và rất hùng mạnh cho đến năm 1569, khi Sa hoàng Ivan Bạo chúa (1530 - 1584) xử tử huynh đệ họ là Vladimir xứ Staritsa (1535 – 1569) cướp ngai vàng. Đúng như biệt danh “bạo chúa”, Ivan cực kỳ tàn bạo. Năm 1581, trong cơn thịnh nộ, ông tự tay giết chết trưởng tử là Tsarevich Ivan Ivanovich (1554 – 1581), người kế vị.

Năm 1584, Ivan băng hà, để lại Sa quốc cho 2 con trai là Fyodor Ivanovich (1557 – 1598) sức khỏe kém và Dmitry Ivanovich (1582 – 1591) mới 17 tháng tuổi. Fyodor lên ngôi nhưng chỉ là vị vua hữu danh vô thực, toàn bộ quyền lực nằm trong tay anh rể là Boris Godunov (1552 – 1605).

Lấy cớ chăm sóc và bảo vệ Dmitry, Boris đưa hoàng tử nhỏ đến thị trấn Uglich xa xôi. Năm 1591, Dmitry qua đời với vết thương bị dao cắt trên cổ. Boris báo cáo rằng đứa trẻ tự lỡ tay trong lúc chơi với dao găm.

3-ke-gia-danh-sa-hoang-thanh-cong-nhat-lich-su-nga-1-1742.jpg
Phút cuối, Dmitry I cố gắng chạy trốn nhưng thất bại và phải trả giá bằng cái chết tàn khốc. Ảnh minh họa: Thecollector.com

Năm 1598, Fyodor băng hà, Boris chiếm ngôi nhưng mất lòng dân vì đúng thời điểm mùa màng thất bát, nạn đói lan rộng. Chính vào lúc này, tại Ba Lan, xuất hiện một thanh niên tự xưng là Dmitry khẩn cầu quốc vương Ba Lan đương thời, Sigismund III (1566 – 1632) giúp đỡ giành lại Sa quốc khỏi tay kẻ chiếm ngôi Boris.

Tháng 3/1605, Dmitry này chỉ huy một đội quân nhỏ tiến vào “giải phóng” Nga. Y được các quý tộc Nga bất mãn với Boris trợ giúp, nhắm thẳng vào lực lượng quân đội của Boris.

Tất nhiên là với quân lực mạnh, Boris chiến thắng dễ dàng nhưng vào ngày 13/4 cùng năm, ông lại qua đời vì bạo bệnh. Con trai ông, Borisovich Godunov (1589 – 1605) vẫn tuổi thiếu niên phải lên ngôi và chưa đầy một tháng sau đã bị đảo chính. Ngày 20/6, Dmitry giả tưng bừng khải hoàn, tiến quân vào Moscow.

Sau khi tiếp quản ghế sa hoàng, y hạ lệnh xử tử gia tộc Godunov của Boris và bái kiến Maria Nagaya (1553 – 1611), mẹ ruột của Dmitry đã mất. Một năm sau, Dmitry giả còn kết hôn với Marina Mniszech, nữ quý tộc Ba Lan.

Ngay từ ngày đầu lên ngôi, Dmitry giả đã khiến giới quý tộc Nga không hài lòng vì y quỵ lụy Ba Lan và theo đạo Công giáo La Mã. Hôn sự của y với nữ quý tộc Ba Lan là giọt nước tràn ly.

Giới quý tộc tung tin quân Ba Lan sắp xâm lược và đổ tội “cõng rắn cắn gà nhà” cho y, lôi kéo đám đông giận dữ xông vào Điện Kremlin. Dmitry giả vội vàng bỏ trốn nhưng bị vấp ngã khi nhảy ra khỏi cửa sổ và bị dồn vào chân tường. Đám đông giết y, đốt xác lấy tro cốt trộn vào pháo đại bác, bắn về phía Ba Lan.

Emelyan Pugachev

Thập niên 1770, Sa quốc đang dưới sự thống trị của Nữ hoàng Catherine Đại đế (1729 – 1796), người lên ngôi sau khi lật đổ chồng là Sa hoàng Peter III (1728 – 1762). Tuy nhiên, vào năm 1773, Catherine Đại đế lại phải đối mặt với đội quân phản loạn không ngờ nhất, Lực lượng Peter III. Người đứng đầu đội quân này Emelyan Pugachev, kẻ mạo danh Peter III. Y sinh năm 1742, là người Cossack vùng Hạ Volga.

Trong Sa quốc, người Cossack là những nông dân nghèo chạy trốn khỏi sự áp bức của chế độ phong kiến đến các thảo nguyên rộng lớn ở phương Nam tìm sinh kế. Họ nổi tiếng độc lập, giàu kỹ năng quân sự và ngày càng đông đảo, mạnh mẽ hơn nhờ lượng nông nô chạy trốn gia nhập.

Với Catherine Đại đế, đây là tiềm năng phản động đáng ngại nên bà luôn bằng mọi cách kìm kẹp, áp chế. Chính điều này đã gây nên sự bất mãn lớn và Pugachev, với tư cách kẻ giả mạo đại tài từng tự nhận là con nuôi của Sa hoàng Peter Đại đế (1672 – 1725) sớm nung nấu ý tưởng giả danh Peter III nhằm lật đổ Catherine Đại đế.

Năm 1773, Peter III giả ban hành các sắc lệnh mới và thu hút được lượng lớn nông nô tham gia vào đội quân phản loạn. Cuối tháng 9, y dẫn đội quân của mình bao vây Orenburg.

Catherine Đại đế đáp trả bằng việc phản kháng mạnh mẽ. Mới sau 6 tháng, Peter III giả đã phải tháo chạy nhưng rất nhanh, y đã tập hợp quân tấn công Kazan. Tháng 7/1774, Peter III giả còn bao vây Điện Kremlin. Mặc dù sớm bị Tướng Ivan Mikhelson (1740 – 1807) đánh bại nhưng y vẫn trốn thoát, chiếm được nhiều thành phố lớn dọc theo bờ sông Volga.

Tiếc cho Peter III giả là y bị nội bộ phản bội. Tháng 8 cùng năm, trong khi đang kiệt sức vì bị đánh đuổi tơi bời, y bị cấp dưới bắt giữ và giao nộp cho chính quyền Catherine Đại đế. Ngày 21/1/1775, y phải lên đoạn đầu đài và chịu hành hình.

Fyodor Kuzmich

3-ke-gia-danh-sa-hoang-thanh-cong-nhat-lich-su-nga-3-7666.jpg
Fyodor Kuzmich không giả danh mà bị nhận nhầm là Alexander I. Ảnh minh họa: Thecollector.com

Nếu 2 nhân vật trên tự xưng là người hoàng gia thì Fyodor Kuzmich (1776 – 1864) có chút khác. Ông bị nghi ngờ là Sa hoàng Alexander I (1777 – 1825) giả danh ẩn sĩ để sống ẩn dật.

Alexander I là cháu trai của Catherine Đại đế, từ nhỏ đã được chính khách kiêm triết gia Khai sáng người Thụy Sỹ, Frédéric-César de La Harpe (1754 – 1838) dạy dỗ. Ông theo chủ nghĩa lý tưởng, muốn từ bỏ quyền kế vị và tìm kiếm cuộc sống yên bình ở nơi xa xôi.

Dù không thích làm vua nhưng năm 1801, Alexander vẫn phải lên ngôi vì cha của ông đã bị sát hại sau một cuộc đảo chính. Để hiện thực hóa một phần lý tưởng, Alexander ban hành nhiều cải cách liên quan đến quyền tự do nhưng vì yếu thế trước thế lực quý tộc, ông phải buông bỏ rất nhiều điều.

Năm 1802, Alexander còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử Sa quốc là bị Napoleon (1769 – 1821) xâm lược. Tuy chiến thắng nhưng ông bị ám ảnh tâm lý, ngày càng sa vào chủ nghĩa duy linh đến mức được đặt biệt danh Thánh Alexander.

Năm 1825, Alexander cùng Sa hậu Elizabeth (1779 – 1826) du công miền Nam. Ông lâm bệnh và qua đời vào ngày 1/12 cùng năm tại cảng Taganrog. Vì Taganrog cách rất xa St. Petersburg và Moscow nên dấy lên tin đồn Alexander giả chết.

Mười năm sau ngày Alexander băng hà, Kuzmich mới xuất hiện tại Perm. Ông chỉ là một ông già thánh thiện không rõ lai lịch, sống khổ hạnh và được nhiều người dân địa phương sùng bái. Năm 1837, Kuzmich diện kiến Tsarevich Alexander Nikolaevich (1818 – 1881), Sa hoàng A lexander II tương lai. Tsarevich một mực tin rằng, Kuzmich và Alexander I chính là một.

Càng lúc, càng nhiều người chắc mẩm Kuzmich chính là Alexander I giả danh. Năm 1864, khi Kuzmich hấp hối, vị hiền giả luôn đi theo sau gót ông cũng không kìm được mà hỏi có phải ông chính là Sa hoàng Alexander I không. Năm 1891, trong chuyến du công về phía Đông, Alexander II cũng ghé thăm mộ của Kuzmich và kính viếng linh hồn ông.

Khác với người Nga đương thời, các nhà sử học sau này đều bác bỏ lý thuyết Alexander I giả chết và tất nhiên, Kuzmich chỉ là Kuzmich.

Theo thecollector

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tháp Bút được xây trên núi Ngọc Bội. Ảnh: INT.

Người xây Tháp Bút

GD&TĐ - Nguyễn Văn Siêu là nhà văn hóa lớn, người có công xây dựng, tôn tạo nhiều công trình văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngày nay.