Chia sẻ gian khó, đồng thuận mục tiêu

Chia sẻ gian khó, đồng thuận mục tiêu

(GD&TĐ) - Trường liên xã ở cấp THCS của Nghệ An đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cơ bản cho việc nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp học này, nhưng thực tế còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Không ít khó khăn

Các trường liên xã tại Nghệ An đã phát huy tốt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học
Các trường liên xã tại Nghệ An đã phát huy tốt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học
 

Theo bà Hồ Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Bá Ngọc (huyện Quỳnh Lưu): Trường liên xã như Trường THCS Bá Ngọc tuy tạo được một vài thuận lợi trong việc bố trí giáo viên và giáo dục học sinh nhưng xuất hiện rất nhiều khó khăn.

Trường có hai điểm trường, BGH không thể bố trí một tổng phụ trách đội, vì như thế không làm được, buộc nhà trường phải bố trí thêm một phó tổng phụ trách đội để hai người phụ trách hai điểm trường. Thế là xảy ra chuyện thừa định biên (vì quy định chỉ được một tổng phụ trách đội). Rồi một số giáo viên chỉ dạy ở một điểm trường nhưng cũng có những giáo viên phải dạy ở cả hai điểm trường nên những người này vất vả hơn trong chuyện đi lại, tuy hai điểm trường chỉ cách nhau 3 km. 

Cũng vì có hai điểm trường, nên nếu các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp chỉ đưa về tổ chức ở điểm trường chính, cha mẹ học sinh ở điểm trường kia sẽ thắc mắc, buộc nhà trường phải tổ chức luân phiên, có khi lại phải tổ chức cùng lúc ở cả hai điểm trường. 

Ngay như việc khảo sát chất lượng cuối học kỳ 1 và cuối năm, chỉ có lớp 9 là đưa về điểm chính để thực hiện, các lớp còn lại vẫn phải làm ở cả hai nơi, nếu không sẽ bị cha mẹ học sinh kêu ngay. Hay như Hội Khuyến học của hai xã phát thưởng cho học sinh cũng mỗi xã một kiểu chứ không thể thống nhất được, vì thế đã xảy ra tình trạng cùng một thành tích như nhau, em ở xã Quỳnh Bá thì được nhận thưởng 120.000 đồng, nhưng em ở xã Quỳnh Ngọc chỉ được nhận thưởng có 70.000 đồng. Trường liên xã mà chỉ có một điểm trường thì không sao, chứ có hai điểm trường thì xuất hiện rất nhiều vấn đề khó khăn trong công tác quản lý.

Bà Võ Thị Lộc, Trưởng phòng GD&ĐT Quỳ Châu cho biết: Qùy Châu hiện có 4 trường THCS liên xã trong tổng số 8 trường THCS của huyện; cả 4 trường, mỗi trường đều đang có 2 điểm trường (nhưng trong tương lai, mỗi trường sẽ chỉ có một điểm trường). Nhìn chung, trường liên xã ở Quỳ Châu đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động giáo dục và không có những khó khăn lớn, ngay như vấn đề đầu tư cho hoạt động giáo dục của nhà trường, bao giờ cả hai địa phương có liên quan cùng dễ dàng thống nhất với nhau.

Nhưng ở Quỳ Châu lại có cái khó riêng mà hiện nay chưa thể giải quyết được vì không thuộc thẩm quyền của địa phương. Đó là có 2 trường THCS (Tiến - Thắng và Bình - Thuận), mỗi trường liên 2 xã, trong đó 1 xã bình thường và 1 xã đặc biệt khó khăn. Những giáo viên chỉ dạy ở một điểm trường thì không sao, nhưng những giáo viên dạy ở cả hai điểm trường thì vẫn không được hưởng phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Số giáo viên này hiện đang phải chấp nhận hy sinh, chịu thiệt thòi về chế độ chính sách.    

Học sinh Trường THCS Bá Ngọc (Quỳnh Lưu) nhận học bổng
Học sinh Trường THCS Bá Ngọc (Quỳnh Lưu) nhận học bổng
 

Bài học từ thực tiễn

Sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy, hệ thống trường THCS liên xã ở Nghệ An nhanh chóng được hình thành và hiện nay có 46 trường thuộc cả ba địa bàn: Miền xuôi, miền núi và vùng cao.

Ông Hồ Sĩ Đồng, Trưởng phòng GD&ĐT Hưng Nguyên cho biết: Ở Hưng Nguyên, trước có 21 trường, sau sáp nhập, hiện nay cả huyện còn 11 trường THCS, trong đó có 7 trường liên xã. Khi chuẩn bị sáp nhập hai trường của hai xã vùng trung tâm huyện thì gặp sự phản ứng, không đồng tình của một bộ phận cha mẹ học sinh. Lý do đưa ra là sợ địa phương mình mất trường, lo con mình phải đi học xa hơn. Việc sáp nhập phải tạm dừng lại để có những động tác chuẩn bị tiếp theo.

Kiểm điểm lại mới thấy mình hơi chủ quan trong công tác tuyên truyền do trước đó, nơi nào cũng được nhân dân đồng tỉnh, ủng hộ. Lúc này cả hệ thống chính trị của huyện, của xã tập trung giải thích cho nhân dân hiểu rõ mục đích sáp nhập trường là để nâng cao chất lượng học tập.

Hiểu ra vấn đề, cha mẹ học sinh không những không phản ứng nữa mà rất tích cực ủng hộ chủ trương sáp nhập. Hiện tại, trong 7 trường THCS liên xã thì 6 trường, mỗi trường chỉ có một điểm trường, chỉ còn lại một trường đang phải chấp nhận hai điểm trường. 

Bà Võ Thị Lộc, Trưởng phòng GD&ĐT Quỳ  Châu thì cho rằng, cái khó sau khi sáp nhập là vấn đề thống nhất giữa các địa phương. Trường liên hai xã, mỗi xã mỗi ý, động đến việc gì trường cũng phải mời hai xã ngồi lại họp để bàn.

Trước tình hình này, Phòng và các trường đã cùng có những buổi làm việc với các xã có liên quan. Bàn bạc, trao đổi và đi đến thống nhất quan điểm, thống nhất trách nhiệm, thống nhất nguyên tắc, cách thức để nhà trường tham mưu khi có việc cần thiết. Từ sau đó, khó khăn tưởng chừng như rất khó khắc phục đã nhanh chóng được gỡ bỏ. 

Cùng suy nghĩ với bà Võ Thị Lộc, ông Đăng Công Thân, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên) cũng cho rằng cái khó của trường liên xã là sự thống nhất của các xã trong việc tạo điều kiện cho nhà trường.

Nhiều nơi chỉ liên hai xã, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai liên bốn xã, trường lại chỉ có một điểm trường đóng trên địa bàn xã Hưng Thông, nên càng khó thống nhất. Ban đầu, xã này nhìn xã kia, việc huy động tiền bạc, công sức, trí tuệ; nhất là việc tạo ra môi trường giáo dục thống nhất trong 4 xã rất khó.

Trên cơ sở tham mưu của trường, xã Hưng Thông đã tự gánh trách nhiệm chính về mình; từ đó, vấn đề bốn xã thống nhất cùng chung tay góp công sức xây dựng nhà trường không còn là khó khăn nữa. Vài ba năm nay, trường hoạt động rất thuận lợi và chỉ còn khó khăn duy nhất không thể khắc phục, đó là có một số ít em học sinh phải đi học với quãng đường dài đến 5 km.

Ở Nam Đàn có ba trường THCS liên xã (hai trường, mỗi trường liên hai;  một trường liên ba xã). Hiện hai trường, mỗi trường có một điểm trường, còn một trường đang phải có hai điểm trường. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng GD&ĐT Nam Đàn cho biết: Trước khi sáp nhập trường, huyện đã lường trước khó khăn không thống nhất giữa các xã nên đã chỉ đạo thành lập đồng thời hội đồng giáo dục liên xã.

Chính hội đồng này đã tạo hiệu ứng tốt cho việc xây dựng môi trường giáo dục thống nhất giữa các xã có liên quan. Và điều đáng mừng là cả ba trường THCS liên xã đều nhận được sự quan tâm rất chu đáo của các xã có liên quan đến trường ngay từ những ngày đầu vừa sáp nhập.

Ông Trịnh Hữu Thành, Trưởng phòng GD&ĐT Tân Kỳ cho rằng chủ trương sáp nhập trường THCS có quy mô nhỏ thành trường liên xã là hoàn toàn đúng, vì giải quyết được vấn đề đồng bộ đội ngũ giáo viên, nhưng khi thực hiện có rất nhiều khó khăn. Tân Kỳ hiện có 2 trường THCS liên xã.

Cái khó sau khi sáp nhập trường là vấn đề đầu tư, bởi trường bây giờ là trường chung của 2 xã, mọi việc đều phải họp bàn để 2 xã cùng thống nhất (thậm chí hiện nay, một số người dân ở Nghĩa Hợp đang kiến nghị tách Trường THCS Dũng - Hợp thành 2 trường; nhưng làm sao mà tách được, vì nếu tách ra, Nghĩa Hợp chỉ có 4 lớp THCS). 

Sáp nhập rồi, trường chỉ có một điểm trường mới đạt hiệu qủa cao về chất lượng, chứ để hai điểm trường như Tân Kỳ hiện nay thì chất lượng không thể cao được. Để khắc phục điều này, Tân Kỳ đang từng bước để đến năm học 2014 - 2015 sẽ xóa được điểm lẻ của hai trường THCS liên xã.

Minh Đức

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ