Không dừng lại ở đó, tình hình vùng Vịnh những ngày này hết sức căng thẳng, bởi cả Mỹ và Iran cùng điều binh, khiển tướng cùng những tuyên bố sặc mùi khói súng.
Khi cả hai đều “lên dây cót”
Nguy cơ của một cuộc chiến thực sự ở Trung Đông có vẻ như ngày một rõ ràng. Tuyên bố không muốn chiến tranh với Iran, nhưng vào ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump lớn tiếng đe dọa: “Nếu Iran muốn chiến đấu, đó sẽ là sự kết thúc chính thức của nước này”.
Ngay hôm sau (ngày 20/5), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ra tuyên bố: “Những trò công kích mang tính diệt chủng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không xóa sổ được Iran”.
Trên Twitter của mình, Ngoại trưởng Zarif viết: “Đừng bao giờ đe dọa người Iran. Phải biết tôn trọng mới có hiệu quả”.
Ngày 21/5, tin từ an ninh Iraq cho biết, Mỹ đã điều một lực lượng lớn gồm 70 xe quân sự từ Jordani tới căn cứ không quân Ayn al-Assad ở miền Tây Iraq. Cũng theo tin trên, trong những ngày tháng 5 này, số binh sĩ đồn trú tại hai căn cứ Ayn al-Assad và Habanie-yeh đã lên tới 10 nghìn người. Họ trang bị vũ khí hiện đại để sẵn sàng chiến đấu.
Trước đó, theo USNI News, ít nhất 7 tàu chiến Mỹ đang được triển khai ở trong và gần Vịnh Persic, trong đó có hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke với vũ khí tên lửa dẫn đường McFaul và Gonzalez, tàu đổ bộ vạn năng Kearsarge. Thêm vào đó, nhóm tấn công do tàu sân bay lớp Nimitz dẫn đầu là
Abraham Lincoln nằm ngoài khơi bờ biển Oman. Nhóm này bao gồm tàu tuần dương tên lửa Vịnh Leyte, tàu khu trục Mendez Nunez và tàu khu trục Bainbridge. Trước đó, có tin quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã phê chuẩn việc điều tàu Arlington của Hải quân Mỹ và hệ thống phòng không Patriot sang khu vực có thể xảy ra xung đột ở Vịnh Persic. Ngoài ra, hai máy bay ném bom chiến lược
B-52H Stratofortress, có khả năng mang 4,5 tấn bom và tới 20 tên lửa hạt nhân đã được triển khai đến căn cứ không quân Udeid.
Đáp trả những hành động chuẩn bị lực lượng của Mỹ, Phó Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo
Mohammed Saleh Jokar tuyên bố rằng tất cả các tàu này có thể là mục tiêu cho “tên lửa tầm ngắn của Iran”.
Liệu chiến tranh có xảy ra?
Mỹ đã cảnh báo các hãng hàng không toàn cầu về nguy cơ khi bay qua Vịnh Persic. Truyền thông Ả Rập cũng khẳng định rằng, một số quốc gia vùng Vịnh đã đồng ý để Mỹ triển khai quân đội trên lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ (CNI) cho rằng, xung đột Mỹ - Iran nếu bùng phát có lẽ chỉ xoay quanh khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực của Tehran. Còn nếu xung đột trở thành chiến tranh trên diện rộng thì hậu quả sẽ hết sức nặng nề, bởi Tehran sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo ông Kazianis thì nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh trong khu vực để kiềm chế Iran.
Cùng quan điểm với ông Kazianis, một thành viên hàng đầu của Hội đồng hợp tác các quốc gia Ả Rập thuộc vùng Vịnh (GCC) (giấu tên) nhận định: “Tôi đang loại trừ đối đầu trực tiếp. Mọi thứ sẽ tiếp tục qua cuộc chiến với sự giúp đỡ của các bên trung gian”.
Về phần mình, nhiều khả năng Tehran sẽ gây sức ép quân sự lên các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, khiến họ phải từ chối cho Washington sử dụng lãnh thổ nước mình làm bàn đạp tấn công Iran.
Các đồng minh thân cận cũng đang sát cánh cùng Tehran. Tuyên bố ủng hộ Tehran được vang lên từ Baghdad và vào thứ Bảy tuần trước, thủ lĩnh của phong trào Shiite Hezbollah của Lebanon Hassan
Nasrallah khẳng định: “Nếu Mỹ bắt đầu chiến tranh với Iran, Tehran sẽ không đơn độc trong cuộc đối đầu này, bởi số phận của khu vực liên quan trực tiếp tới nước Cộng hòa Hồi giáo”.
Trước tình hình căng thẳng leo thang, GCC sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Mecca vào ngày 30/5 để thảo luận về tình hình khu vực. Cùng ngày, một cuộc họp của Liên minh các quốc gia Ả Rập (LAS) đã được lên kế hoạch tại Mecca. Tinh thần chung là các nước trong khu vực ủng hộ một giải pháp đàm phán qua kênh ngoại giao.
Trong bối cảnh ấy, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vừa có chuyến công du các nước đối tác tin cậy nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Ngày 17/5, tại Bắc Kinh, ông Zarif kêu gọi các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran phải có những “hành động cụ thể” thay vì chỉ những tuyên bố ủng hộ suông.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến toàn diện Mỹ - Iran khó có thể diễn ra. Xét cho cùng, bản chất của căng thẳng leo thang trong xung đột Mỹ - Iran là do Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có một thỏa thuận hạt nhân mang đích danh tên ông chứ không phải thừa hưởng “di sản” từ người tiền nhiệm Barack Obama.
Câu chuyện mang tên Iran cũng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đàm phán hạt nhân với Triều Tiên đang là những điểm nhấn quan trọng để ông Donald Trump vững tin bước vào cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ vào cuối năm tới mà thôi.