Địa hình phức tạp
Xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cách thị trấn Tiên Yên 28km, là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, có địa hình phức tạp chia cắt bởi các sông, suối và đồi núi, dân cư thưa thớt, người dân ở không tập trung.
Năm 2023, xã Hà Lâu tổ chức 2 lớp xóa mù chữ tại điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hà Lâu (thôn Bắc Lù) với 50 học viên.
Do địa bàn trải rộng, các thôn bản cách xa nhau từ 4 đến 16km, không thể tập trung hết về điểm trường chính, vì vậy nhà trường đã chia làm 6 nhóm, học tại 6 thôn bản để thuận lợi cho học viên đến học. Có 6 đến 12 giáo viên đứng lớp.
Các lớp ở đây được khai giảng từ tháng 11/2023, học từ 19h đến 21h từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Học viên chủ yếu là người Dao, Tày và Mông, đa dạng độ tuổi từ 23 đến 60.
Tại thôn Khe Lẹ, nhóm lớp có khoảng 3 đến 4 học viên nữ người Mông ở Tuyên Quang, Yên Bái, lấy chồng về đây nên không biết tiếng phổ thông. Trước khi cho học chữ cần hướng dẫn giao tiếp cho quen tiếng phổ thông rồi mới dạy được bảng chữ cái.
Cô giáo Trương Thu Viên (33 tuổi) cho biết, học viên tại bản xa không có điều kiện tiếp xúc bên ngoài nên rụt rè, tự ti không dám phát âm, có nhiều người còn không hiểu rõ tiếng phổ thông nên giáo viên phải thường xuyên động viên, kiên trì dạy đi dạy lại nhiều lần.
Học viên đa phần là lao động chính trong gia đình, hàng ngày đi rừng, bóc vỏ keo, làm thuê công việc chân tay vất vả nên việc duy trì sĩ số khó khăn. Đặc biệt những hôm trời mưa rét, học viên đi học không đều, có những hôm giáo viên đến lớp không có học viên đến học.
“Những hôm mưa phùn, rét căm căm, đường rừng núi trơn trượt, trời tối om, đi xe máy hơn 30km lên lớp dạy xóa mù chữ. Đến nơi đợi mãi không thấy học viên đến lớp, trời mỗi lúc một rét đậm, lớp học xa nhà dân lại rất vắng. 21h mới thấy học viên đến học, lúc đó tôi mừng quên cả cái rét cóng tay, cùng học viên lấy bút ra vẽ từng nét chữ”, cô Viên nói.
Chia cặp giáo viên dạy xóa mù chữ
Cô giáo Tô Anh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hà Lâu cho biết, nhà trường huy động hết 30 giáo viên luân phiên đi dạy 6 nhóm xóa mù chữ tại 6 thôn.
Mỗi tối sẽ có 6 đến 12 thầy cô giáo đứng lớp, mỗi lớp 2 giáo viên, vừa hỗ trợ nhau giảng dạy, vừa đi kèm cùng nhau trời tối cho an toàn khi đi đường xa.
Có nhóm hơn 10 học viên, nhưng có nhóm chỉ 3 đến 4 học viên. Hơn nữa, học viên dân tộc thiểu số trình độ khác nhau, tiếp thu chậm nên 1 nhóm lớp cần song song 2 giáo viên.
Hai giáo viên đứng lớp để hỗ trợ nhau. |
Nhóm lớp thôn Khe Lẹ có hơn 10 học viên, do cô Trương Thu Viên và cô Vi Thị Lộc giảng dạy. Cô Lộc là giáo viên địa phương, hỗ trợ rất lớn cho cô Viên trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ bản địa với học viên.
2 cô thay phiên nhau giảng chính, trợ giảng và chia nhóm theo trình độ để kèm cặp, nhiều khi còn chia “nhóm trong nhóm”, 1 kèm 1 để hỗ trợ học viên.
Sau hơn 1 tháng học chữ, đến nay, các học viên đã nhận diện hết bảng chữ cái, một số đã biết đọc thành câu, làm toán trong phạm vi 2 chữ số.
Học viên Phùn Lộc Múi (50 tuổi) cho biết, mắt kém nên ngại học, ban ngày còn đi bóc vỏ keo, buổi tối ngồi học lâu mỏi lưng nhưng nghĩ đến các cô giáo đi xe máy băng qua những cánh rừng bạt ngàn, đồi dốc quanh co, cả đi lẫn về hơn 50km để đi dạy, nên có mỏi lưng bao nhiêu cũng cố gắng học.
Học viên Sằn A Đài (23 tuổi), bỏ học từ lớp 3 theo bố mẹ đi làm, đến nay muốn học chữ để thi bằng xe máy và lấy vợ.
“Tìm vợ thì phải lướt nhiều facebook, nhưng chỉ biết xem hình ảnh và video theo thói quen chứ không biết đọc chữ, nên giờ phải quyết tâm đi học”, anh Đài nói.
Ông Lã Văn Vi, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu kiêm Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã cho biết, từ năm 2021 đến nay xã đã mở được 11 lớp xóa mù chữ, hiện còn 57 trường hợp chưa biết chữ. Dự kiến hết năm 2024, trên địa bàn xã phấn đấu sẽ không còn người bị mù chữ.
Ban chỉ đạo PCGD-XMC xã và nhà trường đã thống nhất đưa ra phương án dạy theo nhóm tại các thôn và sắp xếp giáo viên “đi dạy theo cặp” là phù hợp với địa bàn trải rộng của xã Hà Lâu.