Ngày... tháng... năm...

Người bạn kỳ diệu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tôi nâng niu bạn không chỉ với tư cách là một người chơi ảo thuật, một người bạn, mà còn vì tôi đã gửi gắm quá nhiều tâm huyết vào trong bạn.

Một bộ bài mượn từ tay khán giả, tôi có thể thỏa sức biểu diễn theo trí tưởng tượng của bản thân. Ảnh: Lê Đức Triết
Một bộ bài mượn từ tay khán giả, tôi có thể thỏa sức biểu diễn theo trí tưởng tượng của bản thân. Ảnh: Lê Đức Triết

Bộ bài thân quý!

Chắc hẳn, khi đọc lời chào đầu tiên của tôi trong bức thư này dành cho bạn không ít người sẽ bật cười. Thật vậy, đối với họ, bộ bài là một vật rất bé nhỏ, thậm chí rẻ mạt, có thể mua ở bất kì đâu và chỉ dành cho mục đích giải trí trong chốc lát. Thế nhưng, tôi với bạn thì lại khác...

Nhắc đến bạn, người ta thường nghĩ đến ngay những ván bài, khi mà sự tính toán cũng như may rủi lên ngôi. Đánh bài cũng vui, cũng cuốn hút đấy, nhưng cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, sau vài ba lượt chơi, tôi đã chứng kiến rất nhiều bộ bài bị vứt thẳng vào thùng rác. Họ có tiếc không? Câu trả lời có lẽ sẽ là không. Đối với họ 5 hay 10 nghìn đồng cho một bộ bài mới tinh đổi lấy một vài tiếng giải trí quả là một cái giá rất phải chăng. Mà muốn tậu bộ bài mới cũng chẳng khó gì. Tôi có thể khẳng định rằng, mọi tiệm tạp hóa đều bày bán các bộ bài tú lơ khơ, đủ loại màu sắc, kích thước. Vậy nên, sau khi những ván bài ngã ngũ và người chơi cũng đã chán cũng là lúc bạn trở nên “vô dụng” và bị vứt đi một cách không thương tiếc. Đọc đến đây, bạn có lẽ cũng sẽ đặt cho mình một câu hỏi rằng, tại sao tôi lại nâng niu, trân trọng bạn thế đúng không? Câu chuyện này tôi kể cho bạn sẽ thay cho câu trả lời nhé.

Tôi là một thằng bé mang trong mình tâm hồn đậm đặc “nghệ thuật”. Tôi không nhận tôi là một nghệ sĩ, nhưng tôi cũng cảm nhận được tính “nghệ thuật” luôn tràn đầy trong huyết quản của tôi. Dẫn chứng? Có ngay đây. Này nhé, tôi sinh ra trong một gia đình cũng rất sành nghệ thuật, đặc biệt là mẹ tôi. Từ bé, tôi đã bám theo mẹ đi hết các rạp hát trên toàn thành phố để xem ca nhạc hiện đại cũng như dân gian. Chất “nghệ thuật” ngấm vào tôi từ lúc đấy. Tôi vốn tư duy logic khá tốt và tiếp thu kiến thức nhanh nên môn Toán của tôi không đến nỗi nào. Thật sự, khi ngồi trên lớp, ngoài cách mà thầy cô đã dạy chúng tôi để xử lí một bài toán, tôi luôn mày mò thêm những cách mới. Đôi khi, tôi tìm ra cách giải nhanh hơn, gãy gọn hơn, nhưng cũng có lúc con đường tôi nghĩ ra để về đích lại dài loằng ngoằng. Khi ngồi luyện tập, tôi vẫn luôn áp dụng cách làm của tôi, cho dù dài đấy nhưng lại mang đến rất nhiều cảm hứng. Trong thể thao, tôi chơi cầu lông và thật sự khá “nổi tiếng” với những pha bỏ lỡ cơ hội đến khó tin cùng những pha ghi điểm ngẫu hứng. Có lúc, tình huống đơn giản đến mức, ai trên sân cũng nghĩ tôi sẽ ghi điểm nhưng cuối cùng tôi lại “múa” và đánh hỏng. Khi mọi người cho rằng tôi sẽ thua thì đùng một cái tôi khéo léo và uyển chuyển đến bất ngờ, đảo ngược tình thế. Đúng vậy đấy, tôi thừa biết, thường thì trong những tình huống mang đầy tính biểu diễn của mình, tôi đánh hỏng nhiều hơn là ghi điểm nhưng tôi vẫn duy trì lối chơi “nghệ thuật mạo hiểm”, kể cả đó là một giải đấu loại trực tiếp đi chăng nữa. Thật lòng mà nói, tôi chỉ thật sự vui khi có cho mình một niềm cảm hứng và sống đúng với tính cách của mình. Tôi cũng từng đặt ra câu hỏi, liệu mình có bị nghiện nghe nhạc không? Đối với tôi, cuộc sống thật tẻ nhạt nếu thiếu đi âm nhạc. Một buổi chiều mưa ở nhà nghe nhạc và làm toán đối với tôi tuyệt vời hơn tất cả mọi thứ trên đời.

Bộ bài - nhỏ mà có võ. Ảnh: Lê Đức Triết

Bộ bài - nhỏ mà có võ. Ảnh: Lê Đức Triết

Trước đây, tôi cũng giống như người ta, cũng chẳng giữ gìn và sớm tiễn bộ bài vào trong thùng rác sau khi chơi xong. Mối quan hệ giữa tôi và bạn chỉ thật sự thay đổi khi tôi chơi ảo thuật. Tôi học ổn, chơi được rất nhiều môn thể thao nhưng nghệ thuật thì tôi chẳng theo đuổi trường phái gì cả, cho dù tôi rất muốn, song vì điều kiện về thời gian và tài chính của gia đình. Ban đầu khi nghĩ đến nghệ thuật, ở Việt Nam ai cũng nghĩ đến hát, nhảy, múa… chứ ảo thuật gần như không được nhắc đến. Thế mà bạn biết không, một lần khi tôi vô tình nhìn thấy đôi bàn tay khéo léo của ảo thuật gia cầm bộ bài trên tay và làm ra những điều kì diệu đến không tưởng, tôi đã thốt lên, đây là bộ môn nghệ thuật dành cho mình. Thứ ảo thuật tôi theo đuổi, không nặng nề cồng kềnh và quen đến mức chán như những trò người ta hay diễn ở rạp xiếc, mà đầy tính nghệ thuật, nhỏ mà có võ.

Một bộ bài mượn từ tay khán giả, tôi có thể thỏa sức biểu diễn theo trí tưởng tượng của bản thân. Bạn đã cùng tôi trải qua những lúc vui cũng như buồn, thành công cũng như thất bại khi biểu diễn. Thời gian đầu, việc tập luyện còn rất khó vì tôi không quen cầm bài quá lâu dẫn đến lá bài cứa vào tay rất rát cộng thêm những thất bại liên tiếp, tôi đã định bỏ cuộc. Chính những thời điểm ấy, bạn đã ở bên và động viên, tiếp thêm động lực cho tôi. 52 lá bài trong bạn đều mang một màu sắc riêng, dưới góc nhìn của tôi, bạn như một cuộc sống thu nhỏ vậy có đủ các cung bậc “hỉ, nộ, ái, ố”. Bạn đã chỉ cho tôi thấy rằng, hãy kiểm soát và sống cuộc sống của mình như cái cách mà tôi diễn ảo thuật vậy, đầy đam mê, nhiệt huyết và có những chất riêng, những con át chủ bài trong thời khắc quyết định. Tôi nâng niu bạn không chỉ với tư cách là một người chơi ảo thuật, một người bạn, mà còn vì tôi đã gửi gắm quá nhiều tâm huyết vào trong bạn. Đối với tôi, cho dù bạn có là bộ bài 10 nghìn đồng ở chợ dùng để tập hay là bộ 100 nghìn đồng chuyên đi diễn thì giá trị về mặt tinh thần bạn đem lại vẫn to lớn như nhau.

Thôi thư cũng dài rồi, tôi dừng bút đây. Chúc tình bạn của hai ta sẽ luôn lâu dài và bạn sẽ đồng hành cùng tôi trong dự án sắp tới mà tôi ấp ủ nhé!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ