Bồi dưỡng, tập huấn và thực tế cơ sở cho cán bộ 3 tỉnh Bắc Lào:

Chia sẻ cách làm hay

GD&TĐ - Công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục cho các tỉnh Bắc Lào luôn được tỉnh Điện Biên chú trọng.

Cán bộ, giáo viên tỉnh U Đôm Xay trải nghiệm thực tế và học hỏi kinh nghiệm tại Trường THCS xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Ảnh: TG
Cán bộ, giáo viên tỉnh U Đôm Xay trải nghiệm thực tế và học hỏi kinh nghiệm tại Trường THCS xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Ảnh: TG

Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.

Học từ thực tế

Khóa bồi dưỡng, tập huấn và thực tế cơ sở cho cán bộ các tỉnh Bắc Lào năm 2023 tại Điện Biên khai giảng ngày 18/12/2023 với sự tham gia của 25 cán bộ ngành Giáo dục, Y tế thuộc 3 tỉnh: Luông Pha Băng, U Đôm Xay, Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào). Trong thời gian ở Điện Biên, những cán bộ này được sắp xếp, bố trí về các đơn vị, cơ quan của tỉnh Điện Biên theo nguyện vọng, để tìm hiểu thực tế, học hỏi kinh nghiệm, công tác chuyên môn.

Trong thời gian này, 4 cán bộ, giáo viên tỉnh U Đôm Xay có 3 ngày để trải nghiệm thực tế và học hỏi kinh nghiệm tại Trường THCS xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Có mặt tại Trường THCS xã Thanh Nưa ngày 16/1, thầy trò nhà trường cùng cán bộ, giáo viên tỉnh U Đôm Xay tham gia nhiều hoạt động tập thể, ngoài lớp học theo kế hoạch xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian, trình diễn thời trang với chủ đề Nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn, thời trang tái chế bảo vệ môi trường và thi ẩm thực truyền thống... đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Sự sáng tạo, hoạt bát của các em làm sân trường thêm rộn rã. Đây sẽ là tư liệu để các thầy lưu giữ, tham khảo, báo cáo và tham mưu lãnh đạo đơn vị khi trở về.

Thầy Hăt Sạ Kon - Trường Phổ thông huyện Mường Beng, tỉnh U Đôm Xay (Lào) từng là sinh viên lớp Toán – Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Tham gia sự kiện, thầy Hăt Sạ Kon chia sẻ: “Các trường học bên Lào không có nhiều hoạt động giáo dục ngoài trời đa dạng như Điện Biên. Tôi thấy hoạt động này rất hay, tạo ra sân chơi, giúp các em tự tin hơn, bồi dưỡng thêm nhiều kỹ năng. Ngoài điều này, giáo dục Điện Biên còn nhiều khác biệt mà chúng tôi có thể học hỏi, về tham mưu, áp dụng thực tế tại đơn vị”.

Cùng với hoạt động trên, cán bộ, giáo viên Lào còn tham gia nhiều nội dung tại Trường THCS Thanh Nưa. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: “Nhà trường đã xây dựng kế hoạch theo chỉ đạo và chuẩn bị chu đáo đón đoàn cán bộ Lào đến thực tế. Đoàn được tìm hiểu truyền thống, công tác nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số học sinh, thực hiện kế hoạch xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, giáo dục kỹ năng sống. Cùng đó, tham gia hoạt động do nhà trường tổ chức, trải nghiệm các lớp học và được tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán trao đổi, chia sẻ để nắm bắt và hiểu rõ hơn”.

Trước khi đến Trường THCS Thanh Nưa, đoàn cán bộ, giáo viên tỉnh U Đôm Xay có thời gian học chuyên đề quản lý, công tác tổ chức cán bộ, kế hoạch tại Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên. Đoàn đi thực tế 5 trường với các cấp học khác nhau trên địa bàn huyện để tìm hiểu công tác quản lý hoạt động chuyên môn, học sinh nội trú, xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp, bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi...

Khóa bồi dưỡng thực tế còn có 10 cán bộ ngành Y tế các tỉnh Bắc Lào đang tập huấn thực tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Họ được bồi dưỡng tại các khoa: Nội tổng hợp, Ngoại tổng hợp, Lão – tim mạch, Sản, Nhi, Cấp cứu, cho các vị trí bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh.

Sau 6 tuần thực tế về nội khoa, đặc biệt quan tâm đến tim mạch, bác sĩ Bút Sa Ba - Bệnh viện tỉnh U Đôm Xay bày tỏ: “Y tế Điện Biên có những kỹ thuật, máy móc mà địa phương tôi chưa có, chưa thực hiện được như: Chọc dịch màng tim, siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ (MRI)... và có nhiều loại thuốc điều trị đa dạng, hiệu quả. Đặc biệt là thuốc điều trị về tim mạch, tôi có thể áp dụng tại bệnh viện. Qua khóa tập huấn, tôi còn biết thêm về ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hồ sơ, bệnh án, thanh toán điện tử”.

Bác sĩ Bút Sa Ba mong có nhiều thời gian để học thêm các kỹ thuật nội soi dạ dày, đại tràng, chọc dịch màng tim... để về áp dụng tại đơn vị đang công tác.

Bế giảng khóa bồi dưỡng, tập huấn, thực tế cơ sở cho cán bộ các tỉnh: U Đôm Xay, Phoong Sa Ly và Luông Pha Băng (Lào). Ảnh: TG

Bế giảng khóa bồi dưỡng, tập huấn, thực tế cơ sở cho cán bộ các tỉnh: U Đôm Xay, Phoong Sa Ly và Luông Pha Băng (Lào). Ảnh: TG

Nâng cao hiệu quả hợp tác đào tạo

Sau 6 tuần thực tế, bồi dưỡng tại Điện Biên, 25 cán bộ các tỉnh Bắc Lào đã tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích để về tham mưu, triển khai, áp dụng tại cơ quan, đơn vị.

Anh Thạ Nu Xay - cán bộ Phòng Giáo dục và Thể thao huyện Pạc Beng, tỉnh U Đôm Xay nhận định: “Giáo dục Điện Biên đang phát triển và có nhiều cách làm hay. Bên chúng tôi các trường chưa có phòng tin học, máy chiếu, nhưng ở đây từ tiểu học đã được học tin học, trang bị đầy đủ máy móc. Các lớp học có máy chiếu giúp thầy cô dạy dễ dàng, hiệu quả hơn. Bên Lào không tổ chức thi giáo viên dạy giỏi để tạo sự nỗ lực, cạnh tranh tích cực giữa thầy cô. Còn thi học sinh giỏi thì mỗi trường chỉ chọn 1 em. Từ chuyến đi thực tế này, chúng tôi sẽ nghiên cứu, học hỏi kỹ hơn để có thể chia sẻ, tham mưu thực hiện phù hợp với địa phương”, anh Thạ Nu Xay chia sẻ.

Đây cũng là mong muốn chung của các cán bộ 3 tỉnh Bắc Lào trong khóa bồi dưỡng, tập huấn tại Điện Biên. Ông Phong Xay On Sa - Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Phoong Sa Lỳ chia sẻ: “Chuyến đi đảm bảo thời gian, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, thành viên có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích, giá trị học hỏi được tại Điện Biên. Ai cũng mong có nhiều thời gian hơn để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, về tham mưu áp dụng tại địa phương”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng, những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Bắc Lào được tỉnh chú trọng và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị hai nước Việt - Lào. Thông qua khóa bồi dưỡng, hy vọng các học viên sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để khi trở về nước vận dụng vào thực tiễn công tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Sau khóa bồi dưỡng, tập huấn và thực tế này, ông Vừ A Bằng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Điện Biên đánh giá, phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm từ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của khóa bồi dưỡng, tập huấn để có giải pháp thực hiện hiệu quả hơn các chương trình, nội dung của Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ