Chị Thùy Linh thân mến!
Cầu lông có lẽ là một trong những môn thể thao “quốc dân” nhất khi ai cũng có thể sắm cho bản thân một chiếc vợt và quả cầu để chơi. Sân cầu lông có thể là ngoài công viên, sân trường miễn là trời đứng gió, hay với những ai muốn thử cảm giác “sang chảnh” hơn thì họ sẽ thuê sân trong nhà.
Từ lâu, cầu lông rất được ưa chuộng bởi lối chơi khéo léo, khỏe mạnh cũng như luật chơi đơn giản và phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính. Tuy được phổ biến rộng rãi là vậy nhưng không phải ai cũng có thể trở thành vận động viên cầu lông chuyên nghiệp. Nhất là ở Việt Nam, đôi khi những môn thể thao như cầu lông không được chú trọng và đầu tư mạnh tay để đào tạo trẻ như các nước khác trên thế giới càng khiến cho số vận động viên trong nước có thể vươn tầm lại càng ít hơn.
Em biết đến chị qua những trận đấu của chị ở kì Olympic Tokyo. Rơi vào bảng đấu khó với sự góp mặt của tay vợt số 1 thế giới tại thời điểm đó là Tai Tzu-ying và những đối thủ khó khác nhưng với màn trình diễn tuyệt vời và đầy tự tin của mình, chị đã có được cho mình 2 trận thắng thuyết phục. Chính những bước chạy thanh thoát của chị trên sân đã truyền cho em rất nhiều cảm hứng và động lực trong cuộc sống đấy.
Em chơi cầu lông cũng đã được 3 năm rồi. Còn nhớ năm lớp 8, em được một bạn trong lớp rủ đi tập cầu lông và từ đấy em bắt đầu chơi bộ môn này. Lúc chưa biết đánh, em còn luống cuống, đôi khi cầm vợt sai. Em đã nghĩ mình quá chậm, quá yếu và không đủ khéo léo để chơi cầu lông. Bước chân lên cấp 3, em cũng rất may mắn khi được gặp những anh chị, bạn bè chơi tốt môn cầu lông. Họ luôn kiên trì dạy và ở bên cạnh em trong từng pha cầu. Khi bắt đầu chơi khá hơn, em mới bắt đầu cảm nhận rõ ràng hơn về những nét nghệ thuật trong môn cầu lông.
Nếu như trước đây, em thường hay xem chú Tiến Minh thi đấu qua truyền hình thì bây giờ em lại là fan cứng của chị. Bởi lẽ, chị có một lối đánh đầy tốc độ và khéo léo khiến cho những trận đấu mà chị góp mặt luôn thật sự sôi động và cuốn hút trong từng pha cầu.
Ảnh Internet. |
Sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, nơi cầu lông không phát triển lắm nhưng từ nhỏ chị đã bén duyên với bộ môn này. Năm 10 tuổi, đã phải rời xa gia đình, đến Hà Nội tập luyện cầu lông chắc hẳn chị phải tự mình nỗ lực nhiều lắm nhỉ. Không những thế, chị còn phải bỏ dở đam mê của mình trong 2 năm do mẹ chị cho rằng thể thao không phù hợp với con gái.
Em biết, với những nữ vận động viên muốn theo con đường thể thao chuyên nghiệp, nhiều khi bị gia đình ngăn cản vì cho rằng thể thao là dành cho con trai. Rời xa cây vợt cũng, sân tập, và niềm đam mê luôn cháy bỏng trong lòng trong 2 năm thật sự là một thử thách lớn phải không chị?.
Em cảm thấy rất vui vì cuối cùng chị cũng chứng minh cho mẹ của mình thấy được ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp là đúng đắn và ngày ngày chị đang đổ mồ hôi tập luyện để góp phần xây dựng nền thể thao nước nhà.
Em cũng đọc được câu chuyện khá thú vị về ông ngoại của chị, người luôn ủng hộ ước mơ, niềm đam mê của chị từ hồi còn tấm bé. Đó là trong tập luyện, mỗi khi chị đạt được một cột mốc mới ông lại thưởng cốc chè thập cẩm. Sau khi tập cầu lông mệt mỏi mà được thưởng thức một cốc chè ngọt lịm thì còn gì bằng chị nhỉ. Chỉ là một cốc chè thôi nhưng em nghĩ trong đó chứa đựng biết bao tâm tư, sự kì vọng cũng như tình cảm mà ông ngoại dành cho chị.
Giống như nhiều vận động viên khác, chị phải đối mặt với sự thiếu hụt kinh phí trong khoảng thời gian đầu lúc mới bước vào làng cầu lông. Chỉ là đánh vui thôi nhưng mỗi tháng em vẫn phải tiêu tốn đến hơn 100 nghìn đồng tiền cầu, tiền sân. Vì vậy, em hiểu được với một vận động viên chuyên nghiệp như chị, phải tập luyện mỗi ngày thì kinh phí phải bỏ ra là không hề nhỏ.
Ngoài ra, nếu như những người chơi phong trào như em, chỉ cần một chiếc xe đạp là có thể giao lưu, tập luyện cùng bạn bè trong xóm thì chị phải ra nước ngoài để cọ xát nhằm nâng cao trình độ. Những hạn chế trong tài chính đôi khi sẽ khiến cho chị gặp khó khăn trong việc nâng cao trình độ của mình chị nhỉ.
Thật may khi những năm gần đây nhiều khoản đầu tư hơn được dành cho ngành cầu lông giúp cho chị và một số vận động viên khác có nhiều cơ hội để thi đấu quốc tế hơn. Nhất là thành tích lọt vào đến chung kết cùng màn trình diễn thuyết phục của chị trong xuyên suốt giải cầu lông Đức mở rộng vừa qua đã làm nức lòng giới hâm mộ cầu lông Việt Nam.
Thực sự trên sân cầu chị giống như một chiến binh vậy, không ngừng chiến đấu cho tấm vé dự Olympic 2024 cũng như niềm hy vọng mang lại vinh quang cho thể thao nước nhà.
Thôi thư cũng dài rồi, em dừng bút đây. Em mong chị và các vận động viên cầu lông nói riêng và thể thao nói chung sẽ tiếp tục có được sức khỏe và thi đấu thành công để đem lại vinh quang cho Tổ quốc.