Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tập huấn giáo viên

GD&TĐ - Xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vậy, ngành GD&ĐT Bắc Kạn thời gian qua đã nỗ lực triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

Giáo viên Trường TH Chợ Mới tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trên Hệ thống LMS.
Giáo viên Trường TH Chợ Mới tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trên Hệ thống LMS.

Khắc phục những khó khăn, nỗ lực đổi mới, giáo viên và cán bộ quản lý đã chủ động tự học, tự bồi dưỡng với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học.

Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn đã triển khai hỗ bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) theo Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).

Theo mô hình bồi dưỡng mới do Bộ GD&ĐT triển khai, các thầy cô chủ yếu là tự bồi dưỡng với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt. Nội dung bồi dưỡng tập trung tìm hiểu Chương trình GDPT 2018; Phương pháp dạy học và giáo dục, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và một số nội dung khác nhằm thực hiện tốt Chương trình GDPT mới.

Thầy giáo Trịnh Quốc Đoàn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Cư, huyện Chợ Mới chia sẻ: Nhà trường có 22 giáo viên, trong đó 13 thầy cô có trình độ đại học. Số giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 là trên 60%. Nhà trường đã phối hợp xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên cốt cán triển khai hỗ trợ giáo viên đại trà tự học trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) và tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề cấp trường, trong đó chú trọng đến chuyên đề môn Toán và Tiếng Việt lớp 1.

Việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý thuộc Chương trình ETEP với phương thức tự bồi dưỡng trên Hệ thống trực tuyến (LMS) đã góp phần nâng cao năng lực tự học cũng như năng lực công nghệ thông tin của các thầy cô giáo. 100% giáo viên tích cực tham gia bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp.

Cô Đặng Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chợ Mới, huyện Chợ Mới khẳng định: “Quá trình tập huấn, bồi dưỡng thuộc Chương trình ETEP - Bộ GD&ĐT, nhà trường đã có lộ trình chuẩn bị từ cơ sở vật chất, nhân sự và đảm bảo giáo viên tham gia các đợt tập huấn theo đúng thành phần, bao gồm các giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn…Bởi vì, đội ngũ cốt cán này có nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ đồng nghiệp tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại địa phương, đặc biệt là trong công việc.

Hoạt động bồi dưỡng đã làm thay đổi nhận thức và thúc đẩy hoạt động tự bồi dưỡng thường xuyên của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về phát triển nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới.
Hoạt động bồi dưỡng đã làm thay đổi nhận thức và thúc đẩy hoạt động tự bồi dưỡng thường xuyên của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về phát triển nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới.

Đến nay, 100% giáo viên của Trường Tiểu học Chợ Mới đều được tập huấn, học tập, bồi dưỡng kiến thức về Chương trình GDPT 2018, ứng dụng hiệu quả phương pháp dạy học, giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất học sinh vào thực tiễn giảng dạy. Giáo viên Trường Tiểu học Chợ Mới vận dụng được nhiều phương pháp đổi mới vào xây dựng kế hoạch bài dạy và hướng dẫn học sinh tốt hơn.

Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid – 19 có diễn biến phức tạp, nhà trường cùng với các thầy cô đã chủ động, nỗ lực trong việc  tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp giao bài tập cho học sinh. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng sau một kỳ nghỉ dài, các em học sinh vẫn hoàn thành bài học, tích cực tham gia học tập.

Theo cô Đặng Thị Thanh Thủy, việc bồi dưỡng giáo viên của Chương trình ETEP góp phần nâng cao năng lực tự học của mỗi cá nhân. Ngay cả đội ngũ cốt cán được tập huấn 3 ngày trực tiếp, tập trung bên cạnh việc học qua mạng, các thầy cô giáo đều phải nghiên cứu tài liệu học tập trước và trong qua trình tập huấn, chủ động nghiên cứu, trả lời câu hỏi với các bài giảng video. Bài giảng cũng có các tiết dạy minh họa giúp cho học viên dễ dàng hình dung, không khí học tập gần gũi, cởi mở.

Đối với chương trình lớp 1, các thầy cô có một nhóm riêng trên mạng xã hội, lập theo cụm để cùng nhau trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn trong quá trình dạy học, giáo dục.

Mô hình bồi dưỡng mới do Bộ GD&ĐT triển khai theo Chương trình ETEP với phương thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Từ mô hình này, giáo viên hình thành thói quen tự bồi dưỡng trong quá trình làm việc và chủ động nâng cao năng lực nghề nghiệp một cách thường xuyên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ