Những ngày cuối năm ai cũng bận rộn. Ngành Giáo dục cùng với ngành Y tế và chính quyền các địa phương đang rốt ráo xây dựng phương án, quy định, hướng dẫn để hướng tới mục tiêu cho trẻ em trở lại trường học sau kì nghỉ Tết.
Khó khăn không ít nhưng nỗi lo lớn nhất là làm sao để bảo đảm an toàn cho các em khi học trực tiếp. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc vì sức khỏe, việc học hành của các em, thì vẫn có những chuyện đau lòng và trớ trêu liên quan đến trẻ em dồn dập diễn ra.
Chẳng cần phải làm cha, làm mẹ mà bất cứ ai theo dõi tin tức, mạng xã hội mấy ngày qua đều không thể làm ngơ, thậm chí căm phẫn trước sự việc cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị bạo hành một cách tàn ác.
Xác minh của cơ quan chức năng cho biết, Nguyễn Trung Huyên - người sống chung như vợ chồng với mẹ cháu bé - đã nảy sinh ý định hành hạ, đánh đập và giết cháu để không phải nuôi dưỡng, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của y với người tình.
Cơ quan công an xác định, từ tháng 9/2021 đến nay, Huyên đã 4 lần hành hạ cháu bé bằng cách cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt ốc vít, đánh gãy tay. Điểm đỉnh của sự tàn ác là hôm 17/1, Huyên đóng nhiều đinh vào đầu cháu.
Khi được Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất tiếp nhận, cháu bé rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Sau khi chụp X-quang, bác sĩ nhận thấy trên hộp sọ cháu bé có tới 9 dị vật giống chiếc đinh.
Hành vi phi nhân tính của Huyên và những người có liên quan đang được cơ quan chức năng tìm hiểu, làm rõ thì một chuyện khác liên quan đến trẻ em cũng vừa diễn ra, gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Chả là tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc phía Nam, người ta thấy xuất hiện cái tên của nghệ sĩ Minh Béo (tên thật là Hồng Quang Minh). Tấm Huy chương Bạc mà nghệ sĩ này nhận được chẳng nói lên điều gì to tát trong “cơn mưa” huy chương của liên hoan nói trên. Điều khiến dư luận dậy sóng là án phạt vì tội ấu dâm mà anh này mắc phải trong thời gian ở Mỹ.
Khi trở về Việt Nam, anh này đã được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM khuyến cáo “không nên tham gia hoạt động biểu diễn vì những sai phạm nêu trên, đồng thời để tránh dư luận không tốt trong môi trường biểu diễn”.
Mặc dù, Ban tổ chức, Bộ Văn hóa đã đưa ra nhiều lí giải nhân văn như tạo cơ hội để cảm hóa, tái hòa nhập cộng đồng hay việc trao huy chương chỉ thuần túy về chuyên môn nghệ thuật… nhưng dư luận vẫn cho rằng việc làm ngơ trước những gì đã xảy ra và không có gì chắc chắn rằng, nó sẽ không xảy ra mà đối tượng bị xâm hại là trẻ em đồng nghĩa với việc tạo tiền lệ xấu, vô tình tiếp tay cho lối sống thiểu chuẩn mực và gây dư luận không tốt cho môi trường biểu diễn.
“Dư âm xã hội hiện vẫn còn rất nặng nề về việc Minh Béo bị xử lý về pháp luật với tội ấu dâm, lạm dụng tình dục, giờ người này lại được vinh danh, rất khó biện giải”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.
Trong lúc luôn kêu gọi mỗi người dân và toàn xã hội cùng chung tay bảo vệ trẻ em thì chúng ta lại thiếu những quy định pháp lý cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nhằm ngăn chặn những cá nhân có lý lịch tư pháp về xâm hại trẻ em tham gia vào các hoạt động có ảnh hưởng xã hội.
Và khi còn thiếu vắng những quy định, chế tài đủ sức răn đe, thì an toàn cho trẻ vẫn là nỗi lo rất lớn của không chỉ các bậc phụ huynh, mà của toàn xã hội.