“Trò chơi nguy hiểm”
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, ông Zarif cảnh báo Mỹ “đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm” khi tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Ông Zarif chỉ trích Mỹ đã phái nhóm tấn công tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một lực lượng đặc nhiệm ném bom đến vùng Vịnh. “Có tới chừng ấy lực lượng quân sự trong một khu vực nhỏ” - ông Zarif nói - “Cần phải thận trọng cao độ và Mỹ đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm”.
Ông cáo buộc Mỹ là nước đầu tiên đã rút ra khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay JCPOA, thỏa thuận năm 2015 được thiết kế để hạn chế khả năng hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. “Chúng tôi đã hành động một cách thiện chí”, ông Zarif nói về thỏa thuận được ký kết bởi Mỹ, Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga, “và chúng tôi sẽ không sẵn sàng nói chuyện với những người đã thất hứa”.
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ đã đăng tải một tweeter khá cứng rắn: “Nếu Iran muốn chiến đấu, đó sẽ là kết thúc chính thức của Iran” và “đừng bao giờ đe dọa Mỹ!”.
Iran sẽ không khuất phục trước các mối đe dọa, ông Zarif nói. “Iran không bao giờ đàm phán với sự ép buộc. Bạn không thể đe dọa bất kỳ người Iran nào và mong họ tham gia. Điều đó chỉ có thể đạt được thông qua sự tôn trọng, không phải thông qua các mối đe dọa”.
Ông Zarif nói rằng “sẽ có hậu quả đau đớn nếu có sự leo thang”. Nhưng ông cũng nói thêm rằng Iran “không quan tâm đến việc leo thang” mà kêu gọi chấm dứt ngay lập tức “chiến tranh kinh tế” do Mỹ tiến hành ở Iran, rằng các biện pháp trừng phạt đang “tước đoạt sinh kế của các công dân Iran”.
“Tất cả những gì chúng tôi muốn làm là bán dầu của chúng tôi”, ông Zarif nói thêm rằng Mỹ “chỉ là một kẻ bắt nạt ngăn cản mọi người mua dầu của chúng tôi”.
Ông nói rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, vốn đã tác động mạnh đến nền kinh tế Iran, “chẳng khác gì khủng bố” đối với công dân nước này.
Iran “phản pháo”
Iran tuyên bố sẽ rút một phần khỏi thỏa thuận nhân một năm ngày Mỹ rời khỏi hiệp định, trong đó đưa ra hạn ngày 7/7 để các bên ký kết còn lại của thỏa thuận giảm bớt các hạn chế đối với các ngành ngân hàng và dầu mỏ đang bị ảnh hưởng nặng nề của Iran, hoặc đối mặt với sự trả đũa không xác định.
Các bên ký kết châu Âu đang ở trong một vị trí khó xử: Hoặc ở bên chính quyền Trump và tránh xa thỏa thuận, hoặc bảo vệ thỏa thuận này bằng cách viện dẫn các lời kêu gọi của Iran để giảm bớt các hạn chế, bất chấp nguy cơ Mỹ sẽ ra đòn trừng phạt.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt - người đã nhiều lần cam kết ủng hộ thỏa thuận này - đã cảnh báo Iran về “hậu quả” nếu không tuân thủ thỏa thuận. Nhưng ông Zarif nói rằng thông báo của Iran không phải là tối hậu thư cho các bên ký kết còn lại, và khẳng định rằng họ đang hành động theo các quy tắc của thỏa thuận; Iran chỉ chỉ trích Mỹ vì đã rời bàn đàm phán ngay từ đầu.
Ông Zarif cũng lưu ý rằng, chính quyền Trump cũng đã rời bỏ các hiệp định khí hậu Paris, Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Các ý kiến của ông Zarif đưa ra sau khi nhiều nguồn tin cho rằng Iran đã tăng gấp bốn lần tốc độ sản xuất uranium làm giàu thấp. Bằng cách tăng cường sản xuất, Iran có thể sớm vượt quá ngưỡng 300 kg theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Hiện nay, không ai biết chi tiết về kho dự trữ hiện tại của đất nước này, nên thật khó để dự đoán khi nào ngưỡng sẽ bị vi phạm.
Theo thỏa thuận, Iran chỉ có thể làm giàu uranium ở mức 3,67% - phù hợp với một nhà máy điện và thấp hơn 90% so với yêu cầu đối với cấp vũ khí. Động thái này gây thêm căng thẳng cho những gì còn lại của thỏa thuận hạt nhân. Iran hồi đầu tháng này tuyên bố đã rút một phần khỏi hiệp định, sau quyết định rút khỏi thỏa thuận của Mỹ.