Chiến sự và "bóng đêm" bao phủ kinh tế

GD&TĐ - Bảy tuần sau cuộc chiến, nền kinh tế Nga đang rơi vào khó khăn như thế nào? Câu trả lời ngắn gọn là: Dưới mức mong đợi và điều tồi tệ hơn vẫn chưa xảy ra.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Trước chiến tranh, nền kinh tế Nga được cho là an toàn trước các cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô. Hình ảnh thường được các nhà kinh tế sử dụng có thể dùng để mô tả tình hình kinh tế Nga là: Bị mắc kẹt trong vũng lầy và do đó, khó có thể rơi khỏi vách đá.

Mặt khác, kể từ năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội của Nga đã tăng trung bình khoảng 1% mỗi năm. Trong khi đó, quỹ tài sản quốc gia đáng kể cũng như dự trữ ngoại hối lớn đã đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Quy tắc tài khóa và chính sách tiền tệ cũng góp phần vào tăng trưởng ổn định cho quốc gia này.

Vì vậy, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Nga như một “pháo đài”, có khả năng chống lại sự trừng phạt. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Nga cho rằng, thiệt hại nặng nề nhất mà phương Tây có thể gây ra là cắt Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.

Sau khi bị Mỹ đe dọa cắt khỏi SWIFT vào năm 2014, Nga bắt đầu phát triển một giải pháp thay thế trong nước. Đó là SPFS (Hệ thống truyền thông điệp tài chính). Mặc dù không hoàn hảo và chỉ giới hạn ở Nga, nhưng hệ thống này hoạt động từ năm 2017.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến bắt đầu, phương Tây đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn. Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào Ngân hàng Trung ương Nga, đóng băng dự trữ ngoại tệ bao gồm quỹ tài sản quốc gia.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến Ngân hàng Trung ương thực thi các biện pháp kiểm soát vốn, tăng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20% và đóng cửa thị trường tài chính trong vài tuần.

Chính phủ cũng chỉ thị cho các nhà xuất khẩu nhiên liệu lớn đổi 80% doanh thu của họ từ ngoại tệ thành rúp. Mặc dù vậy, lạm phát đã tăng vọt lên 2% mỗi tuần trong ba tuần đầu tiên của cuộc chiến và 1% mỗi tuần sau đó.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và đòn trừng phạt đã khiến Nga tách khỏi nền kinh tế toàn cầu. Đây là lý do không có gì ngạc nhiên khi dự báo GDP năm nay của quốc gia này giảm. Trước chiến tranh, GDP của Nga được cho là sẽ tăng 3% vào năm nay, khi nước này phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch.

Các dự báo được đưa ra cho thấy, nhiều khả năng, Nga sẽ đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1990. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến.

Mặc dù, nền kinh tế Nga có thể trở về trạng thái cân bằng mới trong một hoặc hai năm, nhưng sẽ không thể sớm phục hồi. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nga sẽ tiếp tục tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển.

Ngay cả khi các biện pháp kiểm soát vốn và tiền tệ của Ngân hàng Trung ương đang giúp tăng giá đồng rúp và làm chậm lạm phát, thì các yếu tố kể trên sẽ khiến Nga khó có khả năng phục hồi như trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ