Chìa khóa giúp làm tốt đọc hiểu văn bản thi Ngữ văn THPT quốc gia

GD&TĐ - Bắt đầu từ năm 2014, đề thi môn Ngữ văn có sự thay đổi mạnh mẽ với hai phần: đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu văn bản là điểm mới nhất của đề thi môn Ngữ văn.

Chìa khóa giúp làm tốt đọc hiểu văn bản thi Ngữ văn THPT quốc gia

Để làm được phần này phải đòi hỏi người học có một năng lực đọc hiểu văn bản nhất định trên một nền tảng kiến thức cơ bản. Năm 2015, trong kỳ thi THPT quốc gia những thay đổi nói trên tiếp tục được thực hiện.

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Tập - Giáo viên trường THPT Chà Cang (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) - cho biết: Học sinh vùng cao nói chung và học sinh Trường THPT Chà Cang nói riêng, năng lực đọc hiểu văn bản rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc những kiến thức cơ bản học sinh tích lũy được từ tiểu học đến THCS đã bị mai một rất nhiều.

Vì vậy cần phải được trang bị cho học sinh lại một cách có hệ thống và bài bản những kiến thức, kĩ năng phục vụ cho việc đọc hiểu văn bản của học sinh.

Từ thực tế này, thầy Nguyễn Văn Tập đã đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh, mà theo thầy, đó thực chất chỉ là những kiến thức, kĩ năng cơ bản của mỗi người giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học.

Tuy nhiên những kiến thức ấy đã được chắt lọc, lựa chọn, sắp xếp thành một hệ thống từ đơn giản đến phức tạp để học sinh dễ học, dễ nhớ.

Hệ thống hóa những kiến thức cơ bản

Để giúp học sinh hình thành năng lực đọc hiểu, giáo viên phải giúp các em ôn tập củng cố lại một hệ thống những kiến thức cơ bản đóng vai trò làm nền tảng, bao gồm:

Kiến thức về từ loại (khái niệm, phân loại từ); kiến thức về câu (khái niệm, phân loại câu); kiến thức về các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, nói giảm, nói tránh, điệp từ, điệp ngữ, phép đối, …);

Kiến thức về các loại phong cách ngôn ngữ (phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính công vụ);

Kiến thức về các hình thức biểu đạt (tự sự, biểu cảm, miêu tả, thuyết minh, nghị luận và hành chính công vụ).

Khi củng cố cho học sinh những kiến thức đó, giáo viên phải làm sao học sinh ghi nhớ một cách bản chất, tránh việc ghi nhớ kiến thức lí thuyết quá nhiều mà không hiểu được bản chất.

Nhận diện phương thức biểu đạt trong văn bản

Nhận diện phương thức biểu đạt là một nội dung quen thuộc, thường gặp trong các đề thi đọc hiểu.

Để trả lời được câu hỏi nội dung này, học sinh phải được cung cấp lại những kiến thức về 6 phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh và hành chính công vụ. Mỗi một hình thức biểu đạt nhằm hướng tới một mục đích nhất định, theo bảng dưới đây:

Cần lưu ý: Không phải mỗi văn bản chỉ có một hình thức biểu đạt duy nhất, mà thường kết hợp các hình thức biểu đạt khác nhau nhưng bao giờ cũng có một phương thức là chủ đạo.

Nhận diện các phong cách ngôn ngữ

Trong chương trình THPT, học sinh đã được học tất cả 6 phong cách ngôn ngữ: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính.

Mỗi phong cách ngôn ngữ có đặc điểm riêng về phong cách theo bảng dưới đây:

Tuy nhiên trong thực tế, ngữ liệu để dùng đọc hiểu không chỉ được trình bày theo một phong cách ngôn ngữ duy nhất mà thường kết hợp nhiều phong cách khác nhau.

Ví dụ phong cách ngôn ngữ chính luận và báo chí thường đi kèm với nhau; phong cách nghệ thuật và sinh hoạt cũng có thể đi kèm với nhau.

Đề thi tốt nghiệp năm 2014 là một minh chứng tiêu biểu. Vì vậy khi gặp những văn bản loại này học sinh phải chú ý nếu không sẽ không được điểm tối đa.

Nhận diện hình thức ngôn ngữ

Có hai hình thức ngôn ngữ là ngôn ngữ trực tiếp và ngôn ngữ nửa trực tiếp.

Ngôn ngữ trực tiếp gồm: Ngôn ngữ nhân vật (ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật với nhau trong truyện, hoặc chỉ là những lời độc thoại nội tâm của nhân vật); ngôn ngữ của người kể chuyện (ngôn ngữ trần thuật).

Ngôn ngữ nửa trực tiếp: Ngôn ngữ đan xen giữa lời của nhân vật với lời của người kể chuyện (ngôn ngữ trần thuật nửa trực tiếp).

Nhận diện các phương thức trần thuật

Gồm: Trần thuật từ ngôn thứ nhất do nhân vật tự kể chuyện; trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện tự giấu mình; trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện tự giấu mình nhưng điểm nhìn và lời kể theo giọng điệu của nhân vật trong tác phẩm.

Nhận diện các phép liên kiết hình thức

Nhận diện các kiểu câu

Gồm: Câu chia theo mục đích nói (Câu tường thuật, câu nghi vấn, câu cảm thán, câu cầu khiến);

Câu chia theo cấu trúc/chức năng ngữ pháp: Câu chủ động/câu bị động; câu bình thường/câu đặc biệt; câu đơn/câu ghép.

Nhận diện các biện pháp tu từ

Giáo viên cho học sinh nhận diện các biện pháp tu từ so sánh; ẩn dụ; hoán dụ; nhân hóa; nói giảm, nói tránh, cường điệu; điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc ngữ pháp; phép đối; dùng từ láy.

Nhận diện các thể thơ

Giáo viên cho học sinh nhận diện các thể thơ: Ngũ ngôn (mỗi câu thơ chỉ có năm tiếng); thất ngôn (mỗi câu thơ có bảy tiếng); lục bát (một câu sáu tiếng, một câu tám tiếng tạo thành một cặp);

Lục bát biến thể (thường biến thể ở câu tám có thể biến thể thành 9 đến 13 tiếng); song thất lục bát (hai câu 7 tiếng và một cặp lục bát); tự do (số tiếng trong mỗi dòng thơ không đều nhau).

Nhận diện các thao tác lập luận

Các thao tác lập luận bao gồm: Thao tác giải thích (là vận dụng tri thức để hiểu vấn đề nghị luận một cách rõ ràng và giúp người khác hiểu đúng ý mình);

Thao tác chứng minh: Là đưa ra những cứ liệu, dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ, một ý kiến để thuyết phục người đọc nghe và tin tưởng vào vấn đề;

Thao tác phân tích khái niệm: Phân tích là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để xem xét kĩ lưỡng nội dung và những mối liên hệ bên trong bên ngoài của đối tượng;

Thao tác so sánh khái niệm: So sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật;

Bình luận khái niệm: Bình luận là bàn bạc đánh giá vấn đề, sự việc, hiện tượng…đúng hay sai, hay/dở, tốt/xấu, lợi/hại,… đề nhận thức đối tượng, cách ứng xử phù hợp và có phương châm hành động đúng;

Thao tác lập luận bác bỏ khái niệm: Bác bỏ là chỉ ra ý kiến sai trái hiển nhiên của vấn đề, trên cơ sở đó đưa ra nhận định đúng đắn của mình.

Nhận diện phương pháp lập luận

Các phương pháp lập luận gồm: Phương pháp diễn dịch (câu chốt, câu nêu ý khái quát đạt ở đầu đoạn);

Phương pháp quy nạp (câu chốt, câu nêu ý khái quát đạt ở cuối đoạn); phương pháp song hành (không có câu chốt, câu chủ đề, tất cả các câu cùng tập trung hướng tới một chủ đề chung);

Phương pháp móc xích; phương pháp tổng – phân – hợp (có hai câu chốt nằm ở đầu và cuối đoạn nhưng hai câu này không giống nhau). 

Lưu ý với cấp độ thông hiểu

Cấp độ thứ hai của các đề văn đọc hiểu văn bản là thông hiểu. Ở cấp độ này đề phải yêu cầu các em phải trả lời được các câu hỏi sau:

Thứ nhất: Nội dung chính của văn bản? Tóm tắt nội nội dung của văn bản? Với câu ỏi như này HS cần đọc kĩ văn bản, có thể dựa vào nhan đề và những câu văn mở đầu và kết thúc của văn bản để xác định nội dung chính.

Thứ hai: Nếu văn bản không có nhan đề thì đề bài có thể sẽ yêu cầu học sinh đặt cho nó một nhan đề phù hợp với nội dung.

Thứ ba: Trả lời được các câu hỏi vì sao?

Thứ tư: Phân tích được ý nghĩa và tác dụng của việc ngắt nhịp (nếu văn bản ngữ liệu là văn bản thơ).

Cấp độ vận dụng

Cấp độ này đòi yêu cầu hoc jsinh phải trả lời được được những câu hỏi sau:

Tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản?

Ý nghĩa của một số từ ngữ đặc biệt trong văn bản, thường là những từ ngữ được dùng với nghĩa chuyển, nghĩa hàm ẩn chứ không phải là những từ ngữ chỉ có nghĩa trực tiếp.

Viết một đoạn văn liên quan đến nội dung của văn bản, hoặc viết đoạn văn thể hiện suy nghĩ riêng của bản thân.

Trước đây rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản cho học sinh, giáo viên thường bắt đầu bằng việc hướng dẫn học sinh đọc hiểu từng văn bản một. 
Cách làm này rất mất thời gian, bởi những văn bản dùng làm ngữ liệu đọc hiểu văn bản rất phong phú đa dạng, giáo viên không thể dạy hết cho học sinh được. 
Với hệ thống kiến thức như trên, giáo viên không phải mất nhiều thời gian hướng dẫn học sinh giải từng đề cụ thể mà chỉ cung cấp cho các em “chìa khóa” để đọc hiểu văn bản. 
Chìa khóa đó là một hệ thống những kiến thức, kĩ năng cần thiết mà học sinh phải có để sử dụng trong qua trình đọc hiểu một văn bản thông thường. 
Khi học sinh đã có một nền tảng kiến thức cơ bản thì giáo viên chỉ cần mình họa bằng một số đề cơ bản. Từ đó học sinh hoàn toàn có thể chủ động, tự tin khi đứng trước bất cứ một đề đọc hiểu văn bản nào. 
Thầy Nguyễn Văn Tập

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ