Khi đàn ông… nội trợ

Khi đàn ông… nội trợ

(GD&TĐ) - Nói điều này, chắc chắn phần lớn các ông sẽ nhảy dựng lên. Gì thì gì, đàn ông ai lại đi làm cái việc của đàn bà như thế. Thế nhưng, không ít ông chồng trong thời gian tìm việc hay chờ việc, đã trở thành… nội trợ trong nhà.

Những ông nội trợ bất đắc dĩ

Dù có đảm đang tới đâu, người đàn ông cũng không thể thay thế được bàn tay người phụ nữ trong gia đình
Dù có đảm đang tới đâu, người đàn ông cũng không thể thay thế được bàn tay người phụ nữ trong gia đình
 

Gia nhập đội quân thất nghiệp hơn một năm nay do công ty cắt giảm nhân sự, chuyên môn lại hoàn toàn nằm trong lĩnh vực địa ốc nên anh Tuấn (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) không xin được việc làm mới. Tranh thủ thời gian tìm việc, anh đăng ký học thêm lớp kế toán buổi tối và... nằm nhà. Những buổi tụ tập bạn bè giải khuây thưa dần. Có hôm anh em đã ngồi sẵn quán bia, gọi Tuấn ra, anh từ chối bảo sắp đến giờ đón con, rồi phải về cho nó ăn trước để đi học tiếng Anh ở trung tâm buổi tối.

Không thể tin nổi đấy là ông bạn chỉ cách đây một hai năm, chưa hết giờ làm việc đã ý ới bạn bè nhậu nhẹt; việc nhà cửa, con cái là của vợ tự lo. Mấy ông bạn ngồi nhìn nhau: Nó bận việc nhà thật hay từ chối khéo anh em mình? Một ông được phân công tìm đến tận nhà xem thực hư thế nào.

Quả là trăm nghe không bằng một thấy, mà thấy rồi cũng không tin nổi: Cái ông bạn ham chơi một thủa ấy, giờ đang quần đùi áo cộc lúi húi trong bếp, chốc chốc lại gọi vọng lên nhà chỉ đạo cậu con gội đầu nhớ xả nước kỹ, tắm xong nhớ lau khô người, quần áo thay bố để sẵn trên giường... Chán không buồn gọi, ông bạn quay lại quán nhậu. Bạn bè nhau nhao: Đến tận nơi mà không khiêng được nó đi à? Ông bạn buông thõng: Không, nó đang bận... mặc váy!

Khác với trường hợp trở thành nội trợ do thất nghiệp của Tuấn, anh Đức Đăng (Ngọc Thụy, Gia Lâm, HN) lại là một trong những nhân viên đắc lực trong công ty truyền thông. Vậy nhưng, từ rất lâu, bạn bè đều gán cho anh này cái đại từ nhân xưng biệt danh không lấy gì làm hay ho lắm: Chị Đăng. Từ ngày cô con gái đến tuổi vào mẫu giáo, bạn thân cũng khó gặp anh Đăng.

Hôm nào thu xếp lắm, ngồi với nhau một chút, chưa vơi chai rượu hay tách trà, đã liếc đồng hồ, nhìn trước ngó sau để căn giờ đi đón con. Cách đây ít lâu, có người bạn cũ từ Tây Bắc xuống, Đăng nhất định mời tất cả anh em sang nhà mình. Tưởng đâu như bạn bè thường mời nhau đến nhà, cơm nước đã sẵn sàng, nhà cửa gọn gàng sạch sẽ.

Nhưng không, sang đến nơi đã trưa trật, Đăng chỉ tay vào bếp: Các ông vào nhặt rau giúp tôi, để ý xoong nước lẩu trên bếp, sôi thì mở vung hớt bọt, tôi chạy đi đón con bé... Không muốn làm bạn vất vả hơn đã đành, chỉ cần tưởng tượng lại cảnh muốn ăn phải lăn vào bếp, ngồi ăn giữa đống đồ đạc lộn xộn, khó mà hấp dẫn được. Nói gì thì nói, bàn tay người phụ nữ dù không đảm đang cho lắm cũng hơn chán vạn một anh đàn ông buộc phải... siêng năng.

Đến những chuyện cười ra nước mắt

Cách đây ít lâu tôi gặp lại Tuấn. Anh khoe giờ đã vào làm công ty một người bạn, công việc khá bận rộn. Tôi hỏi vui: Thế thu xếp thời gian thế nào để đón con, dọn nhà và nấu cơm? Anh cười: “Vợ chồng chia nhau. Trước mình cứ lấy cớ công việc ỷ lại vợ, ở nhà hơn năm trời mới thấy nội trợ còn vất vả hơn việc công ty. Trước mình đọc trên mạng thấy hình vẽ người đàn ông bê cái hộp ghi công việc; bên cạnh là hình người đàn bà, cũng bê cái hộp ghi công việc, nhưng trên vai, trên đầu, dưới chân còn la liệt những hộp khác ghi lau nhà, nấu cơm, đi chợ... Cứ nghĩ là ba xàm, nịnh chị em. Hóa ra thực tế còn hơn cả thế”.

Quả thật, gặp việc mới hiểu được người. Nếu không trải qua thời gian làm việc nhà thay vợ một cách bất đắc dĩ như vậy, có lẽ Tuấn vẫn như phần lớn đàn ông khác, đi làm xong còn tụ tập nhậu nhẹt, thể thao, mọi việc nhà đàn bà con gái tự lo. Nhưng anh Hà (Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) lại là tuýp người khác. Từ ngày nhà anh chuyển về khu dân cư này, mọi người đã phải ghi nhận: “Cha này siêng hơn... chị em”.

Đi công tác ở đâu cũng tìm sản vật mang về, chiều làm về cũng hay tụ tập bạn bè, nhưng cứ phải đón cậu con út và tranh thủ tạt qua chợ mua giúp món ăn để vợ đi làm về có cái nấu nướng. Có lần mấy anh em trong khu dân cư kéo nhau đi nhậu, qua nhà gọi, thấy anh đang hý hoáy giã cua, mấy bà nội trợ hàng xóm đứng xung quanh, bình phẩm cua béo cua gầy; rồi quay sang cánh đàn ông, bảo các anh nhìn gương người đàn ông của xóm mà học hỏi nhé.

Từ đấy, cứ nhắc đến anh Hà là mấy ông con trai trong ngõ lại kèm theo chữ “cua” phía sau. Thỉnh thoảng, trong những cuộc nhậu lại có dăm ông xỏ xiên: Mai về có cua béo mua cho mấy cân; ông có quét nhà giã cua thì đóng cửa lại, mặt quần áo dài tử tế nhé, chị em lại ghen tị không đảm đang đoan trang bằng...

Nói vậy, đàn ông dù đảm đang đến đâu cũng không thể bằng người phụ nữ. Phụ nữ có cái tinh tế của người ta, đàn ông mình thì cứ ào ào thế thôi.

Bắc Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ