Chỉ sợ lở núi

GD&TĐ - Bão thì còn dự báo đường đi và mức độ nguy hiểm của nó để mà tránh chứ sạt lở núi thì không biết đường nào mà lần.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nói “không ngại bão” thì cũng không hẳn đúng nhưng rõ ràng, qua trận siêu bão Yagi (bão số 3) vừa rồi thì thấy, một khi người dân tuân thủ sự chỉ đạo của các cấp chính quyền qua những “mệnh lệnh nóng” thì thiệt hại về người sẽ không đáng kể.

Bão số 3 đã càn qua các tỉnh phía Bắc, nhất là tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã gây cảnh tan hoang chưa từng có, nhưng so với những trận lở núi sau đó ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì còn kinh hoàng hơn! Nói “không ngại bão, chỉ sợ lở núi” là vậy.

Bão thì còn dự báo đường đi và mức độ nguy hiểm của nó để mà tránh chứ sạt lở núi thì không biết đường nào mà lần nên cơ quan Dự báo Khí tượng thủy văn và các phương tiện thông tin đại chúng cũng chỉ khuyến cáo chung chung mà thôi.

Nghe những lời khuyến cáo ấy, ai cũng nghĩ nó (tức sạt lở) sẽ chừa mình ra! Được như anh Trưởng thôn Kho Vàng - Vàng Seo Chứ ở xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã quyết định chuyển dân cấp tốc nên 115 người trong thôn tránh được cảnh bị núi vùi lấp như ở Làng Nủ, thì chẳng có mấy người.

Nhắc lại câu chuyện sạt lở núi vùi lấp cả làng hoặc cuốn cả xe ô tô làm chết hàng chục người vừa mới xảy ra sau cơn bão số 3 để thấy rằng, người dân, nhất là khu vực miền Trung đang phải đối mặt với nhiều cơn bão trong mùa mưa năm nay, cần phải hết sức cảnh giác.

Mặc dù đã trải qua những trận lở núi làm chết nhiều người như vụ Rào Trăng (Thừa Thiên Huế) và Trà Leng (Quảng Nam) cách đây không lâu nhưng “bài học” tránh sạt lở để bảo vệ tính mạng cho dân vẫn chưa bao giờ là cũ cả.

Đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao ở miền Trung cũng như ở miền núi phía Bắc đã gắn bó với núi rừng từ bao đời nay nhưng cảnh sạt lở vùi lấp cả làng như những năm vừa qua là hiếm khi xảy ra. Đổ lỗi cho chuyện phá rừng, san bạt nhiều ngọn đồi để mở đường, làm thủy điện, rồi thời tiết ngày một dữ dằn hơn… là nguyên nhân gây cảnh sạt lở như thế, là không sai.

Nhưng có lẽ các nhà quản lý đã bỏ qua hoặc thiếu rốt ráo trong việc đo đạc, kiểm đếm những điểm có nhiều khả năng sạt lở đe dọa đến tính mạng người dân để đưa ra những quyết định di dời khu dân cư trước khi tai họa ập đến.

Nhiều tỉnh cũng đã giao cho ngành chức năng và chính quyền các địa phương ở vùng cao tiến hành kiểm tra thực địa những nơi nhạy cảm với sạt lở nhưng hầu như sau những lần kiểm tra ấy, họ chỉ đưa ra những cảnh báo nguy hiểm chứ chưa có phương án di dời dân mỗi khi có lũ lớn.

Cũng có cái khó của chuyện dời làng, nhất là những ngôi làng của đồng bào thiểu số, một khi chưa thấy nguy cơ sạt lở rõ ràng. Những tập tục của một số nơi vẫn còn ràng buộc trong chuyện bỏ làng để định cư ở một chỗ khác vẫn luôn là cản ngại lớn nhất cho các nhà hoạch định chính sách.

Hơn nữa, việc quy hoạch các khu dân cư cho người dân vùng cao khi địa hình ở nhiều nơi không cho phép san gạt, can thiệp quá mức vào nền địa chất đã ổn định cũng là một khó khăn không nhỏ.

Sau các trận bão là mưa lũ và sạt lở, đó gần như là quy luật lâu nay. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị đối phó với bão, chính quyền địa phương vùng cao, nhất là các già làng, trưởng bản cũng cần sâu sát hơn với các điểm có nguy cơ sạt lở để tránh những tai họa như vừa rồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Minh Thu

Làm đẹp thêm hình ảnh người thầy

GD&TĐ - Bão số 3 và hoàn lưu bão đã qua nhưng hậu quả vẫn hiện diện ở nhiều địa phương, trong mỗi trường học và tâm trí của thầy trò. 

Binh sĩ Nga triển khai UAV.

Trang bị 1.400.000 UAV trong năm 2024

GD&TĐ - Nga đã cung cấp 140.000 máy bay không người lái (UAV) cho quân đội năm 2023 và có kế hoạch tăng số lượng lên gấp 10 lần trong năm 2024.

Hơn 42 nghìn ứng viên trúng tuyển nhưng bỏ nhập học tại Anh.

Hơn 42 nghìn người bỏ nhập học tại Anh

GD&TĐ - Theo dữ liệu của Dịch vụ Tuyển sinh đại học và cao đẳng Anh (UCAS), hơn 42 nghìn ứng viên đỗ đại học nhưng bỏ nhập học trong kì tuyển sinh năm nay.