Vui - buồn, có bạn bên mình!

GD&TĐ - Bạn Nhật ký mến thân! Bạn Nhật ký thân mến! Vậy là hơn một tuần rồi, mình chưa viết bất cứ một điều gì cho bạn.

Vui - buồn, có bạn bên mình!

Bởi tuần vừa rồi mình bận quá. Mình phải làm một núi bài tập để chuẩn bị thi giữa kỳ. Sáng rồi chiều đều học trên trường. Tối về, sau bữa cơm cũng phải ngồi ngay vào bàn để học. Lúc học xong, mình cũng định tranh thủ ghi nhanh vài dòng cho bạn nhưng vừa cầm cây bút lên thì hai mắt đã ríu lại, cái đầu gật gù liên tục… Thế là, chẳng biết bằng động tác nào mình đã vút lên giường và trùm chăn ngủ ngon lành. Mình đã bỏ bạn đơn độc một mình trên chiếc bàn bề bộn sách vở. Chắc khoảnh khắc ấy, Nhật ký buồn lắm phải không?

Bạn Nhật ký à! Đêm nay, mình tự cho phép mình giải lao một khoảng thời gian dài để bù đắp lại cho bạn. Mình biết, mình dành thời gian tâm sự với bạn là mình đã làm trái lời mẹ dặn – phải học xong sớm trước 21 giờ để xuống trông em, nhưng nghĩ đến thời gian dài vừa rồi không hỏi han gì bạn nên mình quyết định cầm bút và viết…

Đêm nay, mình sẽ không viết kiểu ghi nhật ký những chuyện mới xảy ra trong ngày như cái lần gần nhất mình có ghi rằng: “Kết thúc kỳ nghỉ Tết, mình phải đi học lại rồi nè! Thầy chu đáo ghê á! Thầy lì xì cho cả lớp, mỗi bạn 10 ngàn đồng – số tiền không nhiều nhưng là tình cảm thầy dành cho cả lớp nên rất vui. Về nhà, thật bất ngờ, cô Thơ (dạy tiếng Anh), cô Hà (cô giáo cũ dạy năm lớp 2) đến chơi. Hai cô hỏi thăm và lì xì cho tớ.

À, mà Tết này, chú Hoàn và mự anh về quê ăn Tết. Mình cùng em gái và Kim Chi được chú chở đi chơi nhiều nơi, vui lắm lắm. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì… chú mự đã phải trở lại xứ người...”. Hay như vào ngày 22 tháng 2 vừa rồi mình có ghi mấy dòng cho bạn: “Hôm ấy, thấy mẹ vui vì được cả nhà tổ chức mừng sinh nhật. Tôi cũng đã đi trải nghiệm xong. Mệt mà vui… Từ khi có hai em bé, mình dường như bị ra rìa… Mình vẫn đang băn khoăn lớn lên sẽ làm nghề khoa học hay trở thành nhà văn…”…

Những trang nhật ký thân thương của Phương Linh. Ảnh: NVCC

Những trang nhật ký thân thương của Phương Linh. Ảnh: NVCC

Nhật ký thân mến! Bạn là người bạn đã cùng mình chia sẻ biết bao nhiêu chuyện buồn vui trong suốt mấy năm qua. Những lúc học hành áp lực mình cũng trút phiền muộn lên bạn. Những lúc bị bạn bè ở lớp trêu chọc, hờn giận mình cũng than phiền hết cho bạn nghe. Cũng có khi bị điểm kém, bị bố mẹ rầy la… mình cũng đem thổ lộ với bạn. Vậy mà bạn vẫn chịu khó lắng nghe. Bạn để cho mình thỏa thích trút bỏ hết buồn bực.

Mình nhớ ngày 6 tháng 6 mình đã trút nỗi bực dọc lên bạn: “Bực mình ghê! Mình chẳng làm gì sai cả mà dì vẫn cứ cáu gắt với mình. Chưa hết đâu, khi mình vào phòng để làm hòa thì bị dì chế giễu và bị đuổi ra, cũng may khi ấy có mẹ ở đấy che chở cho mình…”. Thật lòng, mình rất biết ơn bạn về điều đó. Bạn biết không, khi những muộn phiền được giải tỏa mình lại lạc quan yêu đời hơn, mình thấy cần cố gắng hơn trong học tập…

Nhật ký à! Bây giờ, mình mới tâm sự với bạn về những chuyện trước đây chưa khi nào mình giãi bày. Đó là những chuyện trong thời gian tới, trong tương lai của mình và bạn. Như có lần đã bộc bạch, mình đang băn khoăn sau này sẽ làm nghề gì. Ban đầu, mình nghĩ rất thích nghiên cứu khoa học. Mình đã nuôi dưỡng ước mơ đó trong nhiều năm. Mình muốn tự tạo ra được thiết bị thông minh trong lĩnh vực y học. Nó có thể giúp các bác sĩ chữa bệnh hiệu quả hơn, giúp bệnh nhân bớt đau đớn trong quá trình điều trị bệnh.

Ước mơ đó xuất phát trong một lần mình phải chứng kiến em gái của mình bị ốm. Em được bố đưa vào viện và phải tiêm, truyền. Em đã rất đau và khóc rất lâu sau khi phải tiêm. Ước mơ ấy càng cháy bỏng hơn sau khi mình phải chứng kiến dịch bệnh Covid-19. Nó đã cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già. Mình luôn tin rằng, sẽ có một ngày trong tương lai, bản thân sẽ sáng chế ra những thiết bị hiện đại nhất để điều trị cho bất kì người bệnh nào, giúp họ hết đau đớn, sống khỏe, sống vui.

Nhưng Nhật ký à! Gần đây trong mình lại xuất hiện thêm niềm đam mê mới. Niềm đam mê viết truyện tranh. Mình vốn thích đọc sách, thích vẽ. Và bỗng nhiên, mình có ý tưởng tự viết những câu chuyện và tự mình vẽ tranh minh họa. Niềm mong ước này càng ngày càng lớn dần lên. Nhiều hôm, học xong, mình tranh thủ viết và vẽ. Cũng vì vậy, có hôm, mình đã không hoàn thành được bài tập về nhà mà thầy giao. Nói đến bài tập về nhà, mình thấy nhiều bài tập quá, như đợt nghỉ Tết, có cả tá bài tập.

Mình đã phải lo lắng khi ra Tết đi học mình vẫn chưa thể giải hết các bài tập. Ước gì bài tập về nhà thầy ra ít hơn. Nhưng như thế, mình lại không thể thi được vào ngôi trường trên thị trấn mà cả mình và gia đình mong muốn. Thật mâu thuẫn đúng không bạn? Trở lại với sự mâu thuẫn giữa việc chọn nghề trong tương lai – nghề nghiên cứu khoa học hay trở thành nhà văn viết truyện tranh? Suy nghĩ mãi mà mình vẫn chưa thể lựa chọn.

Mình từng hỏi bố về sự băn khoăn ấy, bố mình xoa đầu mình và bảo “tùy con lựa chọn”. Mình hỏi một người bạn thân, bạn ấy khuyên “chọn nghề nào lương cao ấy”. Mình cũng định hỏi thầy giáo chủ nhiệm nhưng mình vẫn chưa dám hỏi. Mình cũng sợ, thầy sẽ trả lời kiểu giống bố mình “tùy em lựa chọn”. Thật khó khăn để tự lựa chọn bởi cả hai đều là niềm đam mê của mình. Thế đấy, mình thật sự rơi vào bế tắc với chính sự lựa chọn công việc cho bản thân mình.

Bạn Nhật ký à! Mình không dám chắc trong tương lai mình còn đủ thời gian để thi thoảng ghi vài dòng gửi cho cậu hay không. Bởi vậy, mình viết trước những dòng này gửi cho cậu với mong muốn có thể sớm tìm ra được sự lựa chọn đúng đắn nhất cho mình. Cũng mong muốn rằng, Nhật ký luôn là người bạn đồng hành cùng mình trong tương lai. Sau này, lên học cấp ba hay vào đại học mình luôn mong có bạn bên mình để sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống. Bạn nhớ cùng đồng hành với mình nhé! Cũng khuya rồi, mình dừng bút đây! Chúc Nhật ký luôn bình an và luôn có cho mình những trang nhật ký tràn đầy niềm vui!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.