Chiến lược dài hơi

GD&TĐ - Trong cả 3 đợt dịch Covid – 19 vừa qua, dạy – học trực tuyến được các trường phổ thông xem là giải pháp tình thế trong điều kiện HS buộc phải ở nhà để phòng, chống dịch bệnh.  

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nói là giải pháp tình thế bởi sau khi HS đi học trở lại, các trường học đều tổ chức đánh giá lại mức độ nắm bắt kiến thức của các em. Thầy cô giáo phải dành thời gian giảng dạy lại các kiến thức cho những HS không tham gia học trực tuyến hoặc không nắm vững.

Chính vì vậy, cả GV, HS và phụ huynh đều có suy nghĩ rằng dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ để duy trì cảm giác học tập cho HS. HS tham gia học cũng được, không học  vẫn được “bù đắp” lại kiến thức. Nhiều địa phương rất lúng túng khi tính giờ quy đổi cho GV trong thời gian dạy – học trực tuyến vì không biết căn cứ vào đâu. 

Trong khi đó, dạy học trực tuyến cũng đồng thời yêu cầu người dạy, người học phải thay đổi cả quan niệm, phương pháp giảng dạy và cách học để phù hợp với hình thức mới. HS có thể chỉ cần quét mã vạch có thể tải bài tập về làm. GV nắm được quá trình làm bài của tất cả HS để xác định được nội dung kiến thức nào các em nắm chưa vững.

Lớp học được cá thể hóa đến từng HS thay vì chỉ dừng lại một vài em được GV gọi phát biểu như cách dạy trực tiếp. Với việc được trao quyền chủ động, nhiều GV đã sử dụng hình thức giao bài tập trực tuyến cho HS trong các tiết dạy trực tiếp. Tuy nhiên, gần như điểm số của các bài tập chỉ mang tính khuyến khích chứ chưa được tính vào điểm bài kiểm tra định kỳ. 

Theo báo cáo PISA năm 2020 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, việc học trực tuyến để phòng, chống Covid – 19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến. Tỉ lệ này cao hơn 12,2% so với mức trung bình của các nước OECD.

Tuy nhiên, nếu so với giáo dục đại học, việc áp dụng hình thức này ở phổ thông còn khá lúng túng. Khi chưa có một hành lang pháp lý, việc dạy học trực tuyến gần như phụ thuộc nhiều vào sự nhiệt tình, chủ động của từng trường học, cán bộ quản lý và GV. 

Trước khi ban hành thông tư về quy định dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT đã có sự chuẩn bị dài hơi trong phát triển học liệu số ở bậc phổ thông. Đến nay, có khoảng 5.000 bài giảng E-learning, 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm.

Các địa phương đã có sự đón đầu trong việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), mạng Internet… để đáp ứng nhu cầu học tập. Với thông tư này, ngành GD-ĐT có thêm căn cứ để tham mưu với địa phương để có chính sách đầu tư hạ tầng và nhân lực đáp ứng quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. 

Trong bất kỳ bối cảnh nào, việc ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả học tập đều cần thiết trong một xã hội phát triển có tính linh hoạt ứng phó, chứ không phải chỉ khi dịch bệnh xảy ra. Trong đó, người thầy sử dụng CNTT như là công cụ tối ưu hoá mục tiêu và khắc phục khó khăn về không gian và địa lý.

Giáo viên đồng thời nghiên cứu việc áp dụng hoạt động tương tác nghiệp vụ như thế nào để phát huy hết lợi thế công nghệ sẵn có giúp người học được hưởng thụ tối đa nền tảng kiến thức và kỹ năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.