Cô Lê Thị Giáng Tuyết - nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non 8/3 (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có một số kinh nghiệm muốn chia sẻ để các đồng nghiệp cùng tham khảo về công tác giáo dục, nuôi dạy trẻ an toàn trong nhà trường.
Tất cả vì nụ cười trẻ thơ
Mỗi ngày đến lớp, trẻ ở với các cô giáo từ 8 - 10 tiếng và có rất nhiều hoạt động. Trong bất cứ hoạt động nào, trẻ em cũng rất dễ bị tai nạn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bắt trẻ suốt ngày ngồi im một chỗ, không vận động, không giao tiếp. Chúng ta phải để cho trẻ được hoạt động, khuyến khích trẻ tìm tòi khám phá, song điều quan trọng là chúng ta sẽ tổ chức và quản lý trẻ như thế nào để đảm bảo an toàn và không để xảy ra bất cứ một sơ suất nào. Tất cả vì nụ cười và sự an toàn của trẻ thơ.
Từ nhận thức trên, trong những năm học vừa qua, Trường Mầm non 8/3 luôn đặt nhiệm vụ giữ cho trẻ được an toàn về cả thân thể và tinh thần lên hàng đầu. Toàn trường đã cố gắng thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn để chăm sóc trẻ tốt nhất, trong suốt thời gian qua nhà trường không có trường hợp mất an toàn lớn nào xảy ra.
Song những hiện tượng trẻ bị vấp ngã trầy xước da do hoạt động xô đẩy nhau không phải không có. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn có thể xảy ra, chúng tôi đã thực hiện đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ cho đội ngũ.
Nhà trường đã quán triệt tới đội ngũ CBGVNV phải nhận thức rõ về điều này, có ý thức trách nhiệm với nghề mình đã chọn, sống với lòng yêu trẻ như con, tận tâm với nghề. Mọi thái độ thờ ơ, coi thường sức khỏe, tính mạng của trẻ đều không thể chấp nhận được. Thường xuyên nêu cao việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, mà nổi bật là học tập đức tính tôn trọng con người, thương yêu con trẻ. Có nhận thức đúng mà từ đó mỗi người tự rèn luyện để có việc làm đúng.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức cho CBGVNV học tập ôn luyện lại các quy chế: Chăm sóc giáo dục, vệ sinh, an toàn trẻ, tiến hành tổ chức thi quy chế cùng với thi giáo viên giỏi, nhân viên giỏi. Tổ chức học tập về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và cách đề phòng xử trí một số tai nạn thường gặp.
Hướng dẫn một số thao tác sơ cấp cứu trẻ, cung cấp cho mỗi lớp một số thuốc thông thường, bông băng sơ cấp cứu trẻ tại chỗ. 100% lớp có sổ theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe hàng ngày. Đặc biệt là theo dõi diễn biến trẻ ốm, cách xử trí của cô.
Ngoài việc có môi trường vật chất, vui chơi an toàn, việc đầu tiên của giáo viên là phải tạo cho trẻ một sự an toàn tuyệt đối về tinh thần, trẻ thấy thật sự yên tâm khi ở bên cô và các bạn. Cô tuyệt đối không dọa nạt, đánh, trách phạt trẻ nặng nề gây tổn hại đến tinh thần của trẻ.
Tạo cho trẻ có một sự tự tin, mạnh dạn, thích tham gia vào các hoạt động của lớp. Trong các giờ dạy, cô giáo cần chú ý lựa chọn đồ dùng dạy trẻ phù hợp, khi trẻ phải học chơi với các đồ dùng đồ chơi nhỏ, sắc, nhọn (các hột hạt, cúc áo, dao, kéo thủ công, kim băng, cát nước…) cô phải bố trí trẻ ngồi đủ cách xa nhau, không chạm được vào nhau nhưng trong tầm kiểm soát của mình.
Thứ hai, nhà trường luôn chú trọng xây dựng môi trường an toàn đối với trẻ mầm non. Môi trường an toàn là nơi trẻ sống, vui chơi mà không có các nguy cơ xảy ra các tai nạn, là nơi mà ở đó giảm thiểu các tác hại đến sức khỏe nhưng lại có khả năng giúp cơ thể trẻ tăng cường các khả năng phòng tránh các tai nạn thương tích.
Các lớp học đảm bảo sạch, thoáng mát; đủ ánh sáng, trang trí, sắp xếp các góc hoạt động phù hợp tiện lợi cho trẻ đi lại và hoạt động. Sàn nhà, sân trường phải đảm bảo độ bằng phẳng không trơn trượt. Các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc chăm sóc dạy trẻ: Bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi được thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi trẻ, không gãy, không sắc nhọn, không gây ngộ độc cho trẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện tốt chế độ vệ sinh và phòng chống dịch bệnh: Đảm bảo vệ sinh cá nhân trẻ thường xuyên, có nền nếp, có kỹ năng. Chú ý vệ sinh phòng nhóm sạch sẽ hàng ngày, hàng tuần, nhất là các phòng phụ, các khu vực hoạt động chung, tạo cho trẻ có một môi trường hoạt động luôn sạch sẽ, thoáng mát, an toàn. Phối hợp chặt chẽ với y tế phường tiêm phòng, cho trẻ uống thuốc để phòng bệnh. Kết hợp với phụ huynh phun thuốc diệt muỗi, diệt chuột để tránh mọi dịch bệnh lây lan trong nhà trường.
Trong ăn uống, thực hiện tốt chế độ vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhà bếp xây dựng đúng một chiều, các đồ dùng dụng cụ để chế biến, nấu ăn và chia thức ăn, cho trẻ ăn có đầy đủ và được làm bằng inox. Các đồ dùng luôn được rửa sạch, để khô ráo. Riêng các bát, thìa ăn của trẻ được hấp sấy tiệt trùng.
Vi khuẩn có ở khắp mọi nơi, chúng có thể xâm nhập vào thức ăn đã nấu chín, vào nước uống, vì vậy nhất thiết các đồ dùng đựng thức ăn phải có nắp đậy. Các cô giáo, cô nhà bếp trực tiếp nấu ăn được kiểm tra khám sức khỏe định kỳ đủ các chuyên khoa theo quy định, phải đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm mới được bố trí tiếp xúc với trẻ và nấu ăn.
Cô trò Trường Mầm non 8/3 trong một hoạt động trên lớp. |
Chú trọng khâu an toàn về cơ sở vật chất
Về công tác phòng chống tai nạn thương tích sơ cấp cứu và trang bị tủ thuốc tại nhà trường: Xây dựng phòng y tế có đầy đủ các đồ dùng, dụng cụ sơ cấp cứu như tủ thuốc gồm các loại thuốc thông thường (vitamin B1, C, B2, Babimon, becberin, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, thuốc ho…), giường nằm, các dụng cụ sơ cấp cứu.
Trên các mảng tường đều treo các phác đồ sơ cấp cứu một số tai nạn, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Trên mỗi lớp đều có một tủ thuốc nhỏ được treo cao vượt tầm với của trẻ, để sơ cấp cứu kịp thời. Nhà trường có một nhân viên y tế phụ trách công tác y tế học đường.
Song song với đó, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cũng phải an toàn. Đối chiếu với bảng kiểm trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, căn cứ vào chuẩn đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn nâng cao chất lượng giáo dục dinh dưỡng, mẫu khảo sát các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ, nhà trường rà soát các điều kiện. Trên cơ sở đó loại bỏ các đồ dùng, thiết bị không an toàn, thay thế bổ sung các đồ dùng phục vụ ăn uống hoàn toàn bằng inox, đồ dùng đồ chơi phục vụ học tập vui chơi không quá nhỏ, sắc nhọn và bằng chất liệu không độc hại…
Một giải pháp nữa là tăng cường kiểm tra, quản lý của Ban giám hiệu. Ban giám hiệu lên kế hoạch cụ thể cho từng nội dung: Tiến hành khảo sát từng lớp, từng khâu nuôi, dạy; chuẩn bị các nội dung bồi dưỡng cho CBGVNV sao cho phù hợp, có hiệu quả. Đầu tư cơ sở vật chất theo kiểu cuốn chiếu cho phù hợp với kinh phí của trường, đi vào chất lượng rồi mới đến thẩm mỹ. Trong Ban giám hiệu có sự phân công rõ ràng phù hợp với nhiệm vụ của từng người. Ban giám hiệu kiểm tra thường xuyên để đôn đốc, nhắc nhở, tăng cường kiểm tra đột xuất, phát hiện những sai sót của CBGVNV để uốn nắn kịp thời.
Với các biện pháp nêu trên, năm học 2019 - 2020, Trường Mầm non 8/3 đã đạt được một số kết quả đáng kể trong công tác đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhà trường phát triển ổn định, phụ huynh tín nhiệm gửi con ngày càng đông. Các hoạt động của nhà trường duy trì tốt. Qua kiểm tra đánh giá của cấp trên, nhà trường được xếp loại y tế học đường loại Tốt.
Điều kiện cơ sở vật chất chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ đáp ứng được việc thực hiện chương trình đổi mới và đảm bảo thực hiện được vệ sinh an toàn thực phẩm. 100% trẻ được tuyệt đối an toàn về cả thể chất lẫn tinh thần, trẻ khỏe mạnh tăng cân đều. Nhìn chung, trẻ có nền nếp trong học tập, hoạt động, có thói quen vệ sinh cá nhân và hành vi văn minh tốt…
Một lưu ý nữa là không nên bố trí số học sinh trong một lớp quá đông vì sẽ khiến giáo viên không thể bao quát được hết. Nếu có thể, cần bố trí giáo viên hoặc tăng cường người hỗ trợ các lớp vào những giờ cao điểm: Giờ đón, giờ ăn, khi tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho trẻ. Bản thân mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phải không ngừng học hỏi, chủ động tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có việc sử dụng thành thạo công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy. Cô luôn dành mọi tình yêu thương cho học sinh, coi trẻ như chính những đứa con thân yêu của mình để ngày càng giành được sự tin yêu, quý mến từ các bạn đồng nghiệp và cha mẹ trẻ.