'Chìa khóa' ngăn dịch bệnh đậu mùa khỉ

GD&TĐ -Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, với 16.000 ca bệnh được phát hiện ở 75 quốc gia.

Virus gây đậu mùa khỉ thường đột biến chậm.
Virus gây đậu mùa khỉ thường đột biến chậm.

5 trường hợp trong số này đã tử vong. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cùng các đơn vị đã họp khẩn để bàn về phương án ứng phó dịch. Nhiều người lo ngại, đậu mùa khỉ có thể bùng phát thành đại dịch tương tự Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Văn Kình - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Gen Trị liệu, Bệnh viện Bạch Mai - dẫn chứng: “Các bác sĩ cho biết, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ nhẹ hơn so với đậu mùa. Vì thế, bệnh hầu như không đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân”.

Tuy nhiên, người có hệ miễn dịch yếu cần phải theo dõi và điều trị tích cực để ngăn ngừa những biến chứng xấu xảy ra. Bởi, virus có thể tận dụng hệ miễn dịch yếu để tấn công, khiến bệnh chuyển biến nặng. PGS Kình dẫn chứng, các số liệu thống kê cho thấy, có từ 3 - 6% bệnh nhân đã tử vong do không phát hiện và điều trị sớm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - chia sẻ, hiện nay, đa số người mắc bệnh đậu mùa khỉ nam đồng tính (MSM). Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, virus gây đậu mùa khỉ là virus ADN. Do đó, virus này đột biến chậm, có thể là 10 - 15 năm.

Bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - cho biết, việc phát hiện, giám sát và xác định nhanh các ca bệnh đậu mùa khỉ mới là rất quan trọng để ngăn chặn ổ dịch.

“Cũng giống các đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở người trước đây, tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh là yếu tố nguy cơ đáng kể nhất đối với việc lây nhiễm virus đậu mùa khỉ.

Do đó, nhân viên y tế và các thành viên trong gia đình có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định nhiễm virus đậu mùa khỉ, hoặc xử lý bệnh phẩm hô hấp cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn đúng quy trình nghiêm ngặt”, bác sĩ Công khuyến cáo.

Nhân viên y tế cần mặc đồ phòng hộ cá nhân thích hợp, đào tạo quy trình lấy mẫu bệnh phẩm và xử lý mẫu bệnh phẩm. Nhờ đó, tránh phơi nhiễm khi lấy mẫu bệnh phẩm từ người bệnh hoặc động vật nghi nhiễm bệnh.

Bệnh phẩm của bệnh nhân phải được chuẩn bị an toàn để vận chuyển theo hướng dẫn của WHO về vận chuyển chất lây nhiễm. Ngoài ra, việc hạn chế đến nơi quá đông người và tiếp xúc với người đang có triệu chứng nghi nhiễm bệnh là rất quan trọng.

Bác sĩ Phí Văn Công cho biết, theo thời gian, hầu hết bệnh truyền nhiễm ở người đều do lây truyền từ động vật sang người. Sau đó, lây từ người sang người.

Do đó, cần tránh tiếp xúc với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật ốm hoặc chết, kể cả thịt, máu và các bộ phận khác của chúng nếu không có biện pháp bảo hộ phù hợp. Ngoài ra, tất cả các thực phẩm từ động vật cần được nấu chín kỹ trước khi ăn.

“Bất kỳ động vật nào có thể đã tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh phải được cách ly, xử lý với các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định và theo dõi các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ trong 30 ngày”, bác sĩ Công cho biết.

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo, người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ.

Khi quay trở về Việt Nam, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ