Chuyện chợ búa cơm nước hàng ngày cứ tưởng là chuyện đơn giản nhưng không phải vậy. Ăn bữa nay nghĩ bữa mai ăn gì, rồi đắn đo suy nghĩ xem phải mua gì từ lúc chưa tan ca đến lúc ra đến chợ rồi đi vòng hết cái chợ mà chả biết mua gì là tâm trạng chung của không ít bà nội trợ.
Chưa kể trong nhà có người vừa ăn chay vừa ăn mặn. Có người ăn được món này lại không ăn được món kia.
Việc đi chợ tưởng bé cỏn con mà phức tạp. Lại phải cân đối sao cho với số tiền nào mua cho bao nhiêu người ăn. Phải có đủ rau và thịt hoặc cá, tôm, mực...
Nhiều bà nội trợ đã cùng nhau chia sẻ bí quyết đi chợ chế biến món ăn cho cả nhà trong tuần để mọi người tham khảo.
Nghĩ món chính rồi mới quyết món khác cho phù hợp
Chị Hòa (Cầu Giấy) cho biết, đi chợ không đơn giản chút nào vì phải mua sao cho đủ chất, phải đắn đo xem có mua đắt không, rồi phải cân bằng lượng dinh dưỡng cho phù hợp, lại còn phải đổi món liên tục để không bị trùng lặp. Thường thì chị chọn được món chính rồi thì mới quyết các món khác cho phù hợp.
Hàng ngày sau khi mua món mặn xong, chị nghĩ tiếp đến rau củ quả phù hợp, rồi gia vị cho món mặn và món canh, sau đó là đến trái cây.
Chị bảo: “Trước tiên chị phải nghĩ ra món mình cần nấu trong ngày hôm đó. Tranh thủ thời gian để ghi nhớ, tức là các nguyên liệu cho món đó. Đợi khi tan ca là chạy ù ra chợ nhìn vào là mua thôi. Đi chợ mà đi vòng vòng thì chỉ ra tay không thôi”.
Ngoài ra trong tủ lạnh nhà chị bao giờ cũng có sẵn một số thứ dự bị như: thịt, cá, trứng, cà chua, bầu, bí xanh, bí đỏ… đề phòng những hôm bận việc hay mưa gió không đi chợ được thì lôi ra chế biến.
Chị Hòa cũng bảo tình hình chung là mình thấy nhiều mẹ nội trợ hay than thở: đi chợ không biết mua gì ăn nữa? Đúng ra thì quanh đi quẩn lại chỉ có cá, thịt là chủ yếu thôi. Bản thân phải hiểu mình muốn ăn cái gì.
Ví dụ trước khi đi chợ thì mình nghĩ xem hôm nay sẽ ăn thịt, cá, gà, vịt, hay bò... rồi quan trọng là cách chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị của người nhà và nấu theo kiểu xoay tua: hôm nay chiên, ngày mai nướng, ngày kia luộc, rồi hấp, xào... bảo đảm không ngán chút nào. Mình nghĩ chuyện ăn uống cũng giống chuyện chăn gối vậy, phải thay đổi khẩu vị, làm mới thường xuyên thì mới ăn ngon và hứng thú được.
Lên mạng search món ăn
Còn chị Hoài Hương (Cầu Diễn) lại chia sẻ bí kíp nội trợ của chị chính là hỏi anh “Google " các món làm từ thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, cá... Hàng ngày chị lên mạng search các món ăn ngon dễ chế biến để lên thực đơn cho cả nhà, thế là ra được vô số món.
Theo bí quyết của chị Hương thì để khỏi đau đầu phải ngẫm nghĩ nhiều, mỗi ngày chị đều vào mạng, lên các trang mục bếp, dạy nấu ăn tìm các món mà chồng con có khả năng thích và hợp với túi tiền, sau đó in ra một danh sách các món ăn có thể dễ dàng chế biến. Hàng ngày chị cứ theo danh sách đó mà mua thực phẩm về chế biến, vừa đỡ phải nghĩ nhiều mà gia đình cũng được đổi món liên tục.
Thường thì chị liệt kê các món ăn trong vòng 1 tuần, hoặc 1 tháng rồi chia ra từng ngày, ngày món này, ngày món kia, liệt kê các thứ cần để nấu các món đó để đi chợ.
“Bây giờ nhiều chuyên mục bếp của các trang phụ nữ, gia đình có tư vấn đi chợ mua món gì thích hợp, mùa nào thức nấy, lại gợi ý các món ăn ngon mà đơn giản cho bữa cơm, nhiều khi bí ko nghĩ ra nấu món gì vào đấy coi như có thêm gợi ý để lên thực đơn cái thiện cho bữa cơm gia đình bớt nhàm chán”, chị Hương cho biết.
Đi chợ một lần ăn cả tuần
Bây giờ hầu hết phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải đảm nhiệm việc nội trợ, nấu nướng cho cả gia đình, lại phải chăm sóc con cái nên thường không có nhiều thời gian để đi chợ mỗi ngày. Vì thế các chị em lại mách nhau kinh nghiệm đi chợ một lần ăn cho cả tuần. Vừa tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc mà gia đình vẫn có những món ăn tươi ngon.
Chị Phương, một nhân viên hành chính văn phòng, cho biết thường một tuần chị đi chợ chính 1 lần vào sáng thứ 7, tiện đưa con đi học thêm chị kết hợp đi chợ luôn. Trước hết chị đi theo khu vực rau củ trước, chị mua các loại khác nhau: rau củ, hành, bí xanh (những loại đề phòng mưa gió bão), dưa leo, ngải cứu (cho bà), cà rốt tùy tuần rồi đến trái cây các loại, sau đó là đến thức ăn (trứng, cá, tôm, ếch, thịt gà, bò, lợn…) tùy tuần.
Về nhà chị sơ chế để riêng thức ăn vào ngăn đá theo từng bữa. Rau thì bỏ lạt buộc lại trong túi nilon và rau cải, rau muống ăn trước, rau ngót, mồng tơi có thể ăn sau.
Những ngày trong tuần nếu có thiếu gì nhỏ thì chị sẽ bổ sung thêm thôi.
Theo chị Phương, các mẹ nên đi chợ sớm để chọn được những nguyên liệu tươi ngon nhất và nên mua chỗ quen để nắm rõ giá cả.
Chị thấy việc đi chợ một lần cho cả tuần khiến chị tiết kiệm được rất nhiều thời gian và không cảm thấy mệt mỏi hay đắn đo suy nghĩ xem hôm nay ăn gì. Việc mua nhiều thực phẩm một lần cũng tiết kiệm được khá nhiều tiền vì mua số lượng nhiều bao giờ cũng rẻ hơn mua lẻ.
Chị cũng chia sẻ: Chuyện đi chợ bây giờ cũng nan giải lắm, vật giá ngày một lên cao, ra chợ cũng phải liệt kê mọi thứ rồi tính toán mới mua cho vừa túi tiền mà hợp sở thích ăn uống của chồng con.
Cùng quan điểm nên đi chợ một lần cho cả tuần, chị Cúc, nhân viên một cơ quan truyền thông, bày tỏ quan điểm:
Nếu ngày nào cũng đi chợ thì tốn khá nhiều thời gian, thức ăn ngoài chợ bây giờ cũng hơi sợ. Tuy nhiên đi chợ kiểu siêu thị 1 tuần/lần thì các món ăn thường bị lặp đi lặp lại một cách đơn điệu.
Để khắc phục tình trạng này mình đã lập một cái thực đơn cho cả tháng. Trong 1 tuần thì có thể chọn các món ăn chế biến từ các loại thực phẩm khác nhau. Chẳng hạn mỗi tuần ăn thịt bò một lần, nhưng mỗi tuần một kiểu thịt bò, tuần này bò lúc lắc khoai tây, tuần sau bò xào súp lơ, tuần tiếp bắp bò luộc, bò kho... cứ thế mà đạo diễn. Xây dựng thực đơn xong rồi thì mình sẽ tính ra được lượng thực phẩm cần mua cho cả tuần, thậm chí biết những món gì nên mua trữ tủ lạnh, món gì mua sau.
Nếu trong tuần có ngày định ăn ếch thì tốt nhất ngày hôm đấy ra mua ếch sống cho nó ngon, tội gì mà mua trước để tủ lạnh. Tuy nhiên các món thịt thì nên mua trước rồi cho vào hộp và tống ngăn đá, nhớ là chia ra để khi cần nấu lấy ra đúng phần đó để rã đông.
Những món cầu kỳ và cần ăn tươi thì tốt nhất nên sắp xếp vào cuối tuần. Xương hoặc sườn thì có thể mua nhiều nhiều rồi ninh sẵn và cất tủ lạnh nấu canh dần. Thịt nạc băm cũng thế, đem về cứ nắm thành từng viên rồi khi nấu canh lấy ra một viên vừa đủ nấu.
Còn một kinh nghiệm nữa chị rút ra để đỡ cực thân là phải thủ trong nhà thật nhiều các loại gia vị khác nhau: hành tiêu, tỏi ớt, cari, ngũ vị, nấm hương, mộc nhĩ, mắm muối, xì dầu, dầu ăn... Các món ăn chỉ khác nhau ở việc gia giảm các gia vị mà thôi.
Ngoài ra dự trữ chút cà chua, trứng, cá khô phòng lúc chưa hết tuần đã hết thức ăn. Các loại bột chiên, bột năng, nước sốt... Mấy cái này thỉnh thoảng đi siêu thị chị khuân về một đống là xong.
Ngoài ra thì dụng cụ làm bếp cũng góp phần làm cho công việc nội trợ đỡ cực nhọc như nồi áp suất giúp nấu nhanh hơn các món cần nhừ, lò nướng giúp mình làm được một số món khá hấp dẫn, làm sẵn nước hàng cho vào lọ dùng dần, biết tận dụng các món ăn chế biến sẵn... như thế công việc bếp núc sẽ nhàn đi rất nhiều. Đấy là chút kinh nghiệm của chị sau 3 năm làm vợ, làm mẹ.