Chiến tranh giữa… thời bình

GD&TĐ - Cuộc chiến ác liệt ở miền Đông Ukraine trong những ngày qua đã đẩy quan hệ ngoại giao giữa Moskva và Kiev vào bế tắc mới. Hai bên cùng cáo buộc nhau phá vỡ thỏa thuận hòa bình Minsk.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald ...
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald ...

Ngay sau khi quân đội Ukraine rầm rộ tấn công vào sân bay Donetsk, Bộ Ngoại giao Ukraine đề nghị Nga ký khẩn cấp lịch trình thực hiện thỏa thuận Minsk, coi đó là điều kiện tiên quyết để chấm dứt bạo lực đang có nguy cơ leo thang.

Ukraine: Vừa đánh, vừa đàm

Căng thẳng ở miền Đông Ukraine leo thang từ cuối tuần trước, ngay sau khi Ukraine từ chối tham gia Hội nghị Ngoại trưởng 4 bên gồm: Đức, Pháp, Nga, Ukraine dự kiến tổ chức tại Berlin vào ngày 16/1. Có vẻ như các bên đã chính thức rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn Minsk để chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện.

Trên trang Facebook của mình, cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Yuri Biryukov viết: “Tất cả các đơn vị quân đội của chúng tôi ở vùng “B” (vùng chiến sự) đã nhận lệnh nổ súng vào các vị trí của các phần tử ly khai”. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Andrei Lysenko khẳng định, Ukraine quyết định triển khai một chiến dịch lớn.

Cũng theo lời Lysenko, mục đích của chiến dịch là chiếm sân bay Donetsk đang nằm trong tầm kiểm soát của quân nổi dậy. Theo BBC, quân đội Ukraine đã nã pháo hạng nặng vào sân bay này, 9 dân thường thiệt mạng, 44 người bị thương.

Giữa lúc cuộc giao tranh tại miền Đông đang diễn ra ác liệt, chính quyền Ukraine đề xuất thực hiện khẩn cấp thỏa thuận về việc giải quyết xung đột ở Ukraine đạt được tại Minsk vào tháng 9 năm ngoái vừa được chính quyền Ukraine đưa ra vào đêm thứ Hai (19/1).

Trong tuyên bố được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Ukraine, Kiev kêu gọi Moskva ký lịch trình thực hiện các thỏa thuận tại Minsk và ngừng bắn vào ngày 19/1. Kiev cáo buộc Moskva “rút chữ ký” vào tài liệu trên và… không bao giờ thực hiện. Trong khi đó, “Ukraine tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận Minsk và chờ đợi phía Nga và quân nổi dậy thực hiện thỏa thuận những 4 tháng trời” - Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.

Tại sao xung đột ở miền Đông Ukraine leo thang?

Xung đột ở miền Đông Ukraine bắt đầu leo thang từ tuần trước, khi quân đội Ukraine và các lực lượng nổi dậy phát động chiến tranh toàn diện.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Kiev phá bỏ thỏa thuận hòa bình Minsk, quyết chiếm miền Đông, đẩy căng thẳng trong khu vực leo thang?

Theo các nhà phân tích, sự đổ vỡ của Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước (Đức, Pháp, Nga, Ukraine) tại Berlin - bước chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh 4 nước dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/1 tại Kazakhstan là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tấn công Donetsk của Kiev.

Số là cả Đức và Pháp đều muốn nhanh chóng giải quyết khủng hoảng Ukraine, qua đó có thể hạ nhiệt căng thẳng với Nga, củng cố an ninh của châu Âu. Đức, Pháp quyết định gạt Mỹ ra ngoài lề cuộc đàm phán mới hy vọng mang lại kết quả. Để dọn đường cho Hội nghị 4 bên, nhân chuyến thăm Berlin vào ngày 12/1 của Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk, Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định cho Ukraine vay 5 tỷ euro.

Tuy nhiên, Mỹ đã phá hội nghị này bằng cách tuyên bố bảo lãnh cho Ukraine vay 2 tỷ USD qua IMF ngay vào chiều cùng ngày. Kiev ngay lập tức trở cờ, Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine đổ vỡ. Quyết định tấn công Donetsk của Ukraine được tiến hành ngay sau đó.

Đáp lại quyết định của Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga “chuyển bóng” sang phía Ukraine: “Nếu Kiev sẵn sàng có thái độ chân thành với quân nổi dậy thì hãy rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng xung đột”. Động thái này phù hợp với bản ghi nhớ Minsk ngày 19/11 năm ngoái. Ngoài ra, theo Moskva, đề nghị lịch trình thực hiện thỏa thuận Minsk của Kiev không có gì mới mà chỉ lặp lại đề nghị của Tổng thống Nga V.Putin với người đồng cấp Ukraine - Tổng thống Petro Poroshenko vào tuần trước.

Chiến tranh tại miền Đông Ukraine diễn ra dữ dội, quan hệ Nga - Ukraine thêm căng thẳng và khủng hoảng Ukraine đang đi vào ngõ cụt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian