Chiến thuật học và luyện thi ĐH môn Toán

3 sinh viên xuất sắc đến từ các trường ĐH danh tiếng tiết lộ với các sĩ tử về phương pháp ôn luyện và làm bài thi môn Toán trong kì thi ĐH.

Chiến thuật học và luyện thi ĐH môn Toán

Nguyễn Thành Công - sinh viên ĐH Ngoại thương HN

Thành Công từng có mặt trong đội tuyển HSG quốc gia năm 2012 và xuất sắc giành được giải nhì. Cũng năm đó, Công đỗ vào trường ĐH Ngoại thương HN với 24,5 điểm (trong đó Công được 9.75 điểm môn Toán)

Chia sẻ về kinh nghiệm thi môn Toán của mình, Công cho biết: Để đạt được điểm cao, ngoài kiến thức thì các bạn học sinh cần có kĩ năng lựa chọn “chiến thuật” làm bài hợp lý, sao cho trong thời gian 90 phút đầu tiên giải quyết được càng nhiều câu càng tốt, như thế tâm lý sẽ vững vàng và tự tin hơn.

Ngoài ra, trong giai đoạn ôn thi nước rút này, các sĩ tử cần dành một chút thời gian để hệ thống lại toàn bộ những phương pháp giải cơ bản nhất, những dạng bài thường xuất hiện trong đề thi nhất. 

Trong quá trình luyện giải đề thi, các bạn cố gắng trình bày bài hoàn chỉnh ra giấy để luyện khả năng viết lời giải và giải một bài toán hoàn thiện. Trong quá trình làm, nên rút ra những nhận xét về đặc điểm chung của một lớp bài toán nào đó để có định hướng tốt khi đứng trước những vấn đề khác.

Trần Trí Kiên - sinh viên ĐH Ngoại thương HN

Trần Trí Kiên - sinh viên năm nhất của trường ĐH Ngoại thương HN cũng là một chàng trai đã từng rất yêu thích và gắn bó với môn Toán. Kiên từng đạt giải Nhì HSG quốc gia môn Toán và là admin của Hội những người ôn thi ĐH, Hội những người thi HSG quốc gia môn Toán.

Để ôn luyện môn Toán hiệu quả, Kiên khuyên các sĩ tử trước hết cần nắm vững những kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, cần biết liên hệ giữa các phần với nhau và với các môn học khác. 

Ví dụ, khi giải được một bài toán bất đẳng thức bằng phương pháp thuần đại số, các bạn học sinh có thể suy nghĩ để mô tả thành một bài cực trị hình học, biết đâu có thể tìm ra cách giải hay và ngắn gọn hơn. Việc liên hệ giữa các phần của môn Toán và với các môn học khác giống như ghép các phần của một bức tranh tổng thể, các bạn sẽ vận dụng kiến thức và ghi nhớ một cách hiệu quả.

Toán là môn học của tư duy, luôn đòi hỏi sự tìm tòi, suy nghĩ. Vì thế, Kiên cho rằng, với một bài toán, không nên thỏa mãn với chỉ một cách làm mà nên tìm thêm cách giải khác để có được phương pháp tối ưu nhất.

Theo Kiên, các sĩ tử nên luyện nhiều đề thi thử của các trường ĐH, trường THPT chuyên nhằm nâng cao kĩ năng, tốc độ làm bài, đồng thời tránh những sai sót đáng tiếc dễ dẫn đến mất điểm đáng tiếc…

Mai Văn Chinh - sinh viên ĐH Y Hà Nội

Chàng trai xứ Thanh Mai Văn Chinh đã từng được nhiều người biết tới với chuỗi thành tích vô cùng đáng nể: Năm 2012, Chinh thi 2 khối A, B và cả 2 khối đều đạt 26,5 điểm. Đặc biệt, Chinh là thí sinh duy nhất của kỳ thi ĐH năm đó đạt được 2 điểm 10 ở môn Toán ở cả 2 khối.

Theo Chinh, việc học Toán là một quá trình rất dài, nhưng có thể “tóm gọn” trong 3 bước: Bước 1 là nắm vững kiến thức cơ bản và giải một số bài toán đơn giản. 

Bước 2: Từ kiến thức cơ bản, chứng minh và nắm vững các phép biến đổi cũng như các ứng dụng của nó giải quyết các bài toán bằng nhiều cách khác nhau. Bước 3 là phân tích, tổng hợp và hệ thống lại kiến thức.

Đa số các bạn học sinh đều chỉ dừng lại ở bước 1. Có lẽ chính vì thế mà khi gặp một bài toán tương tự nhưng bị “đánh lừa” bằng cách thay đổi một chút về cách diễn đạt giả thiết hoặc yêu cầu… thì các bạn sẽ bị lúng túng. 

Vậy nên, bước 2 giúp tăng khả năng phản ứng, linh hoạt hơn trong tư duy. Đồng thời rèn luyện thêm kỹ năng biến đổi và có nhiều công cụ hơn để xử lý các bài toán khác. Từ bước 3, có thể “sáng tác” những bài toán, dạng toán tương tự, suy xét những khả năng mà người ra đề biến tấu bài toán…

Theo Chinh, để giành được điểm cao ở môn Toán tại kì thi ĐH, các bạn học sinh nên học toán theo 3 bước trên một cách trọn vẹn nhất. Đồng thời, cậu bạn cũng khuyên các sĩ tử nên đặc biệt lưu ý tới kỹ năng trình bày trong bài thi môn Toán. 

Cách làm và kết quả của sĩ tử có thể đúng nhưng với một lời giải có nhiều thiếu sót trong lập luận và trình bày, chắc chắn sẽ không đạt được điểm tuyệt đối, với những người chấm "khó tính" có thể sẽ bị trừ điểm khá nặng. Ngoài ra các sĩ tử cũng nên lưu ý tới một số lỗi thường mắc phải khi tìm điều kiện, đối chiếu điều kiện, biến đổi không tương đương…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ